Uất ức vì bị vu khống nhục mạ “cướp chồng người”
Vụ việc xảy ra tại vùng quê nghèo ở thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo hồ sơ, bà Trịnh Thị Mỹ Dung (SN 1977) ghen tuông, cho rằng bà Tô Thị Diệp (SN 1975) có quan hệ tình cảm với chồng mình nên đã dùng nhiều ngôn từ thô tục chửi bới nhục mạ bà Diệp. Khoảng 10h ngày 25/7/2016, bà Diệp gọi điện kể cho chị gái nghe về vụ việc. Chị gái bà Diệp gọi điện cho bà Dung, hai bên xảy ra cãi vã.
Đến 11h cùng ngày, bà Dung gọi điện cho chị gái bà Diệp, nói đang ở nhà cha chồng cùng thôn, đồng thời gọi điện cho bà Diệp biết. Biết chị gái nóng tính và sợ đánh nhau nên bà Diệp gọi điện nhờ con trai và một người khác đến can ngăn. Khi chị gái bà Diệp đến “điểm hẹn”, thấy bà Dung đang nằm trên võng. Chị gái bà Diệp dùng chìa khóa xe máy ấn vào mũi bà Dung nói: “Sao mày bậc cháu mà hỗn?”. Bà Dung co chân đạp làm chị gái bà Diệp té xuống đất.
Lúc này bà Diệp có mặt, nhào tới, lời qua tiếng lại, bị bà Dung dùng chân đạp. Bà Diệp lấy một cây chổi đang treo ở góc tường đánh phần cán trúng mắt bà Dung, rồi xông vào kéo tóc, cấu xé. Ngay sau đó những người được nhờ tới can ngăn kịp có mặt, can ngăn, kéo hai bên ra. Hậu quả bà Dung thương tích tỉ lệ 23%, bà Diệp thương tích 5%. Cơ quan tố tụng vào cuộc.
Cơ quan tố tụng xác định hai bên từng là những người bạn cùng tuổi thường giúp đỡ nhau trong công việc. Trong sự việc này không có bằng chứng cho thấy có việc quan hệ bất chính giữa chồng bà Dung với bà Diệp.
Ngày 30/9/2017, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2017/HSST của TAND huyện Phú Hòa tuyên Tô Thị Diệp 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo phải bồi thường hơn 12,6 triệu đồng cho bà Dung.
Ngày 13/12/2017, bà Dung làm đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại; tính lại phần bồi thường dân sự; và không cho bị cáo hưởng án treo. Mới đây, ngày 16/10/2019, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo 1 năm tù giam. Bị cáo vẫn được tại ngoại chờ ngày thi hành án.
Phiên phúc thẩm đã khiến nhiều người dự khán xúc động. Đứng nghe tòa tuyên án, bà Diệp liên tục khóc, xin tòa giảm nhẹ để nuôi hai con và mẹ già. “Là một nông dân ở vùng quê, ít hiểu biết về pháp luật, phải uất ức chịu cảnh người khác xúc phạm đến danh dự của mình, nay lại phải chịu cảnh tù tội. Vì một chút nông nổi, không làm chủ bản thân, giờ tui hối hận lắm”, bà Diệp khóc.
Kiểm sát viên tham dự phiên tòa dường như cũng có đồng cảm: “Lúc đầu, vốn dĩ là chuyện bình thường giữa hàng xóm với nhau, nhưng giờ đã thành câu chuyện của xã hội. Bản thân tôi cũng là phụ nữ, chứng kiến vụ việc như thế này, cũng cảm thấy đau lòng thay”.
Cần xem xét lại phán quyết
Gặp PV sau một tuần từ khi bị tòa phúc thẩm tuyên án tù, bà Diệp vẫn còn như người mất hồn. Đôi mắt đỏ hoe, gương mặt hốc hác, bà cho hay trong mình còn đang mang căn bệnh trào ngược dạ dày.
Chồng mất cách đây 12 năm, bỏ lại hai đứa con thơ dại, một mình bà phải ngược xuôi vào Nam làm đủ nghề để kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. “Hơn ai hết, tui biết trách nhiệm của một người làm mẹ phải làm chỗ dựa cho các con nên luôn sống chuẩn mực mặc dù điều kiện thiếu thốn trăm bề. Nhà từ xưa đến giờ nằm trong diện hộ nghèo nhưng tui vẫn cố gắng chắt chiu để hai đứa con ăn học”, bà nói.
Từ lúc biết con bị án tù cho đến nay, cụ Nguyễn Thị Tám (SN 1941, mẹ bà Diệp) cũng liên tục khóc. Tuổi đã cao, thêm những chứng bệnh người già, cộng với việc phải chứng kiến cảnh đứa con gái mình vào vòng lao lý vì những chuyện không đáng có, cụ gần như suy sụp. Còn một nỗi sợ hơn nữa, khi con cụ chấp hành án tù, không biết cụ và hai đứa cháu ngoại đang trong đi học sẽ ra sao?
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, trong vụ án này, bản thân bà Diệp cũng là nạn nhân khi bị vu khống, cũng bị bà Dung tấn công gây thương tích, vì vậy cần xem xét lại phán quyết.
Luật sư Đoàn Cửu Việt (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên) thì cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là hành vi vi phạm pháp luật của bị hại. Đó là đã vu khống cho bị cáo có quan hệ bất chính với chồng bị hại, rêu rao và xúc phạm danh dự và nhân phẩm của bị cáo. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến bà Diệp, vì đây là vùng quê nên sẽ rất khó sống nếu bị vu khống như vậy. Đây chính là nguyên nhân của vụ án nên cần được xem xét mối liên hệ giữa hành vi và căn nguyên vấn đề, để trong quá trình lượng hình hoặc áp dụng hình phạt đảm bảo chính xác và bản án đưa ra sẽ thấu tình, hợp lý hơn”.
Vẫn theo Luật sư Việt, bản án chưa quan tâm, xem xét đến những tác động, hệ lụy khi bị cáo phải đi tù như: Hai con của bị cáo đang đi học ai nuôi, mẹ già ai chăm sóc, nhà bị cáo đang thuộc diện hộ cận nghèo?
Bốn năm qua, kể từ khi xảy ra vụ việc, hàng chục buổi triệu tập điều tra của cơ quan chức năng, hai em Lê Tô Nguyên (SN 1998) và Lê Tô Nguyện (SN 2002), các con trai bà Diệp, đều luôn động viên, chia sẻ với mẹ. Biết gia cảnh của nhà mình, hai em đều cố gắng học giỏi. Hiện Nguyên đang là sinh viên năm 3 của một trường cao đẳng trong TP Tuy Hòa. Ngoài giờ học, em còn đi làm thuê để kiếm tiền trang trải học phí. Còn em Nguyện đang là học sinh lớp 12 một trường THPT gần nhà, hằng tháng được Công an tỉnh Phú Yên hỗ trợ 250.000 đồng/tháng theo Kế hoạch 68 của Tỉnh ủy Phú Yên về triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.