Nông dân mất ngủ vì lo nước tưới
Theo ông Đặng Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, số liệu kiểm tra thực tế tại các hồ chứa thủy lợi cho thấy rằng, dung tích nước tại các hồ hiện chỉ đạt mức bình quân 50% dung tích thiết kế. Một số hồ rất thấp, dưới 20% như: hồ Khe Bùi 15%, hồ Bàu Luồng gần 12%, Vực Sanh 18%, Đồng Ran 19%... Đặc biệt có những hồ đang ở mực nước chết như: Long Đại 4%, Long Đèn 0,6%...
Cả Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ và Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Bình đều có chung nhận định rằng, từ tháng 11/2018 đến hết tháng 3/2019, tổng lượng mưa tại Quảng Bình chỉ đạt xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng nhiệt độ trung bình nhiều tháng lại cao hơn nguy cơ xảy ra hạn hán rất lớn. Tình hình này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, nhất là sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với thiệt hại lớn.
Chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân 2018 – 2019 nhưng người nông dân ở xã Hạ Trạch - một trong những xã là “vựa lúa” của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lại đang “mất ăn, mất ngủ” vì kênh mương nội đồng đang khô hạn dần.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Sỹ - Trưởng Chi nhánh Thủy nông huyện Bố Trạch cho biết, mọi năm nguồn nước tưới đều chắc ăn cho vụ Đông Xuân nhưng giữa mùa mưa lạnh mà nắng nóng lại kéo dài, lượng mưa quá ít như hiện nay khiến đơn vị lúng túng vô cùng trong việc bố trí nguồn nước tưới.
Đối mặt với hạn hán lịch sử
Lý giải về tình trạng lượng nước tích được của gần 20 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình rất thấp so với dung tích thiết kế, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình đưa ra các con số cho thấy, tổng lượng mưa ở các trạm đo trên địa bàn tỉnh này từ đầu năm 2018 đến nay chỉ đạt 60% so với TBNN. Riêng tháng 10, mưa chỉ đạt được 36%.
Cân đối lượng nước trong các hồ chứa, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công trình thủy lợi Quảng Bình tính toán chỉ đảm bảo tưới cho 13.500ha/15.840ha vụ Đông Xuân 2018-2019 trong toàn tỉnh, gần 2.400ha ruộng không đủ nước tưới. Tiếp đến vụ Hè Thu, gần 6.000ha sẽ không đủ nước tưới.
Nhận định của nhiều ban, ngành chức năng tỉnh khẳng định, Quảng Bình đang phải đối mặt với trận hạn hán lịch sử giống 40 năm trước khiến chính quyền các cấp thực sự “đau đầu”. Sở NN&PTNT cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất năm 2018 - 2019.
UBND tỉnh cũng tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành liên quan cùng UBND các huyện thị, TP và thống nhất “kịch bản chung” cho công tác chống hạn; đồng thời báo cáo Bộ NN&PTNT xin kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chống chịu hạn cho nông dân nhằm giảm thiểu tối đa tác động của hạn hán, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Bình đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng nắng gay gắt, thiếu nước và khô hạn hiện nay. Các xã, phường thuộc thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới và các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch… tổ chức phát động phong trào “Toàn dân làm thủy lợi”; nơi có những vựa lúa rộng hàng nghìn hec-ta, đâu đâu cũng thấy người dân ra đồng đắp đập, be bờ, giữ nước…
Đơn vị cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương về bố trí cơ cấu giống cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp nhằm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… gây ảnh hưởng đến diện tích và năng suất cây trồng.