“Tro tàn rực rỡ” đã vượt qua gần 1.700 tác phẩm trên toàn thế giới để vinh dự trở thành một trong 15 phim tranh giải tại hạng mục Main Section của Liên hoan phim Tokyo vào hồi cuối tháng 11 vừa qua. Đây cũng là phim Việt đầu tiên ghi tên mình trong hạng mục chính thức của một trong những Liên hoan phim danh giá nhất châu Á và có buổi ra mắt toàn cầu tại đây.
Lấy bối cảnh xóm nghèo miền sông nước Thơm Rơm, phim là câu chuyện tình khắc khoải của ba người phụ nữ dành cho những người đàn ông họ chọn gắn bó cả cuộc đời. Mỗi câu chuyện tình ấy mang những dáng vẻ khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều mạnh mẽ và tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn rất đỗi nhạy cảm của phái nữ.
Đó là Nhàn (Phương Anh Đào), một phụ nữ xinh đẹp, tảo tần với cuộc hôn nhân tạm coi là viên mãn bên người mình yêu. Thế nhưng, một biến cố xảy ra, đẩy cuộc hôn nhân của Nhàn và Tam (Quang Tuấn) vào ngõ cụt.
Phương Anh Đào và Quang Tuấn nên duyên trong “Tro tàn rực rỡ”. Ảnh: CGV. |
Câu chuyện của Nhàn và Tam trong phim được kể qua góc nhìn của Hậu (Juliet Bảo Ngọc Dolin), cô gái vừa được gả cho chàng trai xóm Thơm Rơm là Dương (Lê Công Hoàng).
Cả Hậu và Dương đều yêu theo cách bản năng nhất, thuần khiết nhất, nhưng cũng cháy bỏng nhất. Chỉ khác ở chỗ, tình yêu của Hậu dành cho Dương, còn tình yêu của Dương chỉ dành cho Nhàn. Hậu yêu Dương đằng đẵng suốt bao năm, cũng giống như Dương vẫn luôn chôn chặt tình yêu dành cho Nhàn, dẫu anh đã có gia đình riêng, dẫu Nhàn đã dành trọn trái tim cho người đàn ông khác.
Hai gương mặt trẻ Lê Công Hoàng và Juliet Bảo Ngọc Doling gây chú ý khi đóng chính. Ảnh: CGV. |
Chia sẻ tại Liên hoan phim Tokyo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, ban đầu ông chỉ định chuyển thể một mình truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” lên màn ảnh. Nhưng sau đó, ông tin rằng cần phải có thêm một câu chuyện tình khác, với hình bóng một người phụ nữ khác để thông điệp mà ông muốn truyền tải trở nên vững chãi hơn.
Và mảnh ghép tình yêu thứ ba được lựa chọn là câu chuyện tình của cô Loan “khùng” (Hạnh Thúy) trong truyện ngắn “Củi mục trôi về”, một tác phẩm đậm dấu ấn khác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sau khi bị “gã” - một tên đàn ông trong xóm làm nhục thời thơ ấu, Loan như đã “chết”, dù chẳng phải trên phương diện thể xác.
Cô “buồn, vui đều thái quá, như cơm quá lửa khét, canh quá muối mặn lè”. Rồi một ngày kia, “gã” giống như tấm củi mục trôi về đất Thổ Sầu, gặp lại Loan dưới bóng ngôi chùa nghèo đến rách nát nơi đây.
Hạnh Thúy vào vai Loan “khùng” trong phim chuyển thể của Bùi Thạc Chuyên. Ảnh: CGV. |
Ba người phụ nữ với ba kiểu tình yêu khác nhau được Bùi Thạc Chuyên đặt chung một bối cảnh, nơi cái nghèo mỗi ngày dằn hắt, đầy đọa, khiến con người ta chỉ còn đủ sức để sống với cảm xúc bản năng nhất của mình. Giữa bối cảnh khắc nghiệt đó, họ chia sẻ với nhau cả những hờn ghen, cảm thông và trên tất cả là sự thấu hiểu, đồng điệu, không phán xét.
Cả Nhàn, Hậu và Loan đều yêu người đàn ông của mình một cách mạnh mẽ, kiên định đến đáng thương, hay thậm chí là đáng trách. Thế nhưng, đó cũng chính là vẻ đẹp trong tình yêu của người phụ nữ mà đạo diễn muốn tôn vinh thông qua tác phẩm của mình. “Khi người phụ nữ còn yêu, không gì làm họ dừng lại”.
Phim dự kiến khởi chiếu tại rạp Việt từ ngày 2/12/2022.