(Tiếp theo và hết)
Tăng chỉ tiêu đào tạo phải có lộ trình
Để giải quyết vấn đề nhân lực y tế tại các địa phương hiện nay, lãnh đạo các viện, trường đại học y-dược của các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cho phép các trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Việc tăng chỉ tiêu đào tạo căn cứ theo nhu cầu sử dụng của các địa phương. Song có thực tế là nhu cầu của các địa phương nhiều, nhưng điểm trúng tuyển các trường đại học y-dược quá cao nên sinh viên địa phương đó không đủ điểm đỗ vào trường đại học y-dược.
PGS-TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng đề nghị: Việc tăng chỉ tiêu là cần thiết, song Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần xem xét quy định điểm chuẩn đối với từng khu vực. Những địa phương như Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… quy định điểm chuẩn có thể thấp hơn khu vực đồng bằng như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… Ngay khu vực nông thôn với thành thị cần có sự điều chỉnh. Bên cạnh đó cần thay đổi mức đầu tư đào tạo cán bộ y tế. Với mức đầu tư bình quân 6-9 triệu đồng cho 6 năm học đại học y-dược khó có thể đào tạo những sinh viên chất lượng, tài năng.
Theo GS Phạm Hữu Giàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học y-dược Huế, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo, bởi sinh viên trường y-dược có những đặc thù riêng. Một trường đại học đầu tư hàng tỷ đồng cho phòng thí nghiệm, nghiên cứu có thể sử dụng trong nhiều năm, nhưng với trường đại học y-dược lại khác. Mỗi buổi thực hành, nhà trường mua hàng trăm con vật sống để sinh viên thực tập, các loại hóa chất mở nắp hộp rồi phải bỏ đi. Đó là chưa kể đầu tư vài tỷ đồng cho phòng thực hành mô hình, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian “bị lão hóa” phải thay thế.
Sinh viên Trường Cao đẩng Y tế Hải phòng trong giờ thực hành. |
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc tăng chỉ tiêu cần có lộ trình cụ thể, tiến hành đồng bộ với đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để bảo đảm đào tạo được đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Phó thủ tướng cho biết, hiện cả nước có 108 cơ sở đào tạo về y dược, bình quân khoảng 1 cơ sở đào tạo y-dược/1 triệu dân. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo y-dược phân bố không đều theo địa phương và vùng kinh tế. Khu vực đồng bằng sông Hồng tập trung nhiều cơ sở y-dược, bình quân mỗi tỉnh/thành phố có 3,73 cơ sở. Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có 1,07 cơ sở đào tạo y-dược. Như vậy, bình quân có khoảng hơn 1,2 triệu dân có 1 cơ sở đào tạo, cao gấp 3 lần so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Các cơ sở đào tạo sau đại học chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng với 13 cơ sở, chiếm tỷ lệ 68,4% số cơ sở đào tạo sau đại học y-dược cả nước.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo y-dược chức danh giáo sư, phó giáo sư khá ít, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Cả khu vực Tây Nguyên có 1 giảng viên chức danh phó giáo sư, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 1 giảng viên chức danh giáo sư, trong khi đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 trung tâm lớn của cả nước, giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư chiếm tỷ lệ cao. Như vậy với cơ sở vật chất như hiện nay, việc đồng ý chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo cần được xem xét cụ thể. Với những trường có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, có trình độ, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT xem xét tăng chỉ tiêu. Song để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, Chính phủ xem xét thành lập thêm 15 trường cao đẳng, đại học y-dược đồng thời với việc công bố công khai và mời các nhà đầu tư có điều kiện tham gia, xã hội hóa đầu tư các trường y-dược.
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển cho rằng: Việc đào tạo hiện nay đều theo nhu cầu xã hội, song chuẩn đầu vào lấy điểm quá cao, nhưng đầu ra lại lỏng lẻo nên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các em giữ đúng cam kết khi ra trường phân công công tác tại bệnh viện nào, thời gian công tác tại địa phương đó ít nhất là bao nhiêu năm mới được chuyển công tác. Nếu giải quyết tốt vấn đề y tế cơ sở sẽ giảm tải y tế tuyến trên. Nhiều đại biểu khác đề nghị: Các trường y-dược nên cử sinh viên năm cuối xuống y tế cơ sở từ 3-5 năm để các em có điều kiện tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trước khi quay lại trường bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Hoặc nhân rộng cách làm của tỉnh Thái Nguyên như cử y, bác sĩ về công tác tại vùng sâu, xa, tạo điều kiện để họ gặp gỡ, giao lưu với các trường học. Trong quá trình công tác nhiều người lập gia đình, được cấp nhà ở. Chính vì vậy, nhiều người quyết định bám trụ, công tác lâu dài tại địa phương đó./.
Hoàng Dũng