Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc tạm dừng các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý tài sản của các cơ quan, doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ đấu giá tài sản. Vì vậy, việc tổ chức các phiên đấu giá trực tuyến là hướng đi hết sức đúng đắn và cần thiết để kịp thời xử lý tài sản cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, tài sản thi hành án, qua đó, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo thực thi các bản án của Tòa án.
Nhận thức rõ xu thế phát triển của đấu giá trực tuyến, ngay từ khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt (Hà Nội) đã triển khai xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến theo mô hình của các nước có nghề đấu giá phát triển và là tổ chức đấu giá đi tiên phong trong việc đấu giá trực tuyến ở Việt Nam. Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Lạc Việt (lacvietauction.vn và lvo.vn) đã được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả và cũng là 1 trong 4 phần mềm đấu giá trực tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để chính thức đưa vào vận hành.
Cuộc đấu giá trực tuyến thanh lý 7 cây gỗ sưa. |
Gần đây nhất, ngày 10/8/2021, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt đã tổ chức thành công phiên đấu giá trực tuyến gỗ sưa thanh lý (cây đã chết) của Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ. Cuộc đấu giá được tổ chức trên trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Lạc Việt và có sự giám sát của đại diện Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ.
Kết quả, 7 cây gỗ sưa có tổng khối lượng trên 14,9 m3 với mức giá khởi điểm trên 146 tỷ đồng đã được bán cho một khách hàng với tổng số tiền 234.942.820.000 đồng (giá chưa bao gồm thuế VAT), vượt giá khởi điểm hơn 88,8 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với giá khởi điểm, một kỷ lục về mức giá chênh giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm trong các cuộc đấu giá trực tuyến của Công ty từ trước đến nay.
Theo đại diện Công ty, đến nay Lạc Việt đã thực hiện thành công 63 cuộc đấu giá với hình thức trực tuyến, tổng giá trị bán thành được hơn 845 tỷ, chênh lệch hơn 148,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm, là tổ chức đấu giá có số lượng cuộc đấu giá dưới hình thức trực tuyến nhiều nhất tại Việt Nam. Tài sản được Công ty đấu giá dưới hình thức trực tuyến đa dạng, từ quyền thuê mặt bằng, quyền sử dụng đất đến tài sản thanh lý của doanh nghiệp, tài sản của tổ chức, cá nhân tự nguyện bán dưới hình thức đấu giá.
Trước đó, ngày 5/8, cũng qua trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Lạc Việt, Công ty đấu giá hợp danh Ngô Thống Nhất đã tổ chức thành công phiên đấu giá trực tuyến. Đây là doanh nghiệp đấu giá đầu tiên thuộc địa bàn các tỉnh phía Nam tổ chức cuộc đấu giá theo hình thức trực tuyến.
Cuộc đấu giá trực tuyến lô cáp đồng viễn thông. |
Theo đó, Công ty đấu giá hợp danh Ngô Thống Nhất, được sự đồng ý của VNPT Cần Thơ, đã linh hoạt chuyển đổi từ hình thức đấu giá truyền thống sang đấu giá trực tuyến. Phiên đấu giá ngày 5/8 là phiên đấu giá trực tuyến đầu tiên của Công ty nói riêng và của các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp khu vực phía Nam nói chung, thu hút tới 39 khách hàng từ nhiều địa phương khác nhau tham gia.
Tại phiên đấu trực tuyến này, Công ty đấu giá hợp danh Ngô Thống Nhất đã tổ chức đấu giá thành công lô cáp đồng viễn thông thanh lý với giá khởi điểm từ 6,2 tỷ đồng đã tăng lên 7,15 tỷ đồng, tăng 950 triệu đồng so với giá khởi điểm.
Hình thức đấu giá trực tuyến tại Việt Nam lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho một mô hình đấu giá công khai, minh bạch khá quen thuộc trên thế giới nhưng còn chưa phổ biến tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có thể nói, hình thức đấu giá trực tuyến là giải pháp an toàn, hiệu quả cho các cuộc đấu giá không những trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội mà còn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ IV. Đồng thời, hình thức đấu giá này cũng đem đến cho người có tài sản thêm một sự lựa chọn trong việc xử lý tài sản, tiết kiệm thời gian, chi phí và quan trọng nhất là giảm thiểu tình trạng “xã hội đen”, “cò”, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc xử lý tài sản.
Được biết hiện nay nhiều người có tài sản, trong đó có cả cơ quan nhà nước, đang xem xét sử dụng đấu giá trực tuyến thay cho các hình thức đấu giá truyền thống. Đây là một tín hiệu vui cho đấu giá Việt Nam, tạo nền tảng đưa hoạt động đấu giá trở lên minh bạch, chuyên nghiệp, tiệm cận với xu thế xử lý tài sản chung trên thế giới…
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"