Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì công tác dạy nghề đóng vai trò hết sức quan trọng. 10 năm qua (2001-2011) theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ – TB&XH) “dạy nghề đã phục hồi và có bước phát triển mạnh”. Tuy nhiên cũng theo Bộ này, dạy nghề còn quá nhiều bất cập, trong đó, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
|
Tới đây sẽ có nhiều thay đổi trong việc đào tạo nghề |
Kỹ năng nghề của một bộ phận lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế
Năm 2011 cả nước có 135 trường cao đẳng nghề, 320 trường trung cấp nghề; 840 trung tâm dạy nghề và hơn 1000 cơ sở khác (các cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp,…) tham gia dạy nghề. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề phân theo các vùng, trong đó tập trung đông nhất tại Vùng Đồng bằng sông Hồng (có 366 cơ sở)
Nếu như 2001, số lượng tuyển sinh dạy nghề chỉ là 887,3 ngàn người (ngoài công lập 170 ngàn) năm 2011 đã tăng lên 1,79 triệu người (tăng 2 lần, trong đó trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề tăng 2,05 lần), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2011 đạt 32%; trong đó 2 năm 2010, 2011 đã hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 cho gần 800 ngàn người.
Từ năm 2004 - 2010, các địa phương đã tổ chức dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho khoảng 150.000 nông dân thuộc vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp… Trong hai năm 2009 - 2010, đã dạy nghề cho gần 95.000 người là dân tộc và học sinh dân tộc thiểu số (chưa bao gồm dạy nghề theo chính sách của Đề án 1956), trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là trên 45.000 người.
Cũng theo Bộ LĐ –TB&XH, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường (chương trình, giảng viên, giáo viên, cơ sở vật chất)…do đó chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với sử dụng lao động; kỹ năng nghề của học sinh tốt nghiệp các trường nghề đã được nâng lên, theo đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy 80% - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên; kỹ năng nghề của một bộ phận lao động Việt Nam thuộc lĩnh vực viễn thông, dầu khí, điện, cầu đường… đã đạt chuẩn quốc tế, đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do lao động kỹ thuật nước ngoài thực hiện.
Đáng chú ý, dạy nghề không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm trong nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề chiếm khoảng 25% trong tổng số lao động xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người lao động và gia đình.
Chưa nhiều DN hài lòng
Một trong những hạn chế được coi là nổi cộm nhất hiện nay trong công tác dạy nghề được Bộ LĐ – TB&XH thẳng thắn chỉ ra là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về kỹ năng cứng (kỹ năng nghề) và kỹ năng mềm (tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm, an toàn lao động…). Theo khảo sát của VCCI năm 2011 chỉ số hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng dạy nghề đạt 34% đây là chỉ số thấp, mặc dù có tăng lên 14% so với năm 2008 … Chất lượng của lao động nước ta còn thấp, xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được tham gia xếp hạng (năm 2008).
Đặc biệt, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, một khu vực dành được nhiều sự quan tâm của Nhà nước thì trong 2 năm vừa qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có hạn chế, yếu kém: còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp…
Riêng về cơ cấu nghề đào tạo theo Bộ LĐ – TB&XH cũng chưa hợp lý (đa số các trường nghề mới chủ yếu tập trung đào tạo những nghề phổ biến như điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp...,trong khi đó có những nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng chưa được đào tạo hoặc đào tạo rất hạn chế như các nghề khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng, công nghệ đúc kim loại, các nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp...; cơ cấu trình độ đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu cơ cấu trình độ nhân lực của từng ngành, từng địa phương.
Mặc dù công tác dạy nghề được đầu tư trên nhiều phương diện song đến nay, vẫn chưa hình thành được những trường nghề chất lượng cao, nhất là trường nghề đạt đẳng cấp quốc tế; chưa hình thành được ở các vùng những trung tâm lớn về đào tạo nghề tạo sự đột phá về chất lượng cho các địa phương trong vùng. Số lượng trường nghề ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên còn ít. Mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa phát triển đủ theo quy hoạch, đến nay còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện (trong đó có 20 huyện nghèo 30a; 10 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30-50%; 31 huyện miền núi, biên giới, hải đảo).
Một trong những nguyên nhân của bất cập nói trên được chỉ ra là sự đầu tư của Nhà nước cho dạy nghề tăng hàng năm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dạy nghề về quy mô và chất lượng; đầu tư ngân sách chưa tập trung theo nghề; các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế; nguồn trái phiếu Chính phủ, thu xổ số kiến thiết chưa đầu tư cho dạy nghề. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách địa phương đầu tư cho dạy nghề.
Các chính sách để khuyến khích và huy động doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề còn chưa đủ mạnh. Đây chính là những “rào cản” khiến công tác dạy nghề chưa đạt những kết quả như mong muốn. Quan trọng, theo Bộ LĐ-TB&XH là dạy nghề phải được coi là “sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Bình An