Các chuyên gia pháp lý cho rằng trong vụ này, việc xác định “chỗ ở” của bà Thảo rất quan trọng. Vì xác định căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của bà Thảo thì mới đủ cấu thành tội phạm mà hai người này đang bị khởi tố.
Căn nhà có phải “chỗ ở” của bà Thảo?
Lật lại hồ sơ, nguyên nhân dẫn đến vụ án với ông Nam và ông Tùng là việc tranh chấp căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm giữa bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh) và bà Hoàng Trọng Anh Chi (SN 1982, ngụ quận 1).
Ngày 10/10/2017, bà Chi lập hợp đồng bán viết tay (không có công chứng – NV) cho bà Thảo giá 25 tỷ. Bà Thảo đặt cọc 7 tỷ.
Hợp đồng viết tay nêu rất rõ việc giao nhận nhà. Tại Điều 2 thỏa thuận: Bà Thảo thanh toán đợt 3 (2 đợt trước là 7 tỷ) số tiền 17,5 tỷ ngay sau khi hai bên hoàn tất thủ tục công chứng Hợp đồng mua bán tại Văn phòng công chứng (trong cùng 1 ngày). Bên bà Chi bàn giao nhà cùng các giấy tờ hợp lệ nêu ở Điều 1 (quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) cho bên bà Thảo theo thỏa thuận.
Như vậy có thể khẳng định bà Thảo chỉ được nhận nhà để ở hoặc với mục đích khác khi hai bên ký hợp đồng mua bán có công chứng và bà Thảo đã thanh toán đợt 3 số tiền 17,5 tỷ. Tuy nhiên việc này không xảy ra. Do đó căn nhà vẫn thuộc sở hữu bà Chi.
Thế nhưng bà Thảo đã tự ý vào ở trong căn nhà số 29 không được sự đồng ý của chủ sở hữu và bà Chi đã có phản đối. Biên bản làm việc ngày 27/12/2018 về việc giải quyết tranh chấp có sự tham gia của ông Tùng (đại diện cho bà Chi), bà Thảo, ông Trần Hải Đăng (Trưởng Công an phường ĐaKao), ông Trần Văn Thạch (Phó Chủ tịch UBND phường ĐaKao) và một số công chức phường ĐaKao đã ghi rõ thực tế này.
Trong biên bản, bà Thảo nêu: “Tôi mua nhà bà Chi qua sự môi giới. Hiện công trình thi công xây dựng trái phép nên công trình không hoàn công được… tôi có hoàn thiện tầng (không rõ chữ - PV)… Nhà chỉ có 02 (không rõ chữ - PV). Tôi chỉ ra khỏi nhà khi có quyết định của tòa án. Hiện tôi đã khởi kiện tại tòa án”.
Tuy nhiên, việc đòi được ở trong căn nhà số 29 không được ông Tùng (đại diện cho bà Chi) chấp thuận. Trong biên bản, ông Tùng nêu ý kiến: “Việc tranh chấp mua bán giữa các bên thì giải quyết tại tòa. Bà Thảo chiếm dụng nhà khi mà các giấy tờ pháp lý vẫn còn đứng tên bà Chi. Như vậy là trái pháp luật. Do bà Thảo chiếm dụng nhà nên bà Chi không thể khắc phục được sai phạm”.
Trưởng Công an phường ĐaKao nêu đã tiếp nhận đơn tố giác của bà Chi và báo cáo với Công an quận 1. Đồng thời, Thanh tra xây dựng khẳng định: “Công trình đang thi công nên không đảm bảo an toàn. Do đó việc có người ở lại công trình sẽ gây nguy hiểm dến an toàn tính mạng”.
Trong sự việc còn có một đơn tố giác khác tố bà Thảo. Đơn do ông Hoàng Văn Hưng (Giám đốc Công ty ký hợp đồng thi công nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với bà Chi) viết ngày 22/8/2018, gửi công an, tố bà Thảo dẫn nhóm người đến phá dỡ hàng rào công trình và chiếm giữ công trình mà không cung cấp bất cứ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu với công trình.
Không được giao nhà, không phải chủ sở hữu nhà và đất và bị chủ sở hữu nhà và đất phản đối việc vào ở, công trình đang thi công thì liệu việc CQĐT Công an quận 1 xác định căn nhà là “chỗ ở” của bà Thảo; thì có căn cứ, có chính xác hay không?
Trước khi xảy ra vụ việc, đã có biên bản có công an phường, lãnh đạo phường; và có ý kiến cho rằng bà Thảo mới là người chiếm dụng căn nhà |
Hành vi của ông Nam giúp sức như thế nào?
Trong đơn tố giác, bà Thảo cho rằng ông Tùng đã thuê Thừa phát lại và các đối tượng giang hồ “đầu trọc, mình xăm” xông vào nhà, đánh người giúp việc, bế 3 con nhỏ của bà ra khỏi nhà nhưng bất thành. Những người này đã chiếm giữ căn nhà và không cho ai vào, không cho mang tài sản ra ngoài. Đơn tố giác có đoạn nói: “Ông Nam bắt một bé với thái độ hung hăng và mang đi ra ngoài nhưng bị ngăn chặn”.
Thế nhưng trong vi bằng, thông tin lại không như thế.
Trong vi bằng ngày 19/9/2019, của Thừa phát lại quận 1, thì ban đầu đến nhà số 29 có ông Tùng và một người tên Tâm vào lúc 14h30, không có ông Nam. Mục đích là lấy lại mặt bằng căn nhà.
Khi ông Tùng đến, bà Thảo không có ở nhà. Tầng trệt có 1 bà đang trông trẻ, tầng 2 có một bà đang dọn phòng và các tầng có khách lưu trú. Ông Tùng dẫn mọi người đi xem các phòng, giải thích với khách lưu trú (là người nước ngoài) về việc lấy lại mặt bằng. Có 5 khách thu dọn đi ra ngoài.
Nội dung vi bằng tiếp tục: Liên tiếp có người đến bên ngoài la lớn nhưng không xuất trình được giấy tờ nên ông Tùng không cho vào.
Đến 14h55 thì có mặt công an, bảo vệ dân phố phường ĐaKao. Tiếp theo có một người lớn tuổi (một số người gọi người này là “bà nội”) đến chửi bới, đòi vào nhà. Ông Tùng cho vào và bà này dẫn theo một đứa bé.
Sau đó với bà giữ trẻ, “bà nội”, bà dọn phòng và các bé, ông Tùng thu xếp thuê 1 phòng ở khách sạn đầu hẻm 29 để ở, chờ bà Thảo về giải quyết, nhưng những người này không chịu ra.
“Đến 17h40, ông Tùng và cô Tâm gọi taxi, ông Tùng bế một bé, cô Tâm bế một bé ra ngoài lên taxi để đến khách sạn. Bà giữ trẻ, bà dọn phòng theo ra ngoài, “bà nội” có hai người kè cho ra ngoài. Bên ngoài có mấy cô la lối, chặn xe nên ông Tùng và cô Tâm xuống xe bế hai trẻ đi bộ qua khách sạn nhưng bị chặn lại…”.
“Đến 18h20, khi trong nhà không có ai là người nhà bà Thảo, ông Tùng và bảo vệ tạm thời ở lại giữ nhà chờ bà Thảo về, vì nghe nói bà Thảo đang trên đường về. Đến 19h hơn, vẫn chưa thấy bà Thảo về nên mọi người giải tán”, vi bằng nêu và kết thúc.
Trong toàn bộ vi bằng không có tên ông Nam, không nhắc đến hành vi ông Nam. Ông Nam chỉ xuất hiện trong clip do người nhà bà Thảo ghi lại. Trong clip dài 77 giây trên Báo VnExpress.net thì ông Nam chỉ bế một cháu bé từ tay cô Tâm (áo vàng) khi cô Tâm và ông Tùng mỗi người bế một trẻ từ taxi đi xuống và bị một số phụ nữ ngăn cản không cho đi ra khách sạn.
Theo người nhà ông Nam, ông Nam không hề bàn bạc, không hề biết việc ông Tùng đến số nhà 29 để làm gì? Theo họ, ông Nam được ông Tùng gọi điện đến nhận phòng theo hợp đồng thuê phòng.
Một luật sư (LS) Đoàn LS TP HCM nêu: “Hành vi bế cháu bé của ông Nam là có, nhưng phải làm rõ ông Nam bế với mục đích gì? Bế trẻ con ra khỏi khu vực lộn xộn để an toàn cho các bé, hay để làm gì? Cần xét rõ động cơ, mục đích. Ông Nam đến hiện trường thời điểm nào? Từ khi ông Nam đến, xảy ra sự kiện gì cũng cần được làm rõ”.
“Ngoài ra, không ai đến “xâm phạm chỗ ở của người khác” lại mời Thừa phát lại đến lập vi bằng”, LS này nói.
Trong vụ việc này, còn rất nhiều sự việc bất ngờ khác.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trên các số báo sau.
Sáng qua (7/10), CQĐT Công an quận 1 đã thông báo về việc đăng ký bào chữa với LS Lưu Vũ Anh và LS Nguyễn Văn Thân (Đoàn LS TP Hà Nội) đủ điều kiện là LS bào chữa cho ông Nam. Và LS Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn LS TP HCM) đủ điều kiện là LS bào chữa cho ông Tùng.
LS Vũ Anh nói: “Vì CQĐT Công an quận 1 cấp giấy chứng nhận bào chữa nên tôi cho rằng hồ sơ vẫn còn ở Công an quận 1, không có chuyện chuyển lên Công an TP. Tôi cho rằng việc khởi tố, điều tra của CQĐT Công an quận 1 và các phê chuẩn của VKSND quận 1 trong vụ này là trái thẩm quyền, xâm phạm hoạt động tư pháp”.