Trong bối cảnh thị trường có nhiều tin “xấu” với những dự báo không mấy sáng sủa, nên dù được cấp đất ở những vị trí lý tưởng, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn không thể triển khai xây dựng.
Nằm ở vị trí đắc địa của quận Tây Hồ, khu đô thị Ngoại giao đoàn từng là địa chỉ "nhòm ngó" của những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, chủ đầu tư vẫn không thể triển khai rầm rộ cả một dự án quy mô gần hồ Tây.
Tình trạng “trồng cỏ” trên đất dự án chờ tín hiệu tốt từ thị trường mới khởi công là rất phổ biến. Ảnh minh họa |
Khảo sát của phóng viên cho thấy, nhiều khu đất ở dự án này được cấp lại cho các doanh nghiệp thứ cấp. Theo đó, đa phần các tiểu dự án trong tổng thể quy mô khu đô thị vẫn chưa thể triển khai. Hiện tại, mới chỉ có một số nhà đầu tư thứ cấp tiến hành được một số hạng mục. Ngoài ra, một số tòa nhà dù đã được xây dựng nhưng mới chỉ hoàn thiện phần thô, hoặc mới nhoi lên được một số tầng thì dừng lại, mặc cho sắt thép bị gỉ sét.
Dự kiến khởi công vào đầu năm 2012, nhưng dự án chung cư để bán của doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng tại khu Ngoại giao đoàn cuối cùng phải đình hoãn. Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay “bối cảnh nghìn người bán, trăm người mua” nên việc khởi công sẽ không khả thi. Mặc dù tiềm lực tài chính rất “vững”, nhưng tại kỳ họp đại hội cổ đông mới nhất, lãnh đạo và các nhà đầu tư của khu đất này cũng mới chỉ nói chung chung “sẽ triển khai dự án trong năm 2013”.
Dọc Đại lộ Thăng Long, tình trạng “trồng cỏ” trên đất dự án chờ tín hiệu tốt từ thị trường mới khởi công là rất phổ biến. Nhiều dự án đình đám một thời như của Phúc Hà sau nhiều năm đến nay cũng án binh bất động. Những dự án sau khi khởi công và hoàn thiện một số hạng mục thì trong vài ba năm trở lại đây cũng trong tình trạng nằm im.
Một lãnh đạo xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) từng chia sẻ, người dân mất nhiều đất cho dự án, nhưng sau khi bàn giao xong mặt bằng thì tiến độ của những dự án này cũng không có nhiều tiến triển.
Ngoài việc thị trường có sức mua yếu, tính thanh khoản không cao, một lý do khác mà các chủ đầu tư chưa vội vàng động thổ là liên quan đến thiết kế. Khi phong trào “chung cư cao cấp” đi qua, thì trào lưu và nhu cầu thực sự của những căn hộ dưới một tỷ đồng bắt đầu xuất hiện với những “cơn địa chấn” như ví dụ điển hình của dự án Đại Thanh.
Theo đó, mặc dù đã bỏ ra bạc tỷ để thuê thiết kế, nhưng hiện nay nhiều “chủ đất” buộc lòng phải “vẽ” lại, biến các phòng ốc sang trọng trong những căn hộ rộng lớn, cao cấp trở về bình dân, phù hợp với mức giá mà người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Găm đất chờ thời, nhiều chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa nhưng vẫn phải “cắn răng” chấp nhận. Theo đó, tính toán của một chủ đầu tư có dự án tại huyện Từ Liêm cho thấy, với quy mô được cấp 10ha, tính riêng tiền thuế đất đất thì nhà đầu tư phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến khu đất, thiết kế, nhà đầu tư cũng đã phải chi ra. “Nếu thời điểm thị trường tốt mà bán luôn thì ăn ngon ngủ yên, lời một gấp đôi, nhưng bây giờ phải chịu lỗ, càng “giữ” đất và chậm khởi công thì càng lỗ”, chủ đầu tư này chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp xem bất động sản là nghề tay trái và có nguồn thu ổn định từ sản xuất các nghành nghề khác, việc chậm khởi công chưa phải là mối lo thực sự. Riêng những chủ đầu tư chỉ “chuyên trách” nhà đất nhưng dự án không thể khởi công trong suốt thời gian qua, các chi phí đầu tư chắc chắn sẽ đội lên và “cộng vào” giá trị từng căn hộ. Theo đó, mức lợi nhuận kỳ vọng trên thực tế sẽ không đáng kể.
Nhiều dự án vốn ngoại chậm tiến độ Theo thống kê, Hà Nội hiện có 95 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký là gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số này lại “đủng đỉnh” với tiến độ. Một số dự án được “xưng danh” chậm tiến độ như dự án chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao – quận Hà Đông. Đây là dự án được bàn giao mặt bằng và nhà đầu tư khởi công từ đầu năm 2007, nhưng đến này dự án với 6 tòa nhà chung cư cao 30 tầng vẫn bất động. Công ty TNHH TSQ Việt Nam (100% vốn Ba Lan) cũng để “bất động” dự án Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (tại quận Hà Đông) suốt nhiều năm qua. Một số đại gia bất động sản ngoại như Công ty TNHH Pacific Thăng Long, Công ty TNHH Pacific Land Việt Nam, Công ty TNHH Togi Việt Nam (100% vốn Liên Bang Nga) cũng để dự án trong tình trạng… cỏ mọc. |
Như Trang