Báo PLVN online từng có bài phản ánh 44 hộ dân thôn Yên Phú. xã Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội khiếu nại việc họ hơn 10 năm nay không có ruộng cày, trong khi hàng chục hécta đất nông nghiệp lại bị bỏ hoang. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều bất hợp lý trong giao đất của chính quyền xã Liên Ninh thời điểm đó.
Quyền lợi của dân bị bỏ rơi
Năm 1999, thực hiện chủ trương của Nhà nước về giao lại đất nông nghiệp theo NĐ 64/1993, UBND xã Liên Ninh đã căn cứ các hướng dẫn và lên phương án giao đất cho dân.
Theo đó, Hướng dẫn số 15 ngày 30/5/1999 được UBND xã Liên Ninh đưa ra và đối tượng được giao đất gồm: Người có hộ khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, có nguồn sống chính là nông nghiệp hiện vẫn sinh sống và có mặt tại địa phương tại thời điểm 0h ngày 1/4/1999, hiện đang sử dụng đất nông nghiệp đã được giao theo khoán 10 năm 1993 và những thanh niên đang đi làm nghĩa vụ quân sự. Cùng với đó là những quy định về việc xét cấp theo tỷ lệ cho các đối tượng có nhu cầu mà không thuộc đối tượng được cấp đât...Tuy nhiên, phần lớn 44 hộ dân đã bị chính quyền “bỏ quên”. Trong đó, có người phạm pháp phải đi tù có thời hạn, người có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đi làm ăn xa, những người còn nợ nghĩa vụ nông nghiệp, thậm chí cps cả người đủ điều kiện được giao đất.
Đơn của dân gửi đi, kết quả trả lời vẫn chưa thấy |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp đất của UBND xã Liên Ninh thời đó có khá nhiều bất cập. Cụ thể, trong số các hộ trên thì có trường hợp đi tù trước thời điểm ¼ (không có hộ khẩu thường trú và không có mặt tại địa phương), có trường hợp đi tù sau thời điểm này. Nếu căn cứ điều kiện có hộ khẩu thường trú và có mặt tại địa phương vào thời điểm giao đất thì việc trường hợp đi tù sau thời điểm ¼ không được giao đất là không đúng quy định. Về các trường hợp đi tù trước thời điểm ¼ và không được cấp đất là chưa hợp lý. Bởi lẽ, họ là những người đi tù có thời hạn thì đương nhiên mãn hạn tù sẽ trở về và địa phương cần phải giúp đỡ, tạo điều kiện để các đối tượng này hoà nhập cộng đồng. Vậy nhưng, ở đây họ chẳng những không được hỗ trợ mà nhiều năm nay rơi vào cảnh không có đất để canh tác.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp có hộ khẩu thường trú ở địa phương nhưng vào thời điểm đó do khó khăn, phải đi làm ăn xa và quyền lợi của họ cũng không được bảo vệ; Có trường hợp khi được thông báo đã trở về nhưng cũng không được cấp đủ theo quy định như trường hợp ông Mai Văn Việt, hay như trường hợp ông Tạ Văn Tiến có hộ khẩu và có mặt tại thời điểm ¼ nhưng cũng không được giao đất... Đặc biệt, có 7 trường hợp nợ nghĩa vụ nông nghiệp nên bị tạm giữ đất. Vậy nhưng, không hiểu tạm giữ kiểu gì mà đến nay gần 10 năm và họ đã trả nợ xong từ lâu vẫn không được trả lại đất.Và còn nhiều trường hợp khác nữa...
Bắt dân chờ đến bao giờ ?
Trong khi các hộ dân trên không có đất cày, thì hơn 17 ngàn m2 đất nông nghiệp lại bị bỏ hoang. Trước tình hình đó, Hội nghị quân dân chính đảng thôn Yên Phú năm 2006 đã có đơn gửi các cơ quan chức năng từ xã lên huyện đề nghị cấp đất cho 44 đối tượng trên. Vậy nhưng, đã 5 năm qua các hộ dân vẫn không được xem xét để cấp đất. Cũng chừng đó thời gian, người dân có đơn, thậm chí thay nhau lên xã, huyện để hỏi nhưng lên huyện thì được trả lời về xã giải quyết; về xã thì được trả lời đang xin ý kiến huyện.
Thậm chí, sau khi Báo PLVN online có bài đăng tải, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu UBND huyện Thanh Trì sớm kiểm tra, làm rõ trả lời người dân và Báo Pháp luật Việt Nam. Nhưng đến nay hơn 2 tháng, mọi chuyện vẫn giẫm chân tại chỗ. Người dân lại điệp khúc lên huyện về xã và đợi chờ.
Có thể thấy, chính sách của Nhà nước đưa ra là đúng đắn, nhưng cách thực thi cần phải linh hoạt và phù hợp với tình hình địa phương. Vẫn biết rằng, việc xảy ra đã 10 năm nay nên không dễ cho lãnh đạo hiện nay giải quyết. Nhưng một điều không thể chấp nhận được rằng “đất nông nghiệp bỏ hoang, trong khi nông dân không có đất cày”.
PV