Bất ngờ… “Khu đô thị Sơn Tiên”
Bản Kết luận thanh tra số 1744/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 30/6/2011 kết thúc bằng phần kiến nghị Sơn Tiên “phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác giải quyết khiếu nại của công dân, chú ý quan tâm, tạo điều kiện đối với một số hộ dân quá khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất, thông qua chính sách hỗ trợ của địa phương”.
Đặc biệt “chậm nhất sau 6 tháng, dự án phải được triển khai thực hiện, tránh tình trạng không đầu tư, làm kém hiệu quả sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị thu hồi dự án”.
Ba năm sau đó, trong biên bản tiếp các công dân tỉnh Đồng Nai của Trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội, vẫn thể hiện ngày 28/4/2014, có 12 công dân ra Hà Nội tố cáo việc đền bù, hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất thực hiện dự án Sơn Tiên. Các hộ dân cho rằng khu đất 373 ha chưa sử dụng, đề nghị Sơn Tiên trực tiếp thỏa thuận với các hộ dân, bồi thường tổn thất, phục hồi danh dự cho một số nông dân…
Sáu năm sau ngày Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Sơn Tiên vẫn bị những nông dân mất đất quyết liệt phản đối, khiếu kiện. Ngày 24/1/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có nêu ý kiến trong Văn bản số 691/VPCP-V.I yêu cầu kiểm tra thực hiện sau thanh tra với dự án Sơn Tiên. Thanh tra Chính phủ tiếp tục lập đoàn kiểm tra, nửa năm sau có Báo cáo kết luận số 2010/BC-TTCP ngày 9/8/2017.
Báo cáo nêu đến thời điểm 2017, nghĩa là 15 năm kể từ ngày có chủ trương đầu tư, UBND Đồng Nai và Sơn Tiên còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như còn khoảng 2,9ha đất của dự án là diện tích đất ven Quốc lộ 51 chưa thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số thủ tục về môi trường chưa hoàn thiện như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, chưa hoàn thành xây dựng phương án phòng chống ô nhiễm; chưa hoàn thành việc xin phép khai thác sử dụng nguồn nước và xả thải nước thải…
Đặc biệt, trong báo cáo này, một tình tiết mới đã xuất hiện. Dự án ban đầu có tên “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên”, nay đã xuất hiện cả “Khu đô thị Sơn Tiên”.
Kết luận về khía cạnh này, Thanh tra Chính phủ nêu: “UBND TP Biên Hòa chưa xác nhận đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Khu đô thị Sơn Tiên, vì vậy dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Do vậy chưa đủ điều kiện để trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất cho Công ty Sơn Tiên thực hiện dự án”.
Có “bỏ hoang” hay không?
Cũng trong Báo cáo kết luận số 2010/BC-TTCP ngày 9/8/2017, Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Khu du lịch về cơ bản đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng như: Hồ nước, cảnh quan, trồng cây, hệ thống giao thông nội bộ, nay đã chuẩn bị lắp ráp thiết bị trò chơi, xây dựng các khu công năng để đến cuối năm 2018 đưa vào khai thác phục vụ nhân dân.
Nhưng công dân vẫn phản ánh, kiến nghị về việc dự án còn bỏ hoang không thực hiện là do công ty chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và công dân trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về dự án, tiến độ thực hiện dự án”.
Chỉ trước đó bốn tháng, tại cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra Thanh tra Chính phủ ngày 5/4/2017, bà Phạm Thị Trang (SN 1968, đại diện cho một số hộ dân khiếu kiện), nêu rõ: “Dự án Sơn Tiên đã lấy đất trái pháp luật, 15 năm nay bỏ hoang hóa”. Bà Trang và các hộ dân yêu cầu “trả lại nhà, đất cho dân”.
Mỗi bên nói một kiểu như trên, vậy ai đúng, ai sai? Văn phòng Chính phủ ngày 21/8/2017 đã có Văn bản số 8882/VPCP-V.I gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị có ý kiến về báo cáo kết luận số 2010/BC-TTCP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5927/BTNMT-TTr ngày 2/11/2017, nói rõ: “Báo cáo của Thanh tra Chính phủ chưa thể hiện rõ kết quả kiểm tra, xác minh đối với nội dung đơn của công dân như: Việc thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tiến độ thời gian thực hiện dự án. Việc cho rằng dự án khu du lịch nằm sâu trong khu đất, có tường bao quanh để kết luận việc người dân không thấy được tiến độ thực hiện là chưa thuyết phục”.
Vẫn ý kiến trong văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ký: “Mặt khác, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án đã thực hiện đúng tiến độ, cuối năm 2018 sẽ đưa vào khai thác phục vụ nhân dân, nhưng tại kết quả kiểm tra còn phát hiện một số tồn tại của dự án là đến nay UBND TP Biên Hòa chưa xác nhận hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất; chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án… Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần báo cáo bổ sung làm rõ…”.
Ông Phạm Chí Thanh, người nông dân đã bị lấy đất, sau khi phản đối cưỡng chế phải ngồi tù, nhận xét: “Thực tế nay là gần giữa năm 2019, cái gọi là “cuối năm 2018 sẽ đưa vào khai thác phục vụ nhân dân” vẫn không thấy đâu. Hàng trăm ha đất vẫn chỉ để cây cỏ mọc. Tường bao giữ đất do xây đã quá lâu, gạch vữa mục nát, nhiều đoạn thậm chí đã tự sụp”.
Ông Thanh hàng chục năm nay dù bị đi tù vẫn tố Đồng Nai và Sơn Tiên lấy đất của dân trái luật. |
Ông Thanh cho rằng: “Họ cưỡng chế lấy đất nông dân rồi để hoang, sau đó báo cáo sai với Chính phủ và Quốc hội, chỉ mong Trung ương và dư luận quên chuyện này đi, họ sẽ âm thầm phân lô bán nền”.
Thêm cái tên “thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên”
Vì sao nông dân mất đất vì dự án Sơn Tiên lại có tố cáo như trên? Manh mối không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã bộc lộ ngay từ cuối năm 2011.
Sau khi Thanh tra Chính phủ có Kết luận thanh tra số 1744/KL-TTCP ngày 30/6/2011, nửa năm sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 9388/UBND-CNN ngày 29/12/2011 gửi Thủ tướng Chính phủ “báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra dự án Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên”. Văn bản này do ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký.
Theo báo cáo này, ngày 14/10/2011, Công ty cổ phần Sơn Tiên có Văn bản số 42/CV/2011 về việc điều chỉnh chức năng và tên gọi dự án. Gần một tháng sau đó, ngày 10/11/2011, UBND tỉnh có Văn bản số 7906/UBND-CNN điều chỉnh quy hoạch xây dựng chức năng và tên gọi của dự án “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên”.
Theo đó, về chủ trương Chủ tịch UBND Đồng Nai chấp thuận Công ty Cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/5000 dự án “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên” theo hướng điều chỉnh bỏ chức năng “nuôi và bảo tồn động vật hoang dã” và nghiên cứu đề xuất bổ sung các chức năng, tên gọi mới của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế…”.
Văn bản do ông Đinh Quốc Thái ký nêu rõ: “Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chức năng và tên gọi của dự án “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên” có tính chất quan trọng, ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời có sự ảnh hưởng liên quan đến quy hoạch các chuyên ngành gồm: Kinh tế - xã hội, du lịch, xây dựng đô thị, sử dụng đất của các cấp…”.
Nói tóm lại, theo văn bản trên, gần 400 ha đất sau khi thu hồi của dân để làm du lịch và “nuôi và bảo tồn động vật hoang dã”, nay đã bỏ chức năng này đi để “bổ sung các chức năng”. Cũng lần đầu tiên cái tên “Công ty Cổ phần thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên” xuất hiện.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong dự án Sơn Tiên, cũng như sai phạm của các cán bộ địa phương liên quan.
Như PLVN đã có bài phản ánh, dự án Sơn Tiên với diện tích 373 ha từng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy du lịch của Đồng Nai, “góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu của tỉnh”, “giải quyết việc làm cho khoảng 4.100 lao động”...
Thế nhưng, từ khi triển khai chuẩn bị đầu tư năm 2002 đến nay đã 17 năm trôi qua, phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha đất này vẫn chỉ um tùm đủ loại cây. Đây cũng là một trong những điểm nóng về đất đai, khi hàng chục năm nay những người dân bị cưỡng chế lấy đất liên tục đâm đơn khiếu nại, thậm chí đã từng xảy ra vụ án “chống người thi hành công vụ” với bảy nông dân nhận án tù.
Dự án này nằm tại khu vực xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sơn Tiên (trụ sở số 149 đường Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10, TP HCM). Theo quan sát của phóng viên ở thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích trong số hàng trăm ha vẫn chỉ để cây cỏ mọc.
Nhiều nông dân bị lấy đất hiện vẫn tiếp tục khiếu nại dự án, kêu cứu đến các cơ quan Trung ương, tố cáo việc Sơn Tiên lấy đất rồi bỏ hoang, đề nghị trả lại nhà đất cho dân.