Với tỷ lệ sở hữu 51% cổ phần tại SRC, thay vì đề cử bổ sung thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ mới, tại Đại hội đồng CĐ (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 của SRC tổ chức ngày 27/4/2019, Vinachem đã bất ngờ đồng ý cho những thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của BRC từ nhiệm và đồng ý miễn nhiệm ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho CĐ tổ chức Cao su Việt Hàn) từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm CĐ sở hữu 19% cổ phần.
Cơ hội không cho mọi người
Trong đơn kiến nghị, ông Trần Hồng Việt, CĐ sở hữu 4,6% cổ phần SRC cho biết, vào thời điểm đó, tất cả các thành viên HĐQT và BKS đang hoạt động bình thường, không mắc lỗi gì, hoàn toàn đủ năng lực kinh nghiệm trong ngành nghề cốt lõi của BRC, đủ sức khỏe để hoạt động. Đồng thời, HĐQT cũng không có bản xác định nhóm CĐ trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không.
Cũng theo đơn phản ánh của ông Việt, tài liệu ĐHĐCĐ được ký ngày 10/4/2019 thì ngay hôm sau, ngày 11/4/2019, nhóm CĐ nắm giữ hơn 19% đã có đơn gửi đề cử thành viên HĐQT và BKS.
Trong khi đó, những CĐ nhỏ như ông Việt không có cơ hội tham gia đề cử, ứng cử vào HĐQT và BKS thay thế nhiệm kỳ 2016 – 2021 bởi theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và khoản 3, Điều 18 của Điều lệ SRC, tài liệu ĐHĐCĐ phải gửi cho tất cả các CĐ trong danh sách CĐ có quyền tham dự họp chậm nhất trước 15 ngày trước ngày khai mạc đại hội, nhưng rất nhiều CĐ mặc dù có địa chỉ rõ ràng vẫn không nhận được thông báo mời họp.
Trong khi đó, Điều 4, Quy chế ĐHĐCĐ của SRC lại quy định, các đại diện theo ủy quyền khi muốn tham dự đại hội cần có chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người dự họp; thông báo mời họp (bản chính của Công ty). Nếu người dự họp là người được ủy quyền thì phải có thêm giấy ủy quyền theo mẫu của Công ty và là bản chính.
Theo ông Việt, quy định trên đã loại quyền tham dự họp của những CĐ không nhận được thư mời và với bản thân ông Việt, phải tới ngày 18/4/2019, SRC mới gửi thư mời tham dự Đại hội. Bởi vậy, các CĐ này không đủ thời gian để liên lạc, nhóm họp thành nhóm CĐ đủ 5% để đề cử, ứng cử tham gia HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016 - 2021 do ngày 22/4/2019, theo quy định của SRC, là ngày cuối cùng nhận tài liệu đề cử, ứng cử của các CĐ.
Thoái vốn gấp gáp?
Biên bản ĐHĐCĐ cũng ghi nhận, tại Đại hội, CĐ đã có ý kiến về việc bầu cử trước trong khi Nhà nước chuẩn bị thoái vốn tại BRC sẽ làm mất đi sự hấp dẫn của đợt đấu giá vốn nhà nước, tuy nhiên người đại diện phần vốn nhà nước tại BRS trả lời rằng đây là hai việc khác nhau và chưa biết khi nào thoái vốn.
Thế nhưng, ngày 14/5/2019, tức là chỉ sau 10 ngày làm việc kể từ thời điểm ĐHĐCĐ, Vinachem bất ngờ ra thông báo về việc thoái vốn nhà nước tại SRC. Theo thông báo này, ngày 4/6 tới, Vinachem sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Giá khởi điểm đem ra đấu giá là 46.452 đồng/cổ phiếu.
Động thái này khiến các CĐ có quyền nghi ngờ về nước cờ mà Vinachem và nhóm CĐ sở hữu chưa đến 20% cổ phiếu của BRC đã tính trước. Một loạt câu hỏi được đặt ra là: Tại sao trước khi bán vốn nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm CĐ nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong HĐQT và 1/3 ghế trong BKS?
Việc này có làm giảm sức hút của đợt bán vốn nhà nước tại SRC, vì CĐ mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó để có 1 ghế trong HĐQT hoặc BKS nhiệm kỳ 2016 - 2021. Có hay không việc tiếp tay cho một nhóm CĐ lớn bỏ ra một lượng tài chính nhỏ để thâu tóm SRC nắm quyền kiểm soát khi Nhà nước thoái vốn?
Thời gian tổ chức thoái vốn của Vinachem, theo đơn phản ánh của ông Việt, cũng rất gấp gáp. Với quy mô bán vốn (tính theo giá khởi điểm) gần 200 tỷ đồng, song thời gian bán vốn chỉ diễn ra trong vòng 20 ngày bình thường (từ ngày 15/5/2019 đến ngày 4/6/2019), trong khi theo Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành, thời gian công bố thông tin trước 20 ngày làm việc tương đương với khoảng 30 ngày bình thường.
Nếu doanh nghiệp nào cũng tổ chức thoái vốn “thần tốc” như Vinachem hẳn kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ không bị trì trệ như hiện nay.
Thông tin mới nhất từ HOSE cho biết, có 4 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá cổ phần của SRC, trong đó có 3 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức, số lượng đăng ký mua là 4.209.800 cổ phần, bằng đúng số cổ phần chào bán. Được biết, nếu như không có sự lùm xùm trên, tổng số nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần tối thiếu đã là 5 nhà đầu tư với tổng số lượng cổ phần đặt mua là 8.419.600 cổ phần - gấp đôi số lượng cổ phần Vinachem chào bán.
Theo các chuyên gia, việc chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký mua với số lượng vừa bằng số lượng Vinachem chào bán đã làm giảm mạnh tính cạnh tranh của cuộc đấu giá cũng như giá trị Nhà nước có thể thu được từ việc thoái vốn.