Ở Việt Nam, từ năm 2002, Bộ Tư pháp đã ban hành bản Quy tắc mẫu về quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp LS theo Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ngày 5/8/2002. Bản Quy tắc đó đã góp phần cùng với Pháp lệnh Tổ chức LS năm 2001 và Luật LS năm 2006 xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề LS. Đây cũng là một công cụ quan trọng để đội ngũ LS tự nhìn nhận và đánh giá các hành vi xử sự khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, qua đó góp phần xây dựng giá trị chuẩn mực nghề LS.
Đề cao vai trò quan trọng của vấn đề đạo đức nghề nghiệp, năm 2011, Liên đoàn LS Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp gồm 27 điều, mỗi điều bao gồm nhiều quy tắc cụ thể trong các tình huống ứng xử của LS khi cung cấp dịch vụ. Có thể nói, việc Liên đoàn LS Việt Nam ban hành được Bộ Quy tắc là một cố gắng rất lớn, đánh dấu sự kiện quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quy tắc thống nhất cho toàn thể giới LS Việt Nam.
Quá trình triển khai thực hiện Bộ Quy tắc đã đạt được những kết quả tích cực, từ đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ LS. Việc triển khai kịp thời hoạt động, bồi dưỡng nội dung Bộ Quy tắc đã đem lại hiệu quả nổi bật đó là tạo được sự nhận thức căn bản thống nhất trong giới LS về những chuẩn mực đạo đức và ứng xử trong nghề nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh người LS, nâng cao vị thế của nghề LS trong cộng đồng xã hội. Nhiều LS đã nêu những tấm gương sáng trong hoạt động nghề nghiệp vì người nghèo, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Trong quan hệ với khách hàng, đa số các LS đã quán triệt được những quy định về nghĩa vụ đạo đức của LS. Quá trình thực hiện vụ việc, các LS đã thể hiện tính chủ động, tận tụy với công việc, giải quyết các trường hợp có xung đột về lợi ích trong cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng hoặc các trường hợp khách hàng khiếu nại. Đặc biệt, các LS đã thực hiện tương đối tốt quy định những việc LS không được làm trong quan hệ với khách hàng… Kết quả đó đã được ghi nhận trong nhiều văn bản của Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước có liên quan đánh giá hoạt động của Liên đoàn LS Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh người LS, nâng cao vị thế, uy tín của giới LS trong cộng đồng xã hội.
Về quan hệ đồng nghiệp của LS, các LS đã có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của giới mình, tôn trọng và hợp tác, giữ gìn tình đồng nghiệp, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trong hành nghề. Những quy định về những việc LS không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp cũng được các LS thực hiện tương đối tốt.
Cùng với đó, các LS đã thực hiện tốt vai trò của mình và có cách ứng xử phù hợp trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước. Các LS đã có các giải pháp ứng xử đúng đắn, có sức thuyết phục tác động đến nhận thức của các điều tra viên góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, bảo đảm dân chủ hóa trong hoạt động tố tụng. Không những vậy, đội ngũ LS còn góp phần vào việc giúp các cơ quan nhà nước khác bằng các hoạt động tư vấn cho công dân và các tổ chức trong việc khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện về đất đai với sự tham gia của nhiều người, bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người khiếu kiện.
Bên cạnh những kết quả thu được, vẫn còn hiện tượng LS vi phạm các quy định về nghĩa vụ đạo đức trong quan hệ với khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các LS. Ngoài ra, còn có hiện tượng do bức xúc, LS đã phản ứng với thái độ tiêu cực khi đối diện các vi phạm tố tụng của những người tiến hành tố tụng qua các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố, xét xử. Thậm chí, có LS còn móc nối tiêu cực với những người có thẩm quyền giải quyết công việc để đạt mục đích theo yêu cầu không chính đáng của khách hàng. Những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so nhưng cũng gây ảnh hưởng phần nào đến danh dự, uy tín của giới LS trước cộng đồng xã hội.
Trước sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng cao của người dân, LS và nghề LS đang phát triển mạnh mẽ, nảy sinh nhiều tình huống mà LS phải ứng xử để đáp ứng yêu cầu dịch vụ pháp lý của khách hàng, đồng thời bảo đảm đạo đức nghề nghiệp LS. Do đó, cần nghiên cứu mở rộng cơ cấu và nội dung Bộ Quy tắc tương ứng với phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của LS nhằm bao quát được đầy đủ hơn các lĩnh vực và quan hệ xã hội mà LS tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật nhưng mặt khác ứng xử của LS luôn đặt trên nền tảng của đạo đức nghề nghiệp.