Trần Phước Chính không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Nhưng trong mỗi bức ảnh của ông, người xem lại cảm nhận cái thật, gần gũi đời thường, và trên hết là sự đam mê cháy bỏng: ảnh của đời.
Đam mê
Trần Phước Chính kiệm lời, dù khi nói về đam mê của mình. Ông bảo không muốn lên báo, không muốn mang tiếng tự lăng xê. Chụp ảnh, trong cách nghĩ của ông, chỉ đơn giản để thỏa mãn đam mê từ thuở thiếu thời, chứ không phải để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. “Nghệ sĩ! Hai tiếng ấy lớn lao và ý nghĩa lắm. Tôi không có được tố chất đó”, ông nói. Ở Trần Phước Chính, người ta thấy vẻ chỉnh chu, nghiêm nghị, mực thước trong từng lời nói, cử chỉ nhưng những tác phẩm ảnh của ông bàng bạt sự phóng khoáng và tràn đầy cảm xúc.
Chụp ảnh đối với Trần Phước Chính là niềm đam mê mãnh liệt. Ông chia sẻ rằng, từ nhỏ đã thích được người khác chụp ảnh. Đến khi sang Nga học thì lần đầu tiên trong đời có được chiếc máy ảnh cho riêng mình và cũng từ đó biết chụp ảnh. Những tấm ảnh đầu tiên đơn thuần chỉ chụp chân dung bạn bè, gia đình.
Năm 2002, trong những chuyến công tác, thấy nhiều cảnh quê hương, đất nước đẹp quá, ông mới nghĩ đến việc chụp ảnh nghệ thuật. Và chỉ bằng việc tự học, tự nghiên cứu, những kiến thức về nhiếp ảnh của ông không thua kém những tay máy chuyên nghiệp khác. Giới nhiếp ảnh Đà Nẵng thỉnh thoảng vẫn rỉ tai nhau câu chuyện về một tay máy nghiệp dư sẵn sàng thuê thuyền xuôi dọc sông Thu Bồn, lên tận Hòn Kẻm - Đá Dừng ròng rã suốt 3 năm với hơn 20 chuyến đi, chỉ để chụp được khoảnh khắc sương mù trên núi.
Có những ngày nghỉ, ông một mình chạy xe máy, đi nhờ đò của người dân lên Hòn Kẻm rồi thức trắng đêm với khao khát ghi lại khoảnh khắc nơi này đẹp lung linh trong tấm áo choàng trắng. Ông muốn đi để cảm nhận, để hiểu đến tận cùng vẻ đẹp đó. Song, càng đi ông càng thấy thiên nhiên thật hùng vĩ, bao la, bí ẩn và con người - trong đó có những kẻ “tò mò” như ông sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được. Có được bộ ảnh gần 20 tấm về Hòn Kẻm huyền ảo trong sương khói nhưng ông cho biết, vẫn sẽ trở lại với Hòn Kẻm - Đá Dừng vì những gì muốn nắm bắt vẫn chưa được thỏa mãn.
Đi nhiều, chụp nhiều và không ít lần về tay trắng nhưng Trần Phước Chính không nản lòng. Với ông, nhiếp ảnh không chỉ giúp thỏa mãn đam mê mà còn là thú vui để thử thách sự kiên nhẫn. Ông chia sẻ: “Tôi muốn chụp những gì như nó vốn có nên chỉ còn cách chờ đợi”. Những ngày nghỉ, ông “ngồi đồng” trên dòng Thu Bồn hàng tiếng đồng hồ để chụp cho được những khoảnh khắc rất đỗi đời thường: Những tấm lưới được tung ra, bay xuống và chạm nhẹ trên mặt sông, hay “cầu vồng nước” xuất hiện từ những cái dập mạnh của người giặt chiếu...
Dòng sông và con người
TRẦN PHƯỚC CHÍNH sinh năm 1950 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Gần 10 năm cầm máy, ông đã chụp hàng ngàn tấm ảnh, trong đó đáng chú ý là những bộ ảnh: Sóng Thu Bồn, Hội An, Sa Pa, Cao nguyên đá Hà Giang, Mù Cang Chải, Dãy Hoàng Liên Sơn... |
Trần Phước Chính cũng như vậy. Ông yêu cuộc sống, trân trọng quê hương và người lao động chính từ những lát cắt đơn sơ, bình dị ấy. Ở tuổi 60, ông cũng như bao nhiêu người khác thường muốn quay về sự tĩnh mịch, với những giá trị xưa cũ. Chụp ảnh là cách để ông lưu giữ kỷ niệm cho riêng mình và với bạn bè xung quanh. Ông đang cùng một vài người bạn nỗ lực hoàn thiện trang web ảnh tranphuocchinh.vn và ấp ủ kế hoạch thực hiện hành trình triển lãm ảnh đi dọc dòng Thu Bồn.
KHÁNH HÒA