Chỉ vì không có 45 triệu đồng mà bà Hảo sắp trở thành người tàn tật suốt đời, chưa kể các biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng do vết lở loét gây ra. Bà Lưu Lệ Hảo phải cắn răng chịu đựng nỗi đau do cổ xương đùi bị gãy suốt 7 tháng nay. Khi được hỏi sao thời gian lâu thế mà vẫn chưa phẫu thuật, thì bà nấc lên, hai vai gầy run rẩy, từng giọt nước mắt trào ra từ đôi mắt mờ đục, tràn ướt đẫm khuôn mặt đầy nếp nhăn rúm ró.Bỏ học đi làm vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho mẹ Năm hết, Tết đến mà sao vẫn còn những cảnh đời éo le đến thế. Nhận được đơn xin trợ giúp của gia đình nữ bệnh nhân Lưu Lệ Hảo, sáng ngày 23/12 chúng tôi tìm đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM nơi bà Hảo đang điều trị. Biết chúng tôi đến hỏi thông tin về vợ mình, ông Thái chồng bà Hảo cứ thấp thỏm ngoài cửa phòng hành chính của khoa Nội Tiết chuyên sâu. Chúng tôi đi xuống tầng để xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện cho phép phỏng vấn bác sĩ nhằm xác minh thông tin. Thấy vậy tưởng chúng tôi bỏ về chồng bà Hảo hoảng hốt, chạy theo, thất thần kêu: “Cô ơi đừng bỏ về, cô ơi ráng giúp vợ tôi!”. Nghe tiếng kêu xé lòng, suýt rơi nước mắt, tôi động viên ông cứ yên tâm, chúng tôi sẽ ở lại để xin gặp bằng được bác sĩ mới thôi. Sau khi xin đầy đủ các thủ tục, quay lại gặp bác sĩ điều trị cho bà Hảo thì đã đến giờ…nghỉ trưa. Để vợ chồng bà Hảo yên lòng, tôi ngồi cạnh giường bệnh của bà đợi tới giờ bác sĩ làm việc lại. Bữa cơm trưa của bà Hảo đơn giản, đơn giản tới mức chỉ là củ khoai lang luộc. Hai vợ chồng bà đã lớn tuổi, từ ngày bà nằm viện đến nay người chồng già nua phải bỏ luôn cả công việc làm mướn để trông nom vợ. Cậu con trai của bà đang là sinh viên năm thứ 2 cũng phải bảo lưu kết quả học tập để đi làm kiếm tiền chi phí cho mẹ.
Tuy nhiên, cậu con trai đi làm chỉ kiếm được đồng lương có 75.000 đồng/ngày thì thấm vào đâu với 3 miệng ăn, chưa kể đến việc đủ tiền chữa bệnh cho mẹ. Đúng 13h30 cùng ngày, tiếp chúng tôi là bác sĩ Lan, người điều trị trực tiếp cho bà Hảo. Bác sĩ Lan nói: "Bà cụ nhập viện đến nay là hai lần rồi. Bà bị gãy cổ xương đùi, nằm lâu một chỗ nên phần thịt chỗ mỏm xương cụt bị hoại tử, lở loét. Lần trước chúng tôi cũng điều trị lành vết loét và đưa bệnh nhân sang khoa Chỉnh hình của bệnh viện để phẫu thuật thay khớp xương cổ đùi. Tuy nhiên không có tiền phẫu thuật nên bệnh nhân xin về. Được 3 tháng, vết thương nơi mỏm xương cụt lại tái phát lở loét, có mủ xanh nên bệnh nhân lại phải nhập viện. Nếu cứ tái phát nhiều lần như vậy, vết loét gây nhiễm trùng bệnh nhân có khả năng sẽ tử vong”. Nguyên nhân chính của bà Hảo là không có tiền để thay khớp xương đùi.Nếu có tiền ứng trước thì cần gì đến BHYT! Bác sĩ Lan cho biết, đúng là bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng lại gặp phải một bất cập lớn. Bệnh nhân chỉ phải mất 20% tiền chi phí chữa bệnh, tuy nhiên trước tiên để được phẫu thuật bệnh nhân phải đóng đủ 100% số tiền, sau đó bảo hiểm y tế mới trả lại bệnh nhân 80% số tiền được hỗ trợ. Ông Thái, chồng bà Hảo mếu máo: “Chúng tôi đào đâu ra một số tiền lên tới mấy chục triệu đồng bây giờ. Nếu chúng tôi có được 100% số tiền mà ứng trước thì cần gì đến sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế(?)”. Bác sĩ Nguyễn Nẫm, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết giá một bộ khớp, dự tính thay cho bà Hảo là 45 triệu đồng (chưa tính những chi phí phát sinh khác). Mặc dù bệnh viện có Quỹ chữ thập đỏ để giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, nhưng người nghèo thì quá nhiều, không thể giúp hết được. Số tiền của quỹ phải ưu tiên cho những người bị nguy hiểm khẩn cấp đến tính mạng. “Thay khớp là một kỹ thuật mới chỉ những bệnh viện lớn mới thực hiện được. Vật tư tiêu hao cho kỹ thuật này đắt tiền nên bệnh viện không dự trữ như các loại thuốc thông thường để có thể linh động ứng trước cho bệnh nhân. Bệnh nhân không được thay khớp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng bị tàn tật, trở thành gánh nặng cho người thân” – Bác sĩ Nẫm nói. Chỉ vì không có 45 triệu đồng mà bà Hảo sắp trở thành người tàn tật suốt đời, chưa kể các biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng do vết lở loét gây ra. Cậu con trai của bà đang là sinh viên năm thứ 2, cả tương lai rộng mở trước mặt cũng đang dần khép lại, có khả năng phải bỏ học. Gia đình bà Hảo cần lắm sự chung tay giúp sức của xã hội, của những tấm lòng nhân ái để vượt qua cơn hiểm nghèo. Hiện bà Hảo đang nằm tại phòng số 21, khoa Nội tiết chuyên sâu, lầu 1, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Theo Thanh Huyền
VietNamNet
VietNamNet