Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp. Có thể nói, các chính sách ưu đãi của đề án đối với người lao động và các trường đào tạo nghề rất lớn. Tuy nhiên, để đề án thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế thì còn rất nhiều khó khăn…Cái khó của các trường nghề
Lao động nông thôn đang rất cần được đào tạo nghề phù hợp để tìm việc làm ổn định. |
Tính riêng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, hiện có 3 đơn vị có thể đảm nhiệm việc hướng nghiệp và đào tạo nghề nông thôn. Đó là Trung tâm Hướng nghiệp Bảo Lộc, Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc vả Trường Trung cấp nghề tư thục Tân Tiến. Hiện tại, việc đào tạo nghề nông thôn ở mỗi đơn vị đều gặp những khó khăn nhất định. Theo ông Đoàn Duy Khanh - cán bộ Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc thì lâu nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn gặp một khó khăn cố hữu là không thể duy trì sỉ số học viên. Lao động ở địa phương đi học nghề không có gì ràng buộc họ cả. Khi muốn tổ chức lớp thì tối thiểu phải đủ 35 học viên một lớp, mới khai giảng thì họ đi đủ nhưng càng về sau thì cứ giảm dần. Và, vì không có gì ràng buộc nên họ thích thì đi không thích thì thôi. Đó là cái khó khăn nhất trong vấn đề dạy nghề mà bao lâu nay rồi không giải quyết được. Lao động không học đến nơi đến chốn đã đẩy các đơn vị dạy nghề vào một khó khăn khác. Đó là nếu học viên bỏ lớp giữa chừng thì những chi phí như hợp đồng với giáo viên, thuê địa điểm tại thôn, khu phố… hoàn toàn không được thanh toán. Bởi lẽ, theo quy định của đề án thì chỉ khi học viên đã tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề (sơ cấp hoặc trung cấp) thì đơn vị đào tạo mới được thanh toán số tiền đào tạo cho học viên đó. Chính vì lẽ đó, nhiều lớp đào tạo nghề kéo dài 5 tháng nhưng học viên chỉ cần học khoảng 4 tháng rồi nghỉ ngang thì cơ sở đào tạo nghề cũng đành phải “ngậm đắng nuốt cay” mà chấp nhận mất cả chì lẫn chài. Đây là lý do chính khiến cho công tác dạy nghề không đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều đơn vị đào tạo nghề vì muốn được cấp kinh phí đào tạo nghề nên đã “cấp khống” bằng cho học viên, bất chấp học viên có học đến nơi đến chốn không và hiệu quả đào tạo ra sao! Một khó khăn khác là chương trình của các cơ sở đào tạo còn quá nghèo nàn. Theo đề án, ngành nghề đào tạo là tất cả các ngành nghề phục vụ sản xuất, đời sống và nhu cầu tìm việc làm, tự tạo việc làm của người lao động (trừ tin học, ngoại ngữ). Tuy nhiên, trong thực tế ở các cơ sở đào tạo không có nhiều ngành nghề để lao động nông thôn có thể lựa chọn. Ông Đặng Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp Bảo Lộc cho biết: “Đối với lao động nông thôn thì có những ngành nghề đào tạo theo chương trình ngắn hạn trong vòng 3 tháng trở xuống như điện dân dụng, cắt may, đan thêu móc… Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu của địa phương và số lượng học viên đăng ký mới có thể mở lớp đào tạo hay không”. Đào tạo nghề đã khó, đào tạo nghề phù hợp để lao động có thể tìm được việc làm còn khó hơn gấp bội. Theo ông Trần Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề tư thục Tân Tiến (Bảo Lộc), lao động nông thôn chưa thể tìm được việc làm phù hợp vì hiệu quả đào tạo chưa cao. Phần lớn thanh niên khi tham gia khóa đào tạo nghề nông thôn xong rất khó tìm việc. Do đó,để khắc phục tình trạng này thì chương trình đào tạo nghề nông thôn vừa phải phù hợp với ý thích của người lao động vừa phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một giải pháp khác là nên tạo điều kiện để người học nghề có thể học lên cao hơn nếu họ muốn nâng cao tay nghề đối với nghề mà họ đang học.Chung tay tháo gỡ khó khăn Trước khó khăn này, mới đây UBND thành phố Bảo Lộc đã họp bàn triển khai Đề án Đào tạo nghề nông thôn cũng như đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã ĐạmBri, một xã nằm khá xa trung tâm thành phố Bảo Lộc, cho biết: “Trong năm 2010, cố gắng lắm địa phương mới vận động được hội viên nông dân và phụ nữ ở 5 thôn xa nhất của xã tham gia 4 lớp học nghề ngắn hạn do Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc đưa giáo viên vào tận nơi hướng dẫn. Sở dĩ có được 4 lớp này vì lớp học được tổ chức vào ban đêm và tại chỗ, học viên không phải đi xa ra trung tâm thành phố. Học tại chỗ thì thuận tiện cho học viên nhưng lại bất tiện cho người dạy, vì không đủ trang thiết bị cho học viên thực hành. Nên lớp học mở ra cũng chỉ để học lý thuyết là chính, trong khi đó khâu thực hành là khâu chính trong đào tạo nghề thì lại bị xem nhẹ. Học viên sau khi tốt nghiệp không biết vận dụng kỹ năng đã học vào thực tế. Học nghề tại chỗ không hiệu quả, nên học viên cứ rơi rụng dần”. Trước thực trạng đó, vấn đề đặt ra là nên chăng các tổ chức chính trị phải vào cuộc, phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ trên xuống và xem việc đào tạo nghề nông thôn là một nhiệm vụ chính trị hàng năm, hàng tháng, thậm chí hàng ngày. Ông Vũ Đức Quyển - Phó Chủ tịch UBND phường 2 (Bảo Lộc) khẳng định: “Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người học, mà do lâu nay công tác tổ chức và quản lý đào tạo nghề nông thôn của ta chưa hiệu quả, muốn cải thiện tình trạng này trước hết phải chỉnh đốn công tác chỉ đạo, điều hành từ trên xuống. Giờ muốn bắt tay vào việc thì phải có chương trình, kế hoạch cụ thể từ công tác chỉ đạo của Đảng đến công tác điều hành của Nhà nước thì mới làm được việc này”. Theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020,chính sách ưu đãi đối với các đối tượng của đề án là: được hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề với mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày/người học, tiền đi lại tối đa mức 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Đối với các đơn vị dạy nghề, được hỗ trợ 30% học phí/học viên tốt nghiệp nếu lớp học được tổ chức tại các huyện, xã nghèo, thôn nghèo hoặc dạy nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc và người tàn tật. Đối với người tự đi học nghề tại các đơn vị dạy nghề trong và ngoài tỉnh, mức hỗ trợ 1 tháng đối với sơ cấp nghề từ 300 - 400 ngàn đồng/người/tháng, đối với trung cấp nghề và cao đẳng nghề từ 400 - 700 ngàn đồng/tháng/người. Đối với sơ cấp nghề hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng, đối với trung cấp nghề và cao đẳng nghề, mức hỗ trợ 20 tháng, 24 tháng, hoặc 30 tháng tùy theo chương trình đào tạo.
Đông Anh