Tham gia lớp đào tạo nghề cho 125 lao động nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu). |
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện các Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Bạc Liêu (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố quản lý và thực hiện), nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác giảm nghèo bền vững. Lồng ghép và huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư hạ tầng ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách, điều kiện phát triển giữa thành thị và nông thôn.
Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, thực hiện tốt Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực, quyết tâm vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Thạc sĩ Phạm Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, phát biểu khai giảng. |
Thạc sĩ Phạm Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, đề nghị các học viên, trong quá trình học tập, phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi học và nghiên cứu chương trình tài liệu nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy chế của lớp học; đồng thời đảm bảo cho khóa học thực sự nghiêm túc và chất lượng.
Ông Phan Thanh Vũ - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng như thành phố Bạc Liêu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó có giải pháp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.
Ông Phan Thanh Vũ - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Bạc Liêu, phát biểu tại buổi khai giảng lớp đào tạo nghề. |
“Việc học nghề là một ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp cho bà con có được nghề phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống mà còn nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng áp dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Qua đây, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - ông Phan Thanh Vũ chia sẻ.
Giảng viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, thông qua lịch học và nội quy lớp học. |
Tại buổi khai giảng, ông Lâm Hoàng Nam (57 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) cho biết: “Việc mở lớp đào tạo nghề này nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp chúng tôi trang bị thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi thuỷ sản ở địa phương”.