Tòa án xác nhận Rwanda phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn sát thường dân, phá hoại tài sản và cướp bóc tài nguyên của Congo trong thời gian chiến tranh ở đất nước này (1998-2003).
Thời đấy, Rwanda cùng 8 nước khác nữa đã đưa quân đội sang chiếm đóng Congo. Chính phủ Congo cáo buộc phía Rwanda chịu trách nhiệm về tàn sát ít nhất 180.000 người dân, phá hoại tài sản và cướp bóc tài nguyên ở Congo và đòi phía Rwanda bồi thường.
Vụ việc được đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc. Tòa án này xác nhận Rwanda chịu trách nhiệm và yêu cầu hai bên tự thoả thuận với nhau về mức độ bồi thường. Phía Congo đòi Rwanda bồi thường 11 tỷ USD nhưng không được phía Rwanda chấp nhận.
Phán quyết cuối cùng nói trên của Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc dựa trên quan điểm cho rằng phía Congo không đưa ra được bằng chứng xác thực về việc Rwanda phải chịu trách nhiệm về đã sát hại 180.000 dân thường ở Congo.
Thay vào đấy, Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc cho rằng chỉ có đủ bằng chứng là Rwanda phải chịu trách nhiệm về việc đã sát hại từ 16.000-18.000 người dân ở Congo. Mức độ bồi thường trong phán xử cuối cùng của Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc thấp hơn rất nhiều so với mức độ yêu cầu đòi hỏi của phía Congo. Riêng trên phương diện này, chắc chắn phía Congo không thể hài lòng.
Ở đây không có chuyện Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc thiên vị bên nào, xét xử không công minh và khách quan. Vụ việc này chỉ là một trong nhiều vụ việc khác nữa liên quan đến cuộc chiến tranh nói trên được đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc.
Tuy nhiên, phía tòa án có cái khó riêng là xét xử phải dựa vào bằng chứng xác thực cụ thể. Rất nhiều bên có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến tranh nói trên và Rwanda không phải là lực lượng nước ngoài duy nhất, cho dù đóng vai trò chủ chốt, trực tiếp gây ra những tội ác ở Congo.
Một khi phía Congo không đưa ra được đầy đủ bằng chứng xác thực quy kết hoàn toàn trách nhiệm cho Rwanda thì Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc cũng không thể phán xử kết tội Rwandaở mức độ như Congo yêu cầu. Luật pháp công minh và nghiêm minh đến đâu thì trong xét xử trước tòa cũng vẫn phải được vận dụng trên cơ sở bằng chứng tội phạm thực tế.
Nhưng đạo lý có thể bù lại cho luật lệ. Đạo lý ở đây là Rwanda phải chịu trách nhiệm, kể cả khi hành động tội lỗi đã cách đây hơn 20 năm. Bằng việc buộc phía Rwanda phải bồi thường, Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc khẳng định rõ ràng về phương diện pháp lý quốc tế trách nhiệm tương xứng, tức là chỉ một phần, của Rwanda, nhưng xác nhận trách nhiệm đạo lý đầy đủ của Rwanda.
Trong các phán xử, bồi thường về tiền của và vật chất luôn có thể định tính hoá và định lượng hoá được. Nhưng trách nhiệm về đạo lý là phạm trù hoàn toàn khác và để lại dấu vết không bao giờ mờ phai trong lịch sử quốc gia và lịch sử thế giới. Nó giúp cho không có cái gì và không bao giờ có thể che đậy hay xóanhòa được những thời kỳ lịch sử đen tối của quốc gia hay châu lục. Trách nhiệm về đạo lý phản ánh bản chất của hành vi và điều này mới đáng kể hơn tất cả.
Congo và Rwanda về lâu dài không thể không hợp tác và hữu nghị với nhau, không thể không gây dựng mối quan hệ láng giềng tốt với nhau. Phán quyết nói trên của Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc, cho dù còn khiếm khuyết ở khía cạnh nào đó, vẫn nên được cả hai phía sử dụng làm sự chấm hết một thời kỳ quá khứ lịch sử đen tối để cùng nhau gây dựng thời kỳ tương lai chung mới.