Truyền thuyết cứu chữa bệnh cho hổ
Tương truyền, một hôm Lý Thời Trân đang lên núi hái thuốc, đột nhiên có một con hổ vằn tiến đến gần. Ông sợ khiếp vía, lúc này bỏ chạy cũng không kịp, đành đứng ngây ra đấy phó mặc định mệnh.
Thật không ngờ con hổ tiến đến gần thì dừng lại, đưa ánh mắt như cầu cứu nhìn về phía Lý Thời Trân, kêu một tiếng bi thảm. Cảm thấy thật kỳ lạ, theo thói quen nghề nghiệp, ông nghĩ: “Hay là con hổ này bị bệnh, muốn tìm mình để mong được cứu chữa?”.
Ông hỏi con hổ một câu: “Ngươi muốn tìm ta khám bệnh phải không?”, con hổ vẫn nhìn và rên rỉ. Ông hỏi tiếp: “Nếu ngươi muốn tìm ta khám bệnh thì gật đầu 3 cái”.
Chuyện kỳ lạ lại xảy ra, quả nhiên con hổ gật đầu 3 cái, rồi ngoan ngoãn nằm xuống. Lý Thời Trân tiến đến gần, quan sát kỹ, đúng là dưới bụng nó có một vết thương lở loét mưng mủ. Ông lau sạch chỗ miệng vết thương, lấy lá thuốc đắp vào chỗ vết thương, vỗ vỗ đầu hổ nói: “Đi đi, chỉ vài ngày là khỏi thôi”. Con hổ đứng dậy, dùng lưỡi liếm quanh tay ông, vẫy đuôi rồi đi, được vài bước lại quay đầu nhìn ông rồi mới đi hẳn.
Hơn 1 tháng sau, Lý Thời Trân lại lên núi lấy thuốc, thấy con hổ lần trước ông đã chữa bệnh đã khỏi quỳ xuống trước mặt cản không cho ông đi và vẫy đuôi liên tục. Lý Thời Trân chợt nghĩ ra: “Có phải ngươi muốn ta cưỡi lên lưng?”. Con hổ gật đầu 3 cái, cõng ông lên núi.
Từ đó, cứ mỗi khi ông lên núi hái thuốc thì con hổ xuống đứng chờ ở chân núi. Sau này con hổ đó còn đưa ông đi đến nhà bệnh nhân khám bệnh khiến không ít lần dân làng sợ khiếp vía tháo chạy.
Lý Thời Trân dặn hổ đứng chờ ở cổng nhà bệnh nhân, còn ông vào nhà khám bệnh. Tuy mọi người đều biết chuyện nhưng trong lòng vẫn lo sợ, do vậy ông nói với hổ: “Sau này ngươi không phải chờ ta ở cổng nhà bệnh nhân nữa. Ta sẽ bảo bệnh nhân đem bã thuốc đổ ở gần cổng, thì ngươi biết ta đang khám bệnh ở gần đó, chờ ta ra ngươi mới đến gặp”.
Người nhà bệnh nhân và con hổ nghe theo lời dặn của ông cứ thế làm. Tục đem bã thuốc đổ ở xung quanh cổng nhà được lan truyền ngày một rộng ra và từ đời này qua đời khác.
Ý tưởng táo bạo
Lý Thời Trân là người Kỳ Chân (nay là tỉnh Hồ Bắc), sinh năm 1518, nhà nhiều đời làm nghề y. Ông nội ông làm nghề bán thuốc rong, đi khắp hang cùng ngõ hẻm tay cầm chuông lắc để bán thuốc chữa bệnh nên người ta gọi là “y chuông”. Lúc nhỏ Lý Thời Trân rất ốm yếu và đã mắc bệnh lao phổi, may có cha y thuật cao siêu, cho uống rất nhiều thuốc, cứu sống con. Lý Thời Trân rất say mê đọc sách y dược, thường theo cha lên núi hái thuốc.
Năm con 12 tuổi, người cha bắt Lý Thời Trân học hành đi thi lấy công danh. Lý Thời Trân không muốn cha thất vọng đành phải theo lời, nhưng thực lòng chỉ muốn làm một thầy thuốc dân gian. Kết quả là 3 lần thi ông không đậu, người cha đành thở dài không ngăn cản nữa.
Một hôm có ngư dân tên là Lão Bàng đến tìm Lý Thời Trân nhờ xem bệnh cho vợ. Ông vội đến nơi, thấy bệnh nhân hầu như không còn thở nữa, nhưng sau khi bắt mạch thấy chưa đến mức nguy kịch, hỏi chuyện: “Ông đã cho bà nhà uống thuốc gì rồi?”.
Lão Bàng đáp: “Hôm qua bà nhà tôi hơi mệt. Vừa lúc đó có một ông lang đi qua, liền mời ông ta khám và chữa giúp. Không ngờ uống thuốc xong lại ra nông nỗi này”.
Lý Thời Trân cầm thang thuốc từ tay Lão Bàng, xem kỹ thấy đơn thuốc không có nhầm lẫn, thế thì phải chăng pha nhầm thuốc? Ông đem bã thuốc ra xem, đối chiếu từng vị một, phát hiện có một vị thuốc gọi là Hổ chưởng trong đơn thuốc không kê lại có trong bã thuốc, còn vị Lậu Lam Tử trong đơn thuốc có mà trong bã lại không thấy. Vậy là đã rõ thang thuốc pha nhầm.
Lý Thời Trân giải thích: “Cái này cũng không nên trách thầy thuốc, trong sách viết là Lậu Lam Tử lại có nơi gọi là Hổ chưởng, người bốc thuốc tưởng là hai loại thuốc này có thể dùng lẫn lộn. Cũng may là phát hiện sớm, uống thuốc giải độc sẽ không có chuyện gì”.
Về đến nhà, Lý Thời Trân vẫn suy nghĩ mãi câu chuyện vừa rồi và liên tưởng lại nhiều việc giống như vậy. Ông nhớ lại trong quá trình hành nghề thường phát hiện một số thuốc không giống với sách y cổ đã viết, có loại thuốc hiệu quả điều trị, có loại không. Nếu cứ theo sách cũ dùng thuốc, khó tránh khỏi bốc nhầm.
Ông quyết tâm đem những sách y đời xưa còn để lại chỉnh lý toàn bộ, sửa chữa những sai lầm trong sách; và những phần trong sách còn thiếu chưa đủ thì bổ sung vào.
Chu du khảo sát dược liệu
Chuẩn bị 10 năm, tài liệu Lý Thời Trân viết ra đã chất đầy mấy tủ, đặt tên cho trước tác này là “Bản thảo cương mục”, vì ông nghĩ cần phân loại lại bộ sách này, phân chia ra các ngành, bộ, họ cho rõ ràng để tiện tra cứu.
Danh y Lý Thừa Trân có nhiều bộ sách đáng quý để đời |
Nhưng khi chính thức bắt tay vào viết, ông cảm thấy rất khó; điều đau đầu nhất là hình dạng và sự sinh trưởng của rất nhiều cây thuốc còn chưa được rõ. Trong một số sách cổ có giải thích nhưng không có hình vẽ, ngôn từ không rõ làm cho ông rất khó sửa.
Lý Thời Trân quyết định đi thực địa điều tra. Ông kê tên, họ những cây thuốc cần biết rõ, điều tra nơi sản xuất trước, sau đó mới tìm hiểu thêm bên ngoài; khảo sát không được thì mời người bản địa chỉ dẫn. Mọi người biết được ý đồ của ông đều vui vẻ giúp đỡ, có người còn đích thân dẫn đi. Ông vừa xem vừa ghi chép tỉ mỉ.
Khảo sát đó kéo dài 3 năm. Trong nhà ông chất đầy những tiêu bản động thực vật có thể làm thuốc trị bệnh; treo đầy các sách có vẽ chim, động vật, côn trùng, cỏ; trong vườn trồng đầy những thảo dược.
Một lần triều đình cho mời tất cả danh y các nơi về kinh thành, Lý Thời Trân không muốn làm ông quan thầy thuốc, chỉ muốn được đến Thái y viện hoàng gia vì trong đó có rất nhiều sách y cất giấu kỹ và các dược liệu quí, đồng thời ông cũng tranh thủ đọc được nhiều sách. Qua năm thứ hai ông mượn cớ cáo biệt về nhà.
Về quê hương, ông vừa hành nghề y vừa viết sách. Vì còn rất nhiều thảo dược ông chưa được tiếp xúc nên đến năm 47 tuổi ông lại quyết định lần thứ hai đi thực địa khảo sát hết 4-5 năm.
Tác phẩm y dược nổi tiếng
Để viết quyển “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân đã tích lũy tư liệu, chỉnh lý thành một quyển dược điển, rồi còn vẽ hình, nên đã kêu gọi nhiều người cùng bắt tay vào làm việc: Người sao chép lại, người vẽ hình, người hiệu đính... Qua 3 lần sửa chữa bổ sung, trước tác đã được hoàn thành với thời gian 27 năm, khi Lý Thời Trân 60 tuổi.
“Bản thảo cương mục” chia thành 52 tập, các sách xếp lại cao đến mấy thước. Trong sách thu thập 1.892 dược liệu, kèm theo 1.100 hình vẽ hình cây thuốc, hơn 11 ngàn bài thuốc.
Bản thảo tuy đã hoàn thành nhưng in nó thành sách để truyền bá khắp nơi quả là một việc không đơn giản. Lúc bấy giờ muốn in sách phải tự bỏ tiền ra thuê người xếp chữ. Lý Thời Trân làm sao có được nhiều tiền như thế, ông đi khắp nơi vay tiền nhưng không kết quả. Cho mãi đến 12 năm sau, một vị thương nhân đã bỏ tiền ra in, lúc này Lý Thời Trân bị bệnh, qua năm thứ hai bệnh ông càng nặng hơn và đã chết. Trước khi chết ông lại dặn dò người nhà phải đem quyển sách này truyền bá rộng rãi làm phúc cho dân gian...
Con cháu Lý Thời Trân nhớ lời dặn của cha, tìm mọi cách dâng tặng cho vua, kỳ vọng dựa vào sức mạnh của triều đình để truyền bá rộng rãi quyển sách. Sau này sách được lưu truyền ra nước ngoài và dịch thành nhiều thứ tiếng, được công nhận là “trước tác y dược vĩ đại Đông phương”. Cho đến ngày nay quyển sách này vẫn là quyển sách gối đầu giường cho các thầy thuốc đông y.