Đạo luật đặc biệt kiểm soát dịch vụ thuê phòng trực tuyến

Airbnb là “kẻ thù số 1” của các đô thị lớn
Airbnb là “kẻ thù số 1” của các đô thị lớn
(PLO) - Paris và Airbnb là hai cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch nhưng đây cũng là hai kẻ thù trong một cuộc chiến dai dẳng từ nhiều năm nay và dường như vẫn chưa tới hồi kết. 

Paris là điểm đến hàng đầu thế giới, Airbnb là dịch vụ đặt phòng và căn hộ trực tuyến nên việc Paris là thành phố mà dịch vụ Airbnb phát triển nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ không phải là điều khiến nhiều người ngạc nhiên. Mặc dù năm 2017, Airbnb đã nộp cho Paris 6,9 triệu euro thuế lưu trú của khách thuê nhà trên trang này, cao gấp đôi so với năm 2016, nhưng Airbnb vẫn bị coi là “kẻ thù” của nhiều người dân Paris và là “cái gai” trong mắt chính quyền thành phố.

Hồi tháng 11/2016, đô trưởng Paris Anne Hidalgo từng phát biểu rằng “Airbnb đã làm giảm quỹ nhà cho thuê để ở lâu dài, khiến giá nhà đất tăng và làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống trong các khu phố. Chúng tôi không muốn Paris rơi vào tình cảnh của Venise”.

Không được cho thuê quá 120 đêm/năm

Vào cuối năm 2017, ông Ian Brossat, trợ lý của đô trưởng Hidalgo, chuyên trách nhà ở, cho biết: “Trong vòng 5 năm, Paris đã mất đi 20.000 nhà ở. Chúng bị biến thành các căn phòng cho khách du lịch thuê, và thường xuyên có khách thuê, gây ảnh hưởng tới quỹ nhà của thành phố và việc thuê nhà ở của những người dân Paris có mức sống trung bình”.

Trên thực tế, hiện có tổng cộng khoảng 65.000 phòng và căn hộ tại Paris được rao cho thuê trên trang Airbnb. Airbnb làm các khách sạn truyền thống ở Paris mất nhiều khách, đẩy giá bất động sản vốn đã thuộc loại đắt nhất thế giới lên cao không ngừng, thu hẹp quỹ nhà cho dân địa phương thuê dài hạn, gây xáo trộn cuộc sống trong nhiều khu dân cư, mập mờ trong khai thuế lưu trú và nộp thuế kinh doanh… Đó là những lý do chính khiến chính quyền Paris dường như khó chịu ra mặt với Airbnb.

Tuy nhiên, không phải tới gần đây chính quyền Paris mới chú ý tới Airbnb. Cách nay 4 năm, vào tháng 3/2014, chính quyền tiền nhiệm của đô trưởng Anne Hidalgo đã thông qua luật Alur theo đó một căn hộ là nơi ở chính chỉ được cho du khách thuê tối đa 120 đêm/năm. 

Ngoài ra, theo luật Lemaire ra ngày 7/10/2016, chủ căn hộ cho thuê bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký cho thuê nhà du lịch với chính quyền thành phố để được cấp một mã hiệu đăng ký chính thức. Từ ngày 1/12/2017, các thông báo cho thuê phòng hay căn hộ trên Airbnb bắt buộc phải nêu rõ mã số đăng ký nói trên để chính quyền tiện theo dõi liệu căn hộ đó có được cho thuê quá 120 đêm/năm hay không.

Tuy nhiên, hồi giữa tháng 06/2018, trợ lý nhà ở của đô trưởng Paris cho biết trên tổng số hơn 60.000 thông báo trên Airbnb hồi tháng 03/2018, chỉ có 18.500 thông báo có ghi mã số đăng ký theo quy định của chính quyền Paris. Theo ông Ian Brossat, vì Airbnb không dọa rút thông báo của người đăng nếu họ không công khai mã đăng ký nên người cho thuê nhà không cảm thấy bắt buộc phải ghi rõ mã số này khi đăng tin trên Airbnb.

Trong khi đó, ông Emmanuel Marill, giám đốc Airbnb chi nhánh Pháp và Bỉ cho rằng sự áp đặt của chính quyền Paris là quá đáng và thậm chí là bất hợp pháp. Luật sư của giám đốc Airbnb chi nhánh Pháp và Bỉ còn cho biết Airbnb đã đưa ý kiến lên Hội đồng Bảo hiến của Pháp, cho rằng luật Le Maire trái với luật pháp của Liên hiệp châu Âu và quy định về thương mại điện tử; theo đó thương mại trực tuyến chỉ bị hạn chế nếu gây hậu quả nghiêm trọng tới an ninh công cộng.

Nhưng để “chiều lòng” Paris, Airbnb cũng đành “xuống thang”, đề xuất xây dựng một công cụ để chặn việc thuê những căn hộ đã được thuê trên 120 đêm trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn bị Paris từ chối thẳng thừng vì quan chức chuyên trách về nhà ở Paris, Ian Brossat, cho rằng rất khó kiểm chứng xem Airbnb có “bày trò để qua mặt” thành phố hay không và rất nhiều thành phố khác vốn từng chấp nhận giải pháp này nay đang phải hủy bỏ.

Cuộc chiến chống “ách xâm lăng” của đế chế Airbnb

Không tin tưởng vào các công cụ giám sát của Airbnb, chính quyền Paris thành lập một nhóm công tác gồm 30 giám sát viên. Mặc dù vẫn để “lọt lưới” nhiều trường hợp vi phạm, nhưng dường như các biện pháp sát sao của Paris đã khiến số lượng thông báo cho thuê nhà du lịch ở Paris trên Airbnb giảm. 

Hồi tháng 4/2018, dựa trên dữ liệu từ tháng 8/2017 đến hết tháng 3/2018 của Muray Cox, nhà sáng lập trang web InsideAirbnb, trợ lý thị trưởng Paris về nhà ở thông báo số thông báo cho thuê nhà du lịch ở Paris qua Airbnb đã giảm 12,7%. Đây là mức giảm mạnh và kéo dài chưa từng có. Theo ông Ian Brossat, đó là nhờ chính sách răn đe của Paris đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, làm giảm số nhà cho thuê bất hợp pháp trên Airbnb. Nhưng trả lời báo chí, đại diện Airbnb Paris vẫn khẳng định số thông báo ở Paris “vẫn ổn định”.

Kiên quyết trong cuộc chiến chống “ách xâm lăng” của đế chế Airbnb, Paris còn thông báo sẽ kiện Airbnb về việc trang này không chịu rút các thông báo thiếu mã số đăng ký với chính quyền thành phố, tức là các thông báo bất hợp pháp. Đô trưởng Paris Anne Hidalgo còn coi sự phớt lờ, thiếu hợp tác của Airbnb đã góp phần khuyến khích các chủ hộ không đăng ký với chính quyền.

Liên quan đến thuế lưu trú, tổng cộng, năm 2017 Pháp đã thu được 13,5 triệu euro tiền thuế lưu trú từ trang Aibnb, cao gần gấp đôi so với năm 2016, riêng Paris thu được 6,9 triệu euro. Chưa dừng ở đó, Quốc hội Pháp đã thông qua luật tăng thuế lưu trú, cho phép các địa phương ấn định khoản thuế lưu trú tương đương 1%-5% tiền thuê nhà/người/đêm trên các trang thuê nhà trực tuyến như Airbnb. 

Từ ngày 1/7/2018, Airbnb phải trực tiếp thu thuế lưu trú của khách thuê phòng tại 23.000 thành phố, thị trấn trên toàn nước Pháp và nộp cho chính quyền các nơi này, so với con số 50 thành phố như trước đây.

Một căn phòng “ở ké” được quảng cáo tại Paris
Một căn phòng “ở ké” được quảng cáo tại Paris

Trong khi căng thẳng giữa Paris và Airbnb chưa có dấu hiệu giảm nhiệt thì theo đề xuất của Paris, chính phủ Pháp đưa vào dự luật Elan để trình lên Quốc hội một điều khoản, theo đó những người cho thuê nhà quá 120 đêm/năm sẽ bị phạt 5.000-10.000 euro, còn các trang cho thuê nhà trực tuyến như Airbnb sẽ bị phạt 50.000 euro cho mỗi thông báo như vậy.

Ông Emmanuel Marill, giám đốc Airbnb chi nhánh Pháp và Bỉ gọi đó là những khoản tiền cao một cách quá đáng, còn ông Ian Brossat thì vui mừng là chính phủ đã lắng nghe ý kiến của thành phố.

Cũng trong tháng 06/2018, trợ lý đô trưởng Paris về nhà ở còn tổ chức họp với các đồng nhiệm của nhiều thành phố du lịch ở châu Âu như Amsterdam, Madrid, Barcelona và Lisboa để bàn về các biện pháp đối phó với sự bành trướng của Airbnb. Dường như Paris sẽ không chịu buông tay trong cuộc chiến chống đế chế Airbnb và chắc chắn “gã khổng lồ” Airbnb cũng sẽ không dễ chịu thua ngay tại thị trường lớn nhất của họ ngoài nước Mỹ.

Trong vài năm gần đây, sự xuất hiện của loại hình dịch vụ đặt phòng hay căn hộ trực tuyến Airbnb đã làm xáo trộn cảnh quan ngành khách sạn. Airbnb không kinh doanh khách sạn mà chỉ đứng ra làm trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa những người cho thuê và khách du lịch.

Trong vòng 8 năm, từ một công ty khởi nguồn (start-up), Airbnb trở thành một đế chế trong lĩnh vực này với hơn 2 triệu chỗ ở tại 191 nước và hơn 60 triệu lượt khách đặt phòng trên Airbnb trong năm 2015. Airbnb trích hoa hồng từ 12-15% từ mỗi giao dịch. Năm 2016, giá trị của công ty được thẩm định tới 25,5 tỉ đô la, chỉ đứng sau tập đoàn Hilton (27,7 tỉ đô la), nhưng đứng trước các tập đoàn Mariott (20,9 tỉ đô la) hay Accor (10 tỉ đô la).

Câu chuyện bắt đầu từ San Francisco (Mỹ) trong căn hộ chung của Brian Chesky và Joe Gebbia. Để có thể trả tiền thuê nhà, hai sinh viên ngành thiết kế đã cho thuê một phần căn hộ của họ cho khách du lịch. Tên Airbnb được kết hợp từ “AirBed” (đệm phao) và “Breakfast” (bữa sáng).

Sau khi thu được những khoản tiền đầu tiên từ các khách du lịch, hai sinh viên này đã nhận thấy tiềm năng rất lớn của mô hình kinh doanh mới này. Joe Gebbia, nhân vật số hai của Airbnb, khẳng định họ không phát minh gì mới cả, nhưng họ “đã tạo ra được một công cụ mới, vui hơn, gần gũi hơn và dễ truy cập hơn để mọi người trên khắp thế giới, không kể tuổi tác hay văn hóa, có thể liên kết với nhau”.

Airbnb phát triển thương hiệu theo mô hình: thoải mái, độc đáo và chia sẻ. Đây cũng là lời chia sẻ của Brian Chesky: “Bạn có biết sự khác nhau giữa một ngôi nhà và một mái nhà không? Một ngôi nhà chỉ là một không gian, nhưng một mái nhà là nơi người ta đón tiếp những người khác như thành viên trong gia đình. Là chủ nhà, có nghĩa là chăm sóc những người sắp tới. Là chủ nhà, có nghĩa là làm thế nào để người khách có cảm giác thoải mái như ở nhà họ”.

Với khách du lịch, loại hình “ở ké” tại nhà dân, vừa tiện lợi, vừa thoải mái, giúp họ được sống như một người dân bản xứ và tiết kiệm được chi phí dành cho chỗ ở, thường chiếm 1/3 ngân sách du lịch. Còn đối với chủ nhà, đây là một khoản thu nhập phụ không nhỏ giúp họ thanh toán các chi phí hàng tháng.

Tuy nhiên, với loại hình dịch vụ khách sạn truyền thống và chính quyền các đô thị lớn (Paris, Barcelona, Berlin, New York), Airbnb, cũng như các trang mạng cho thuê nhà/phòng du lịch đầy đủ tiện nghi, trở thành “kẻ thù số 1”.

Lý do thứ nhất, đa số cá nhân kinh doanh loại hình này không được cấp phép và dĩ nhiên là không khai báo thu nhập. Thứ hai, nhà dành cho du lịch càng tăng đồng nghĩa với quỹ nhà dành cho dân địa phương ngày càng giảm. Lý do thứ ba là thất thoát thuế “lưu trú” cho địa phương. Ngoài ra, rất ít cá nhân cho thuê nhà khai đủ thuế thu nhập. Lý do thứ tư vẫn là thất thoát thuế, nhưng từ phía công ty Airbnb. 

Nhờ vào cấu trúc tài chính phức tạp, Airbnb bị cho là đã lách được thuế tại 191 nước trên thế giới. Ví dụ, khi khách du lịch trả tiền thuê một phòng tại Paris trên Airbnb, tiền không ở lại Pháp mà đi thẳng về Ai Len, một chi nhánh có trụ sở tại Dublin. Tại đây, thuế áp dụng cho doanh nghiệp chỉ ở mức 12%, ít hơn 1/3 so với mức thuế 33% tại Pháp. Chính vì vậy, Airbnb đã chọn Ai Len để chuyển hết doanh thu từ khắp nơi trên thế giới, trừ thị trường Mỹ.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.