Đất cằn thành đất “vàng”
Ông Trương Minh Phụng (SN 1955, ngụ thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) trình bày:
Năm 1980, mẹ ông mua một mảnh đất rộng 10 ngàn m2 ở thị trấn Phú Mỹ. Khi già yếu, mẹ ông chia miếng đất làm hai, cho ông Phụng phần lớn, em gái phần nhỏ. Do đất ở đây cằn cỗi nên người dân chủ yếu trồng tràm để bán cây, một lứa tràm 5 - 10 năm sẽ thu hoạch.
Vài năm sau, vợ chồng bà Vương Thị Hoa mua mảnh đất rộng 2932m2 kế bên nhà ông Phụng để trồng tràm. Ông Phụng cho biết: “Trước khi vợ chồng bà Hoa mua miếng đất trên, tôi với người chủ cũ đã chôn hai cột mốc ở hai đầu để làm mốc.
Do ở đây đất đai nhà nào cũng rất rộng, giá trị kinh tế thấp nên chúng tôi không quan trọng lắm vấn đề mốc cõi. Để dễ phân biệt giáp ranh giữa hai bên, nhà tôi trồng một hàng tràm, nhà bà Hoa trồng một hàng khuynh diệp. Suốt bao năm hai bên gia đình cứ thế canh tác, không hề xảy ra tranh chấp”.
Năm 2005-2006, mở đường Lê Duẩn, mảnh đất trồng tràm của gia đình bà Hoa bị thu hồi gần hết để làm đường. Diện tích còn lại, bà Hoa được UBND huyện Tân Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 480m2. Từ đất cằn cỗi trồng tràm, giờ mảnh đất nhà bà Hoa trở thành đất “vàng” với mặt tiền đường lớn dài hơn 100m. Rắc rối nảy sinh từ đây.
Năm 2013, bà Hoa khởi kiện cho rằng gia đình ông Phụng lấn đất. Theo ông Phụng, sau khi giải phóng mặt bằng, đất của bà Hoa có hơn 100m chiều dài bám mặt đường, nhưng bề ngang còn lại ít, một bên khoảng 5m, một bên chỉ khoảng 2,5m, rất khó xây dựng.
Ngày 7/4/2016, TAND huyện Tân Thành đưa vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” ra xét xử. Tại tòa, nguyên đơn không đưa ra được căn cứ nào để xác định ranh giới vị trí đất của mình, trong khi bị đơn cung cấp nhiều mốc để xác định ranh giới.
Theo ông Phụng, thứ nhất, trước đây ranh giới đất giữa hai gia đình có một mương nước rộng 40-80cm, chạy dọc suốt hai thửa đất. Thứ hai, ông Phụng cho rằng ông và chủ cũ của mảnh đất nhà bà Hoa có cắm hai cọc bê tông tại hai đầu để làm mốc, hiện nay hai cọc bê tông vẫn còn. Căn cứ thứ ba theo bị đơn là hàng tràm ngăn cắt giữ hai bên do ông trồng.
Nhưng các căn cứ ranh giới ông Phụng đưa ra đều bị tòa sơ thẩm huyện Tân Thành bác bỏ. Theo HĐXX, trên thực tế không có rãnh nước và cũng không có dấu vết gì của con mương để lại. Đối với cột bê tông, hiện nằm trên diện tích đất tranh chấp nhưng không được phía nguyên đơn thừa nhận, nên hai cột bê tông không thể được xem là cột mốc.
Về những gốc tràm, theo bị đơn dùng để xác định ranh giới đất hai nhà, HĐXX cũng không chấp nhận vì cho rằng mấy chục năm nay ông Phụng đã trồng nhiều lứa tràm và thu hoạch, không thể xác định đây là ranh giới. HĐXX còn nhận định, việc ông Phụng trồng nhiều lứa tràm có thể là nguyên nhân dẫn đến sự xê dịch, lấn ranh đất.
Từ đó HĐXX xác định: Diện tích thực tế qua đo đạc của bà Vương Thị Hoa nếu cộng cả phần tranh chấp (81m2) là 473m2 (diện tích được cấp quyền sử dụng đất là 480m2). Trong khi đó, ban đầu ông Phụng chỉ được mẹ ủy quyền là 8.000m2.
Tại bảng kê khai đất đai và GCNQSDĐ được cấp là 8.442m2. Đặc biệt năm 2012, ông Phụng có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 300m2 đất ở, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đo đạc toàn bộ diện tích là 8.137m2.
Tòa sơ thẩm nhận định, chênh lệch về diện tích đất thực tế với diện tích ghi trong GCNQSDĐ cấp cho ông Phụng có thể là sai số, đây là điều khách quan không tránh khỏi và do điều kiện đo đạc trước đây. Cũng từ đó, Tòa sơ thẩm kết luận ông Phụng đã lấn chiếm đất của bà Hoa 81m2.
Bản án sơ thẩm cũng tuyên cụ thể kích thước miếng đất ông Phụng phải trả cho nguyên đơn là: phía Đông có kích thước 0,2m, phía Tây 1,6m, phía Nam 90,2m, phía Bắc 90,4m. Theo kích thước này, miếng đất buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn không vuông mà méo (đầu phía Đông rộng gấp tám lần đầu phía Tây).
Tòa thiên lệch?
Ông Phụng cho rằng gia đình mình bị xử “ép”. Chỉ vào hai hàng gốc cây lớn trong vườn mình, ông giải thích: Để xác định ranh giới giữa hai bên, nhà ông trồng một hàng tràm, còn nhà bà Hoa trồng hàng khuynh diệp chạy từ đầu đất đến cuối đất. Tràm và khuynh diệp đều đã chặt nhưng gốc vẫn còn. Ông vẫn không hiểu sao Tòa sơ thẩm không chấp nhận đó là ranh giới đất giữa hai nhà.
Cầm bản án của TAND huyện Tân Thành trên tay, ông Phụng bức xúc: “HĐXX lấy lý do ban đầu mẹ tôi chỉ ủy quyền cho tôi 8.000m2 để làm căn cứ cho rằng đất của tôi có biến động là không đúng. Bởi, mẹ tôi có có 10.000m2 nên bà cho tôi bốn phần, em gái tôi một phần, con số đó là ước chừng của người nông dân.
Tuy nhiên, do vướng cây tràm nên việc chia đúng 8.000m2 như ý nguyện của mẹ tôi là không thể thực hiện. Sau khi đo đạc, UBND huyện Tân Thành đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi là 8.442m2. Việc đo đạc được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn của nhà nước, nên đây mới là con số chính xác”.
Theo ông Phụng, năm 2012, gia đình bà Hoa xác định bị thiếu 81m2, cũng thời điểm đó gia đình ông xin chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện Tân Thành xác định diện tích đất của gia đình ông chỉ còn 8137m2 (tức đã thiếu 300m2 so với GCNQSDĐ). Ông cho rằng, cả hai gia đình cùng bị thiếu đất, nhưng HĐXX lại thiên lệch, chỉ kết luận việc đo vẽ đất của gia đình ông Phụng có sai số để buộc ông phải trả lại đất cho bà Hoa.
Ông Phụng nói tiếp: “Tại phiên tòa, HĐXX không xác định được cột mốc cũng như ranh giới giữa hai mảnh đất. Còn trong trường hợp Tòa xử “ép” buộc nhà tôi trả đất cho bà Hoa, tại sao Tòa không cắt một mảnh đất vuông vắn mà lại cắt một mảnh đất méo, đầu này rộng gấp tám lần đầu kia.
Phải chăng do hiện giờ đất nhà bà Hoa đang méo (một đầu 5m, một đầu chưa đến 2,5 m) nên HĐXX đã cố ý cắt đất của nhà tôi như vậy để “đắp” cho đất nhà bà Hoa vuông vắn và có giá trị cao?”.
Ông Phụng cho biết đã kháng cáo và đang chờ một bản án công minh hơn của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
(Tên nguyên đơn đã được thay đổi.)