Đất lành

Đất lành
0:00 / 0:00
0:00
Thói quen uống một ly cà phê trong tiếng chim buổi sáng khá xa xỉ. Vậy mà Nguyên đã sở hữu cái chuyện xa xỉ ấy gần sáu năm rồi. Đang mông lung nghĩ về những cánh chim mỗi năm lại vơi đi trong vườn thì Đạt hớt ha hớt hải gọi. Gã rủ Nguyên bán vườn cho mấy đại gia đang ỏn ẻn tràn về ngoại thành.

Anh pha thêm cà phê cho Đạt. Tiếng chim chóc lích chích bên tai cũng làm Đạt chú ý. Rồi gã nhếch mép: “Thôi bớt lãng mạn đi. Tối qua một người lại gọi, bảo tôi sang giục ông…” Nguyên chặn ngang: “Không thay đổi được tôi đâu. Đã bảo không là không mà”. Đạt không thèm uống hết ly cà phê, vùng vằng bỏ đi, buông thõng một từ: “Hâm”.

Nơi này có dự án đường vành đai đi qua. Gia đình Nguyên đã nhận đền bù hơn một mẫu đất. Còn lại Nguyên muốn giữ toàn bộ khu vườn còn ba mẫu. Mấy sào trồng rau công nghệ, chăn nuôi, đủ trang trải cuộc sống. Còn lại là trồng cây cho chim trời trú ngụ. Nhiều người bảo anh hâm. Ngay cả gã bạn thân của anh là Đạt, không dưới mười lần bảo Nguyên hâm. Mấy cô gái mơn mởn không đi học, thủy chung với nghề thủ công truyền thống ở lại làng, thi thoảng cũng đánh tiếng. “Anh đại gia đất” chỉ cần bán cho dân buôn một nửa thôi cũng đủ xây cái biệt thự ở vùng ngoại thành này, còn dư khối để mua cả nhà trên phố, cho thuê, chả phải làm gì vẫn mặc sức mà ăn. Nguyên đồng quan điểm với bố, phải giữ vườn. Nghĩ đến Đạt, những gã hô hố bụng phưỡn ra vẫn ngồi uống bia vã ở đầu làng, Nguyên cười mỉm. Nếu ai cũng “tỉnh”, thì làm gì còn đất cho chim trời. Có lúc, Nguyên tự thách thức chính mình. Anh nhủ: Thì mình cứ khư khư giữ đất, cứ hâm đấy, ai làm được gì nào.

Nguyên tốt nghiệp ngành nông nghiệp, ra trường được nhận vào làm việc ở Viên Nghiên cứu thủy sản. Đúng ngành anh am tường. Ngặt nỗi lương thưởng quá thấp. Bạn bè đồng trang lứa đứa nào cũng có đất bán, sắm xe hơi, phởn phơ giàu. Còn Nguyên, mấy lần về họp lớp hồi cấp ba mà nghe rát tai. Có đứa gọi anh là “ông viện”, “cán bộ”, đứa khác lại hỏi xoay hỏi xoáy chuyện vợ con, chuyện làm giàu. Ngay cả cô bạn ngày trước Nguyên quý mến, như mối tình đầu chớm nở của tuổi thanh xuân cũng làm anh chạnh lòng. Song gây ra vết thương thật sự đau đớn là cô bạn học cùng trường đại học, người mà anh tưởng sẽ sống chết đi với nhau đến suốt cuộc đời cũng đã phản bội anh. Vết thương xộc vào tâm trí anh ngay trong những ngày mà Nguyên cảm thấy chán công việc nghiên cứu nhất. Chấp chới trong dòng đời những trận gió thực dụng luôn quét qua lại, Nguyên xin nghỉ mấy ngày về quê. Đang mông lung nghĩ ngợi có nên nghỉ hẳn, tìm công việc khác không thì một con cò loạch choạch rơi từ trên tán cây xuống. Nó yếu ớt bết bát như mớ giẻ rách trên mặt đất. Một bên cổ chân chim bị gãy, cánh bị thương. Chắc bị bắn đây mà. Anh nghĩ và đưa con cò vào lồng. Sẵn chút hiểu biết về chim chóc, anh tìm cách chữa thương. Chỉ ba ngày sau con cò có thể đứng gượng bằng hai chân. Khi đã chắc chắn con cò có thể đi kiếm ăn, anh thả về vườn. Tâm sự với bố, ông tâm tư rất nhiều bởi chính ông cũng đang rất thương chim chóc, song đám thanh niên lởm chởm râu ria trong làng lại dùng súng hơi để bắn làm mồi nhậu. Chính con cò bị thương đã khiến Nguyên thay đổi ý nghĩ thoát ra ngoài. Bàn việc này với bố, ông nói rất mạnh: “Con suy nghĩ đúng. Học cũng là để thêm hiểu biết. Bây giờ con về làm trang trại, trồng rau sạch cũng rất ổn. Con có thể bảo vệ bầy chim”.

Hơn một tháng sau thì anh nhận quyết định thôi việc. Nguyên dồn tâm sức để ý tưởng thành hiện thực. Anh có nhiều bạn kỹ sư đã và đang phát đạt hoặc khởi nghiệp từ nghề rau công nghệ. Kỹ thuật, nguồn giống, việc dựng nhà lưới… với anh trở thành chuyện nhỏ. Nhiều người xì xào. Rằng thằng này mất tiền đi học, tưởng làm ông to, bà lớn, ai ngờ quay về… vườn. Nguyên bỏ ngoài tai hết thảy. Anh lăn lộn với công việc. Chỉ ba tháng sau đã được thưởng thức thành quả, là lứa rau thủy canh được một tập đoàn phân phối thực phẩm thu mua, đưa vào siêu thị. Anh nở cười tươi như hoa xuân trong vườn mẹ. Những tâm tư, nỗi niềm xao xác trước đó bị đẩy lui, chỉ còn những hy vọng. Anh biết mình đang đi đúng hướng. Nhiều lúc ngồi ngắm bầu trời, nghe tiếng chim, anh tự thả lòng mình với niềm lạc quan diệu vợi. Cuộc sống có nhiều ngã rẽ, được làm những gì mình mơ ước, thấy thanh thản, đó cũng là hạnh phúc.

* * *

Cách đây chục năm, chim chóc vẫn chọn khu vườn này làm nơi trú ngụ. Những năm Nguyên đi học xa, chim chóc về nhiều hơn. Bố Nguyên - ông Thành yêu chim chóc, nhưng tự thấy những vết thương từ thời trận mạc vẫn luôn hành hạ, khiến ông có lúc tưởng mình phải về phía bên kia. Chỉ còn Nguyên, sức dài vai rộng, đủ tâm huyết lo cho đời chim chóc. Biết được ý định của con về quê dựng cơ ngơi, ông mừng lắm. Nhìn thấy thành quả ban đầu của con, ông cũng mừng lòng. Sẵn ở làng có cô Thơm, con gái người đồng đội cũ, tốt nết, giỏi đan lát, thêu thùa. Ông Thành định sẽ tác thành cho hai đứa. Nguyên giờ quan điểm khác. Anh không kén cá chọn canh nữa. Những vết thương xưa cũ cũng phải chữa lành bằng một mối tình khác, dậy hương ở ngay làng mình, nếu được. Ông Thành vẫn bảo với con: “Những năm con đi học, cô Thơm thường sang hỏi han. Cô bé rất thích chim chóc. Hai đứa mà tìm hiểu thì…”. Nguyên vui, nhưng tỏ ra hơi ngượng: “Vâng, bố cũng đừng có giục con”. Ông Thành dấn một bước: “Hay là để bố đưa con đến nhà người ta. Có bố đi cùng, con cũng dễ nói chuyện”. Nguyên lắc đầu cười: “Bố cứ làm như con còn trẻ con lắm!”.

Rồi cũng chẳng phải bố đưa đến, mà Thơm đã tự tìm đến khu trồng rau của Nguyên. Cô gái đặt rau cho trường mầm non của chị gái. Nguyên thấy Thơm thật ưa nhìn, giao tiếp cũng khéo léo. Có lúc, anh thấy cô như đang nhìn trộm mình. Tim anh thình thịch đập. Rung rinh. Lúc anh nói chuyện với Thơm, trên bầu trời, những cò, vạc bay lượn, kéc kéc kêu, đùa giỡn.

* * *

Nguyên thỏa mong ước là có một người phụ nữ giản dị, hiểu mình. Anh và Thơm cưới nhau vào một ngày mùa thu mênh mang. Chiều ấy, bầy cò vạc vui sướng lượn lờ, bay trên bầu trời, trên những tán cây. Con nào con nấy như một miếng lụa, kết thành cả dải lụa lớn chúc mừng đôi uyên ưng. Vợ chồng ông Thành mãn nguyện, cười suốt trong đám cưới. Còn Nguyên, anh hiểu là từ nay trách nhiệm của mình sẽ lớn hơn. Mình có một gia đình để chăm lo, một ngôi vườn với bầy chim trời đang ngày một đông đúc. Đường vành đai đi qua, khu vực làng của Nguyên đất đai càng có giá. Các đại gia trên phố vẫn về săn tìm những nơi chốn có thể giúp họ gần gũi bầu trời, dẫu có phải bỏ ra cả núi tiền.

Làng nhiều người phởn phơ giàu. Ô tô, xe máy sang lượn phè phè. Đạt vẫn không từ bỏ ý định của một “cò đất”. Dẫu là bạn, nhưng Nguyên không thích kiểu dai như đỉa của Đạt. Gã vẫn đưa người về hỏi mua một phần khu vườn mà Nguyên đang trông nom. Bao vụ làm ăn, môi giới thành công đã khiến Đạt giàu lên trông thấy. Nhưng gã chẳng thể nào thuyết phục Nguyên thay đổi ý định. Một ý đồ tiêu cực nảy nòi trong đầu Đạt. Gã xúi giục bọn cò tặc, những tên bợm nhậu chuyên săn bắt tìm cách làm ngôi vườn của gia đình Nguyên tan tác. Chúng nhằm làm chim cò tan tác, rụng xuống, bào mòn sự kiên định của Nguyên. Một cuộc săn bắt đầy dã tâm được lên kế hoạch. Đạt bí mật cho bọn cò tặc thêm tiền. Đêm ấy trời oi bức, bọn săn bắt trộm, gần hai mươi tên núp vào đêm đen với lưới, vợt, đèn pin và nhiều công cụ hỗ trợ. Trong chớp nhoáng, bọn chúng đã lùa được gần hết những cò lớn, cò bé đang thiêm thiếp ngủ trong tổ, trong ngách của tán cây. Trong đêm đen, chim chóc trở nên yếu đuối trước mọi cạm bẫy. Sáng ra, Nguyên điếng người khi phát hiện vườn đã bị càn quét, chỉ còn số ít chim chóc hoang mang lượn lờ. Ba ngày sau, Đạt tìm đến Nguyên, vờ hỏi han, chia sẻ. Gã còn tìm cách làm Nguyên nản lòng.

- Thôi ông ạ, hơi sức đâu mà lo cho chim chóc. Ông cứ nghe tôi, vợ con ông sẽ chẳng phải khổ, làm lụng.

Nguyên ném thẳng vào mặt Đạt sự tức tối. Anh đuổi Đạt ra khỏi nhà mình khiến người vợ cũng thấy bất ngờ. Đạt đi rồi, Nguyên tê tái nhìn vào vợ với ánh mắt đầy lo lắng. Anh bảo: “Em hãy cho anh lời khuyên”. Thơm dịu dàng: “Em tin những gì anh làm và anh hãy làm như thế”. Lời của vợ tiếp thêm sức mạnh cho Nguyên. Hôm ấy, anh đến tìm những người có trách nhiệm cao nhất trong xã nhờ giúp đỡ. Anh cũng hỏi thuê người gia cố lại tường bao, dây thép gai để hạn chế sự đột nhập vào vườn. Chưa đầy một tháng công việc đã xong. Một buổi chiều đẹp, anh lang thang dưới tán cây thì bắt gặp con cò cánh xám nhạt đang luých chuých đậu bên dưới. Anh nhận ra sợi chỉ còn buộc ở chân nó. Đó là con chim từng bị thương mà anh đã cứu chữa. Anh nói với chim như nói với chính mình: “Chào mày. Mày hãy sống khỏe, sống vui trong vườn. Hãy lôi kéo loài của mày tìm về đây mà ở. Đây là nhà…”.

Nói rồi, anh tự giễu. Mình có hâm không? Nguyên chỉ nghe tiếng lá trở mình, nhè nhẹ.

Một ngày, hoa cúc trong vườn dâng hương. Nguyên và vợ vui mừng thấy chim về, đông chưa từng có. Chúng vui như thể muốn về khu vườn để dự lễ hội của loài, như những ca sĩ bầu trời. Nguyên nói với vợ: “Đất lành chim đậu em nhỉ. Càng làm, càng sống với chim chóc, anh càng thấy mình đã may mắn không bán đất đai. Và anh chắc, mình đang rất giàu có”.

Truyện ngắn của Diên Khánh

Đọc thêm

Gặp lại người thầy

Gặp lại người thầy
(PLVN) - Chợ sớm tấp nập, cảnh bán hàng rổn rảng. Tiếng mời mọc, mặc cả, cười đùa làm cái tinh sương trở nên ấm áp. Mấy bác bán rau vừa hạ xong xe hàng, ngồi hút thuốc lào sòng sọc.

Về một cuộc chia ly diễm lệ

Trong những giây phút ngắn ngủi, Marina đã vươn người lên và nắm chặt lấy tay của Ulay. (Ảnh: TL)
(PLVN) - Hành trình 2500km để chia ly giữa Vạn lý trường thành, và cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau 22 năm, câu chuyện tình của 2 người nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã khiến hàng triệu trái tim rung cảm.

Nhớ về Litang

Nhớ về Litang
(PLVN) - Nhân dịp em Huyền gửi cho chiếc video tôi quay chọc em trong chuyến đi năm ngoái, ngồi nhớ về Litang.

Người dưng

Người dưng
(PLVN) - Chúng tôi sinh đôi nhưng dường như giữa hai đứa có sự khác biệt rất lớn về tính cách. Nếu tôi là một người có phần nóng tính và kiệm lời thì em tôi lại là người thân thiện và lương thiện.

Tạm biệt tháng 3...

Tạm biệt tháng 3...

Giờ thì tao thoải mái khóc rồi, mày cũng hết đau đớn rồi. Tạm biệt nhé tháng 3... Tạm biệt một người bạn thân, tạm biệt Hà Sơn Bình - một nhà báo với nụ cười hiền tỏa nắng...

Dưới bóng xanh có đôi mắt đẹp

Điệu múa uyển chuyển trong trang phục của phụ nữ dân tộc Mường. (Ảnh: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam)
(PLVN) - Ngẩn ngơ dưới cây tếch đầu bản, Lương như người bị bắt mất hồn. Chân anh chạm vào những vụn li ti trắng như sữa của hoa tếch. Hương đào núi đã phảng phất trong gió. Hoa đào không biết lòng Lương đang bồn chồn đợi chờ. Anh giật mình khi nghe tiếng bà Tơi gọi.

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."
(PLVN) - Bình không còn ở lại căn phòng đó nữa, không còn ở lại với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và những dự định dang dở nữa. Cây vạn niên thanh vẫn tốt tươi, nhưng một chiếc lá xanh tên là Hà Sơn Bình vừa rơi xuống…

Hạnh phúc là đi trên mặt đất

Thế hệ ngày nay luôn miệt mài tìm câu trả lời cho câu hỏi về hạnh phúc. (Nguồn ảnh: Youtube)
(PLVN) - Hạnh phúc là gì? Hàng triệu con người trên trái đất này, ngày đêm vẫn luôn đặt ra cho mình, cho nhau câu hỏi ấy. Nhưng làm gì có một khái niệm cụ thể, bất biến, chính xác cho hạnh phúc bây giờ? Mỗi một người mưu cầu khác nhau và giá trị của hạnh phúc đối với họ cũng khác nhau. Ở mỗi một thời đại, tiêu chuẩn sống thay đổi, giá trị hạnh phúc cũng đổi thay theo.

Điều anh không nói

Điều anh không nói
(PLVN) - Cô đốt một điếu thuốc rồi rít một hơi thật sâu, tiếng rít làm cho màn đêm yên tĩnh bỗng như bị xé toạc bởi thanh âm nặng nề của khói thuốc.

Nghe radio với ba

Nghe radio với ba
(PLVN) - Bữa Tết rồi tôi chở ba tôi đi chơi. Ba nói mở Ngọc Tân nghe hát đi. Tôi mở lại cho ba bài “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh. Ông nghe say sưa và kết luận: “Ca sĩ chả có ai hát hay hơn Ngọc Tân”.

Gió về ngang căn bếp

Gió về ngang căn bếp
(PLVN) - Liên và Dũng là đôi bạn từ nhỏ, họ yêu nhau bình lặng, về chung một nhà, không ồn ào, biến cố, không trắc trở cấm ngăn.

Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng”

Khuôn viên nơi tổ chức triển lãm.
(PLVN) - Ngày 15/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024).

'Sống' - liên kết sợi dây cội nguồn

Cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
(PLVN) - “Sống” là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ.

Người đến sau

Tranh minh họa.
(PLVN) - Gió đêm rít từng cơn, dẫu nghe dịu nhẹ nhưng cũng đủ làm lạnh lẽo những hình nhân đang khẽ đắm chìm trong cô tịch.