Độ phủ đối tượng TGPL tại Việt Nam rộng nhất thế giới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 cùng với Hiến pháp năm 2013 và nhiều bộ luật, các luật mới ban hành gần đây như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác TGPL với nhiều nội dung mới nổi bật. Trong đó, theo Thứ trưởng, đặc biệt nhất là mở rộng đối tượng được TGPL lên 14 nhóm đối tượng đưa Việt Nam vào hàng các nước có độ phủ đối tượng TGPL rộng nhất thế giới.
Ngoài ra, Luật năm 2017 tiếp cận theo nguyên tắc lấy người TGPL làm trung tâm, từ đó đưa ra nhiều quy định yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Người cung cấp dịch vụ này là trợ giúp viên pháp lý cũng phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cao như luật sư hành nghề tư nhân và hàng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu công việc nhất định; đơn giản hóa thủ tục yêu cầu TGPL của người được trợ giúp; tăng cường quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng dịch vụ TGPL và tạo cơ chế thu hút nguồn lực cho trợ giúp viên pháp lý.
Để triển khai có hiệu quả Luật TGPL, Thứ trưởng cho biết, đến nay tất cả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành (1 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL; 5 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch hướng dẫn hoặc quy định chi tiết về các nội dung TGPL). Mặc dù đã chuẩn bị các công việc cần thiết triển khai thi hành Luật TGPL, nhưng với các quy định mới của Luật và nhất là yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ thì khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu thi hành Luật, kể cả cách hiểu, giải thích, áp dụng các quy định cho tới các kỹ năng TGPL cụ thể.
Vì vậy, Thứ trưởng hoan nghênh việc xây dựng cuốn Cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ TGPL, đặc biệt là kỹ năng TGPL cho người chưa thành niên là cần thiết và hữu ích. “Nếu được soạn thảo tốt thì đây sẽ là tài liệu quý giá đối với các tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL trong quá trình tác nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý và thực hiện công tác TGPL trong bối cảnh mới” – Thứ trưởng tin tưởng.
Chỉ làm những việc có lợi cho trẻ
Trên cơ sở chỉ đạo của Thứ trưởng, các chuyên gia, đại biểu - những người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, TGPL và công tác xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác trẻ em và người từ 16 đến dưới 18 tuổi – đã lắng nghe giới thiệu nội dung Cẩm nang, đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến sâu sắc nhằm hoàn thiện cuốn Cẩm nang thiết thực này.
Trình bày nội dung cuốn Cẩm nang, Phó Cục trưởng Cục TGPL Vũ Thị Hường cho biết, Cẩm nang hiện đang xây dựng có 4 phần gồm hướng dẫn về người thực hiện TGPL, về người được TGPL, về nghiệp vụ TGPL và TGPL thân thiện cho người chưa thành niên. Trong đó, bà Hường lưu ý một số điểm khi tiếp nhận yêu cầu TGPL của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người từ 16 đến dưới 18 tuổi như hiểu đặc trưng tâm lý lứa tuổi của trẻ theo nhóm đối tượng, độ tuổi để có ứng xử phù hợp; hiểu được mong muốn của trẻ (cần được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ…); dùng tình cảm chân thành, không khinh ghét, thị uy; chú ý điểm mạnh của trẻ, không để trẻ mất lòng tin…
Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP HCM Bùi Thị Công Nương đánh giá cuốn Cẩm nang tương đối đầy đủ, toàn diện, bám sát các quy định của Luật song cần bổ sung một số hướng dẫn về thù lao, về thu hồi thẻ cộng tác viên TGPL nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay. Bà Nương cũng chia sẻ, tính khi được bổ nhiệm làm trợ giúp viên vào năm 2012 đến nay, bà đã thực hiện hàng chục vụ việc TGPL thì 3/4 số vụ việc có đối tượng là trẻ em bằng các hình thức tư vấn, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng. Vì vậy, bà rút ra một số kinh nghiệm TGPL cho trẻ em từ thực tiễn công tác thời gian qua của mình. Đó là lòng yêu trẻ, sự quyết tâm, tận tụy, chỉ làm những việc có lợi cho trẻ của người thực hiện TGPL và sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan khác có liên quan.
Góp ý trực tiếp vào cuốn Cẩm nang, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị hướng dẫn rõ thêm trong trường hợp các giấy tờ xuất trình không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của trẻ em mà phải tiến hành giám định thì ai là người có trách nhiệm trưng cầu giám định. Về TGPL thân thiện cho người chưa thành niên, theo vị đại diện này, người thực hiện TGPL rất cần lưu tâm đến kỹ năng hỏi đối với trẻ như đặt câu hỏi phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; biết sử dụng hợp lý các câu hỏi đóng, câu hỏi mở…