Tiềm năng cảnh quan thiên nhiên và văn hoá
Tiên Yên là huyện miền núi, có vị trí trung tâm của miền Đông Bắc Quảng Ninh, với địa hình trải rộng. Nơi có nhiều phong cảnh đẹp như; thác Pạc Sủi, thác Khe San, hồ Tuyệt Tình Cốc......hệ thống ruộng bậc thang, đồi núi hùng vỹ.
Thác Pạc Sủi (xã Yên Than) gắn liền với truyền thuyết Vua Gà.Thác được ca ngợi là nơi bình minh thức giấc, gắn với câu chuyện huyền thoại Vua Gà, biểu tượng của sự mạnh mẽ, lòng kiên trì và khát vọng gọi bình minh lên xua tan bóng đen hắc ám. Ảnh Phạm Long |
Thác Khe San( xã Phong Dụ) hiện vẫn gần như vẹn nguyên nét hoang sơ vì chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Thác gồm 2 tầng, mỗi tầng cao khoảng 15m, nước đổ xuống tạo thành hồ nước trong vắt dưới chân thác. Ảnh: Cấn Đình Loan |
Tuyệt Tình Cốc là một suối nước Thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực. Do cảnh quan nơi đây đẹp như trong truyện võ hiệp Kim Dung nên nhân dân đặt tên là Tuyệt Tình Cốc. Ảnh : Thế Anh |
Sắc vàng trên những triền ruộng bậc thang xã Đại Dực. Ảnh: Quang Hà |
|
Đồi Tình rộng khoảng 100ha, là nơi tiếp giáp giữa 2 xã Đại Dực và xã Húc Động (huyện Bình Liêu). Đứng trên Đồi Tình có thể ngắm nhìn phong cảnh mây trời non nước hữu tình, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, vàng rực vào mùa lúa chín..Nơi đây là địa điểm lý tưởng cho các bạn trẻ có thể cắm trại, săn mây. Ảnh: Thế Anh |
Tiên Yên còn có hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển với trên 2.000ha được đánh giá là đa dạng sinh học nhất miền Bắc.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên rừng ngập mặn xã Đồng Rui. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Mũi Lòng Vàng, xã Đồng Rui là một bãi cát cách bờ 4km, có diện tích khoảng 20 ha. Bãi có tên gọi như vậy là bởi khi thuỷ triều lên bãi cát bị nước biển thu tròn giống như lòng đỏ trứng giữa mênh mông sóng nước. Ảnh: Thanh Tân |
Những giá trị lịch sử, văn hóa,đã tạo cho Tiên Yên nét riêng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, cùng với việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, tạo cho địa phương nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị.
Phụ nữ Dao Thanh Phán trong trang phục truyền thống đang phơi thóc, xã Phong Dụ. Ảnh: Quang Hà |
Du khách rất phấn khích và ngạc nhiên khi thăm nhà cổ Đại Dực, ngôi nhà đặc trưng của người Sán Chỉ xưa. Ông Nình A Liềng chủ nhà cho biết ngôi nhà có tuổi đời hơn 50 năm và được làm thủ công. Ảnh: Quang Hà |
Những sản vật nông, ngư nghiệp, và ẩm thực nơi đây cũng là những yếu tố không thể thiếu cấu thành nên nét văn hoá riêng của đất và người nơi đây.
Một mâm cỗ có đầy đủ các đặc sản Tiên Yên; gà Tiên Yên, xôi 7 màu, khâu nhục, bánh gật gù, thịt lợn bản. Ảnh: Du lịch Tiên Yên |
Đây là những điểm khác biệt, là những tiềm năng, nguồn tài nguyên vô giá để Tiên Yên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa với bản sắc riêng, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Mặc dù tài nguyên du lịch của huyện Tiên Yên tương đối phong phú, đa dạng và vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ, điều mà du khách luôn mong muốn, tuy nhiên các tài nguyên này đa phần nhỏ, giá trị không cao, lại phân bố rải rác, không tập trung nên sẽ gây khó khăn trong quá trình khai thác. Các hoạt động du lịch ở địa phương mới manh nha phát triển trong một, hai năm trở lại đây và dưới dạng khá sơ khai, hiệu quả tiêu dùng trong sản phẩm du lịch thấp. Hạ tầng cơ sở phát triển du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của khách du lịch trong thời gian gần đây.
Để phát huy những tiềm năng vốn có và bù đắp hạn chế tại địa phương , cấp ủy, chính quyền huyện đã có những chỉ đạo sát sao, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo. Đặc biệt, huyện đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ để phục các tuyến điểm du lịch như: Đường nối QL18A với khu du lịch thác Pạc Sủi (xã Yên Than); cải tạo nâng cấp, mở rộng đường từ QL4B đi trung tâm xã Hà Lâu; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) đến xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu); Tuyến đường nối trung tâm xã Đại Dực đến xã Đại Thành cũ....
Tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành cũ đang là động lực phát triển kinh tế, du lịch, kết nối Tiên Yên, Bình Liêu, tạo cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Ảnh Quang Hà |
Hằng năm, UBND huyện đều ban hành các văn bản, kế hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn, trong đó, tích cực xây dựng, hỗ trợ các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch.
Lễ hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ . Ảnh: Thế Anh |
Tuyến đường Nà Cam - Húc Động kết nối hai xã Đại Dực huyện Tiên Yên và xã Húc Động huyện Bình Liêu chuẩn bị hoàn thành, tạo liên kết cơ sở hạ tầng du lịch, liên kết vùng trong phát triển du lịch Bình Liêu- Tiên Yên. Ảnh: Quang Hà |
Tiên Yên đang tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, như: Chỉnh trang phố đi bộ; xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ. Huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ du khách. Năm 2022, huyện Tiên Yên có 85.000 lượt khách đến tham quan. Phấn đấu năm 2023, huyện sẽ đạt trên 100.000 lượt khách.
Bí thư Huyện uỷ huyện Tiên Yên Nguyễn Chí Thành cho biết: Huyện đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó huyện tập trung quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư tạo một số sản phẩm du lịch có quy mô, chất lượng đúng các quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, huyện đang cần một số doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm, đủ nguồn lực đầu tư để tạo "cú hích" cho phát triển du lịch địa phương.