Đánh thức du lịch đường thủy Đất Cảng: Hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch mới

Khảo sát tuyến du lịch cảnh quan tại Bến du thuyền Vũ Yên.
Khảo sát tuyến du lịch cảnh quan tại Bến du thuyền Vũ Yên.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày tháng 5 này, một tin vui gợi bao thương nhớ không chỉ với người dân TP Cảng mà còn đang lan tỏa trong lòng du khách gần xa… Theo Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Hải Phòng, Hải Phòng sẽ triển khai tuyến du lịch sông “ấn tượng” qua Bến Du thuyền Vũ Yên, xuôi dòng Bạch Đằng ghé thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang, thăm thú sông Ruột Lợn và về Cảng Hoàng Diệu trong thời gian tới…

Thành phố có mật độ sông lớn nhất xứ Bắc

Ngoài sông Tam Bạc đi vào thơ ca nhạc họa và là thương cảng sầm uất xưa trong lòng phố, người Hải Phòng phần lớn đều lớn lên bên những dòng sông, với mật độ sông lớn nhất miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Thế nhưng, nhiều chuyên gia, nhà văn hóa hàng đầu đã đầy tiếc nuối khi du lịch đường thủy tại TP Cảng đến nay mới dần được “ đánh thức”...

Nằm ở khu vực hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình đổ ra biển, từ xa xưa, Hải Phòng đã là một vùng đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào cho cư dân sinh sống. Thành phố có đến hơn 50 con sông lớn nhỏ trong đó có 16 con sông chính với tổng độ dài trên 300km với những tên nổi tiếng như: Sông Đá Bạc-Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình…

Cùng đó, những dòng sông ở Hải Phòng đều là “chứng nhân” về lịch sử, văn hóa và kinh tế của thành phố. Khi xưa, nữ tướng Lê Chân đã lựa chọn vùng đất bồi màu mỡ ven bờ sông để khai hoang lập ấp. Trong đó, Bạch Đằng Giang là dòng sông huyền thoại, linh thiêng và hào hùng của Việt Nam, nơi gắn liền với 3 trận đại chiến lừng lẫy: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng)... Nếu như năm 938, dòng sông Bạch Đằng cùng trận cọc gỗ lưu danh muôn thuở với chiến thắng của vua Ngô Quyền kết thúc sự đô hộ của phương Bắc. Cũng trên dòng sông ấy, một lần nữa năm 1288, vua tôi nhà Trần đã tiến hành trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử đánh đuổi quân Nguyên Mông.

Và dòng sông Cấm, khởi đầu từ bến Ninh Hải đơn sơ nhưng tấp nập trên bến dưới thuyền đến nay đã trở thành dòng chảy dọc theo hệ thống cảng biển quy mô và hiện đại. Sông Cấm là biểu tượng của sự hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai xán lạn của thành phố. Ba hành lang cảnh quan sông: sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc sẽ là hành lang phát triển kinh tế, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm của phát triển du lịch đường sông Hải Phòng...

Còn nhớ, thời hoàng kim đầu thế kỷ trước, ở trong lòng phố cổ, hình ảnh dãy phố Tam Bạc soi mình xuống dòng sông đã làm trái tim nghệ sĩ nhiều thế hệ xao xuyến. Những bức vẽ sông và phố Tam Bạc đã tạo cho Hải Phòng góc nhìn riêng và rất đặc trưng, được xem là sông Siene của TP Cảng. Lịch sử phát triển của các đô thị trên thế giới hầu hết đều gắn với các dòng sông. Ở Việt Nam, sông kề biển, mang sức sống và lịch sử của TP anh hùng cửa biển, hội tụ dân cư, thương nhân đa dạng là Tam Bạc của đất Cảng Hải Phòng.

Tam Bạc dài 11 km, rộng trung bình 80m, sâu trung bình hơn 3m, nhánh của sông Lạch Tray. Bắt đầu từ thôn Tam Bạc, huyện An Dương, đổ ra sông Cấm tại cửa Ninh Hải. Tên sông gọi theo tên làng ở đầu nguồn. “Trạm Bạc” nghĩa là vụng sông sâu, thuyền bè neo đậu. Từ cuối thế kỉ 19 về trước, đây là đường giao thông quan trọng. Sông Tam Bạc có vị trí đầu tiên thuận lợi đầu tư giao thương với nước ngoài: người Hoa, Pháp, Tây Ban Nha, Anh...

Tam Bạc đẹp trong ý nghĩa là dòng chảy tâm hồn Hải Phòng như NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn phim tài liệu đã có một tuỳ bút Nhập hồn Tam Bạc thấm đẫm trong tâm thức không chỉ người Hải Phòng: “Tam Bạc là con sông chảy từ lòng phố, với tôi, nó là màn ảnh khổng lồ chuyên chở những cảnh vật, con người của Hải Phòng đời này qua đời khác như một cuốn phim vô tận. Có nhiều khi, vào lúc đất trời im lặng, dòng sông như một cuốn phim quay chậm, trôi ngược hình ảnh về thời xa xưa, nơi tên sông bắt nguồn từ tên làng nhỏ ở đầu nguồn, làng Trạm Bạc, có vịnh nước sâu, nhấp nhô những ngọn cột buồm”…

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng”

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng”

Những dòng sông sẽ kể những câu chuyện miền cửa biển

Trong những năm tới, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển KT - XH TP. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh thái sẽ là hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2030…

Tại hội thảo Phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng vừa qua, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT & DL Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, mật độ sông lớn nhất miền Bắc, sông bao quanh từng khu phố, từng xóm làng. Bởi vậy Hải Phòng được gọi là TP của những dòng sông, TP của những cây cầu. Những dòng sông này không chỉ mang theo nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển KT - XH của TP.

Thế nhưng, với điều kiện thuận lợi về sông ngòi như vậy, hiện Hải Phòng chưa có tour du lịch đường sông mà mới chỉ có vận tải khách bằng đường sông và một số hoạt động du lịch mang tính tự phát. Hiện nay, Vingroup đã đầu tư bến du thuyền Vũ Yên song quy mô còn nhỏ và chủ yếu phục vụ cho cư dân Vinhome. Một số luồng tuyến chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến tình trạng bồi lắng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện du lịch.

Nhìn nhận thực tế, bà Trần Thị Hoàng Mai cho hay, các tour du lịch đường thuỷ tại Hải Phòng chưa phát triển các điểm trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông. Du lịch sông không chỉ diễn ra trên sông mà còn diễn ra ven sông, việc quy hoạch, phát triển các điểm khám phá, trải nghiệm sẽ tạo sức hút với du khách. Theo bà Mai, không thể phát triển du lịch đường sông với hiện trạng hạ tầng giao thông thủy như thế này. Phát triển du lịch đường sông ở Hải Phòng chưa được coi trọng, chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch đồng bộ. Các hoạt động du lịch đường sông hiện nay rất nhỏ, lẻ, mang tính tự phát, manh mún, dẫn đến việc khai thác không hiệu quả, dịch vụ nghèo nàn, không tạo sức hút đối với du khách.

Cảnh quan sông để phát triển du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật ven sông, còn nhiều rác, bèo trên sông, cảnh quan ven sông đôi chỗ còn nhếch nhác, bụi bẩn…

Bà Trần Thị Hoàng Mai bày tỏ, phát triển du lịch đường thủy là một bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đa ngành và đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, với tiềm năng to lớn từ thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, nếu có hướng đi đúng và sự đồng hành của chuyên gia, doanh nghiệp, các dòng sông của Hải Phòng hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đặc sắc, mang lại giá trị kinh tế bền vững cho thành phố.

Bà Mai nhấn mạnh, Hải Phòng cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng và cơ chế cấp phép cho phương tiện du lịch thủy, tổ chức kiểm tra định kỳ theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện và an toàn. Đồng thời, TP phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, thu gom rác ven sông và trồng cây xanh bảo vệ bờ. Bởi không chỉ là phương tiện di chuyển, mỗi dòng sông phải trở thành một sản phẩm du lịch sống động, kể lại câu chuyện riêng, gắn liền với trải nghiệm và bản sắc địa phương...

Trên thế giới, có rất nhiều thành phố lớn với đô thị hiện đại, nhưng những thành phố ghi dấu ấn say mê lòng người thì luôn có những dòng sông thơ mộng có thể kể đến như sông Vience (Ý), St. Petersburg (Nga), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Bangkok (Thái Lan) hay như ở Việt Nam có sông Hương ở Huế hay sông Hàn ở Đà Nẵng.

Sông Bạch Đằng.

Sông Bạch Đằng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Văn Sáu, chuyên gia du lịch từ Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, Hải Phòng có điều kiện tự nhiên và văn hóa phù hợp để phát triển du lịch đường thủy, từ các tuyến sông trong nội đô đến các tuyến biển đảo. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức, đặc biệt là về hạ tầng, bến cảng, phương tiện vận chuyển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ. Ông đề xuất một loạt giải pháp như đầu tư nâng cấp các bến tàu hiện có (Bến Bính, Bến Tam Bạc, Đồ Sơn). Cùng đó mở rộng năng lực tiếp nhận du thuyền tại Cát Bà và Đình Vũ, và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng như tour du thuyền trên sông Cấm, trải nghiệm làng chài, hoặc khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn và chim nước.

Còn ông Nguyễn Quý Phương, đại diện Cục Du lịch Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm theo chuyên đề: lịch sử-về nguồn, văn hóa - trải nghiệm, sinh thái - nghỉ dưỡng. Một số tuyến du lịch đường thủy được đề xuất bao gồm tuyến nội đô kết nối sông Cấm - Lạch Tray - Tam Bạc, tuyến liên tỉnh Hải Phòng - Yên Tử - Hạ Long, và tuyến biển đảo từ Cát Bà, Đồ Sơn kết hợp tour ngắm hoàng hôn và câu mực đêm.

Ông Phương cũng đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá như xây dựng bản đồ số các tuyến sông, bộ thuyết minh tiêu chuẩn và chiến dịch marketing số toàn diện trước, trong và sau chuyến đi.

Kỳ vọng nâng tầm định vị du lịch quốc gia và quốc tế

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ cho rằng, Hải Phòng cần sớm xây dựng và ban hành Đề án phát triển du lịch đường thủy tại Hải Phòng làm cơ sở thu hút các nguồn lực phát triển du lịch đường thủy đặc biệt là khối tư nhân, đồng thời tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, TP cũng cần phải quy hoạch, đầu tư bến du thuyền chuyên biệt tại khu vực phù hợp của vịnh Lan Hạ và sông Cấm, với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác như điểm dừng chân, khu vực nghỉ ngơi, mua sắm và trung tâm thông tin du lịch.

Để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Hải Phòng TP sẽ phải nghiên cứu, mở tuyến du lịch sông - biển kết nối đô thị nội đô lịch sử với di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà. Đồng thời, mở các tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm đến văn hóa, lịch sử của Hải Phòng và kết nối các di sản của nền văn minh sông Hồng.

Cùng đó, xây dựng các show diễn đẳng cấp quốc tế trên mặt sông, thiết kế những con tàu mang đặc trưng Hải Phòng và phù hợp với từng loại hình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, để mỗi dòng sông Hải Phòng sẽ kể một câu chuyện lịch sử, chở đầy những giá trị văn hóa và được bao bọc bởi các cảnh quan và hệ sinh thái riêng biệt. Khi đó, các sản phẩm du lịch đường sông sẽ tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách.

Tiếp đó là tăng cường liên kết vùng. Hải Phòng có 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Từ Hải Phòng, tàu du lịch có thể đi đến hầu hết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Việt Trì. Việc tăng cường liên kết vùng, xây dựng các tour liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn...

Với mục tiêu để du lịch đường sông trở thành sản phẩm chủ lực, đẳng cấp quốc tế, theo ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL Hải Phòng, trước hết cần xây dựng 3 bến tàu hiện đại, tiện nghi, thuận lợi, tiêu chuẩn quốc tế ở khu vực Cảng Hoàng Diệu, Bến Gót (Đồng Bài), Vịnh Cát Bà và một số bến thủy nội địa tiêu chuẩn quốc gia tại các điểm đến ven sông, ưu tiên xây dựng bến tàu trên sông Thải bên khu di tích Bạch Đằng Giang…

Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn nhỏ và 16 tuyến sông chính.

Hải Phòng có hệ thống sông ngòi phong phú, hơn 50 con sông lớn nhỏ và 16 tuyến sông chính.

Theo đó, cần xây dựng 2 luồng tuyến trọng điểm, đẳng cấp quốc tế gồm: Tuyến du lịch sông - biển: Cảng Hoàng Diệu - Bến Gót (Đồng Bài) - Vịnh Lan Hạ; Tuyến du lịch sông: Cảng Hoàng Diệu - Bến Du thuyền Vũ Yên - sông Bạch Đằng - Khu di tích Bạch Đằng Giang - sông Ruột Lợn và về Cảng Hoàng Diệu; Xây dựng 2 tuyến chất lượng cao: Tuyến du lịch đường sông nội đô: Mom Thủy Đội - sông Tam Bạc (đề xuất cắt nhịp giữa của cầu Tam Bạc, đóng mở được để tạo khoảng thông thuyền); Tuyến du ngoạn ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực trên sông: Cảng Hoàng Diệu - cầu Bạch Đằng và quay về cảng Hoàng Diệu. Trong tương lai sẽ mở rộng các tuyến lên bến Vạn Kiếp, Côn Sơn, Kiếp Bạc hoặc tuyến dài ngày đi Hà Nội và đến các miền di sản đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, Hải Phòng cần xây dựng một show diễn thực cảnh truyền tải những nét văn hóa tinh túy của Hải Phòng và miền duyên hải bằng ngôn ngữ nghệ thuật trên sân khấu cạn hoặc sân khấu nước. Sân khấu cạn có thể sử dụng Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố. Sân khấu nước có thể chọn sông Cấm hoặc hồ An Biên.

Theo ông Hùng, song song với việc xây dựng đề án là xây dựng 5 dự án phát triển du lịch đường sông Hải Phòng: Dự án hạ tầng du lịch đường sông, trọng tâm là xây dựng các bến tàu khách; Dự án phương tiện du lịch đường sông, xác định rõ chủng loại, số lượng, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của các loại tàu, thuyền du lịch đường sông; Dự án các chương trình nghệ thuật, giải trí trên sông; Dự án chiếu sáng nghệ thuật ven sông và trên cầu; Dự án chỉnh trang cảnh quan và xây dựng điểm đến ven sông. Ông Hùng cho biết, mục tiêu chậm nhất phê duyệt những dự án này trong quý 1 năm 2026.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, Hải Phòng có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển du lịch đường thủy trở thành một trong những sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và quốc tế. Cùng đó, ông Khánh cũng chỉ rõ 5 “điểm nghẽn” lớn cần tháo gỡ: Nhận thức xã hội chưa đầy đủ, thể chế quản lý còn thiếu cụ thể, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, cảnh quan môi trường chưa được bảo tồn đồng bộ, và điểm đến du lịch chưa đủ sức hút

Về chính sách, các đại biểu đề nghị chính quyền TP cần triển khai các gói ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đường thủy, bao gồm hỗ trợ thuê đất, ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và giảm chi phí thuê bến cảng. Đồng thời, cần phân định rõ lĩnh vực đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh giải pháp then chốt là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chú trọng sự khác biệt, chất lượng cao và gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Các loại hình như du lịch sinh thái, cộng đồng, ẩm thực và văn hóa cần được tích hợp trong hành trình khám phá sông nước Hải Phòng. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, và tăng cường liên kết vùng cũng là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch bền vững.

Theo đó, ông Khánh khẳng định: “Chúng ta cần định vị du lịch đường thủy Hải Phòng không chỉ là sản phẩm tiềm năng, mà là sản phẩm đẳng cấp, góp phần nâng tầm vị thế thành phố trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”...

Có thể nói, còn rất nhiều việc cần làm ngay để không chỉ du lịch đường thủy Hải Phòng trở thành một bản sắc riêng có, một điểm đến gây thương nhớ, luyến lưu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Thế nhưng, với niềm tin vào TP anh hùng trong kỷ nguyên vươn mình- những kỳ vọng và mục tiêu đẹp đẽ này sẽ sớm thành hiện thực...

Đọc thêm

Tàu Thống Nhất của Việt Nam dẫn đầu danh sách những tuyến tàu hỏa đẹp nhất thế giới

Tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam (Ảnh: Scenic Vietnam/Shutterstock).
(PLVN) - Hành trình Bắc – Nam bằng tàu Thống Nhất không chỉ là một chuyến đi qua dải đất hình chữ S, mà còn là cuộc phiêu lưu độc đáo giữa thiên nhiên kỳ vĩ và chiều sâu văn hóa, vừa được tạp chí danh tiếng Lonely Planet vinh danh đứng đầu trong danh sách "24 chuyến tàu hỏa tuyệt vời nhất hành tinh" năm 2025.

TP Hồ Chí Minh: Hiệu quả chương trình 'Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng'

Bến Nhà Rồng là một địa chỉ thu hút nhiều du khách.
(PLVN) - Sở Du lịch TP HCM vừa có báo cáo về chương trình "Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng". Theo đó, chương trình được TP phát động với mục tiêu giúp các quận, huyện nhận diện tiềm năng sẵn có, biến thành những sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với văn hóa, lịch sử, ẩm thực hoặc sinh thái của địa phương.

Tour du lịch đêm - 'nguồn sáng' thu hút khách du lịch

Tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút du khách trong và ngoài nước tham gia.
(PLVN) - Phát triển các tour du lịch đêm đang là một xu hướng được ngành du lịch ở các tỉnh, địa phương chú trọng phát triển. Du lịch đêm cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, tăng hiệu suất du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi của những tour du lịch đêm, việc bảo đảm an toàn cho du khách cần được chú trọng.

Trà Lý mùa sen nở mang vẻ đẹp hoang sơ hút hồn du khách

Trà Lý mùa sen nở mang vẻ đẹp hoang sơ hút hồn du khách
(PLVN) - Những ngày đầu hè, cánh đồng sen Trà Lý (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) nở rộ, nhuộm hồng cả một vùng quê yên bình dưới chân núi Hòn Tàu. Không chỉ là nguồn sinh kế cho người dân, đầm sen rộng hàng chục hecta này đang trở thành điểm check-in lý tưởng, thu hút đông đảo du khách và nhiếp ảnh gia đến chiêm ngưỡng, lưu giữ khoảnh khắc giữa thiên nhiên thuần khiết.

Tăng tốc phát triển du lịch Cà Mau

Tăng tốc phát triển du lịch Cà Mau
(PLVN) - Tăng tốc phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Cà Mau 8% trở lên. Đồng thời, bứt phá tạo đà, tạo thế, tạo lực tăng trưởng hai con số trở lên ở các giai đoạn tiếp theo.

Bà Rịa - Vũng Tàu, cửa ngõ biển của du lịch quốc tế

Ngày càng nhiều siêu tàu du lịch quốc tế chọn BR-VT làm điểm đến.
(PLVN) - Không rực rỡ như những phố cảng trăm năm tuổi, không ồn ào như những bến tàu du lịch sầm uất của châu Á, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã, đang lặng lẽ định hình một tương lai lớn: Trở thành điểm đến đón tàu khách quốc tế hàng đầu khu vực phía Nam, một “cửa ngõ biển” thực thụ của ngành du lịch quốc gia.

Chụp ảnh 'sống ảo' - Đừng tự biến mình thành nạn nhân

Một số người trẻ bất chấp nguy hiểm chụp hình ở “mỏm đá tử thần”. (Ảnh: Giáng Ngọc)
(PLVN) - Trào lưu chụp ảnh mạo hiểm để sống ảo, chụp ảnh tự sướng tại các cung đường uốn lượn, chỏm núi cao, gần vực sâu, bên thác nước chảy xiết… và tung lên mạng xã hội để đổi lấy những lượt “like” khiến nhiều du khách thích thú. Nhưng chỉ một cú sảy chân hay đơn giản là một pha mất thăng bằng do quá tập trung vào việc selfie, có thể đẩy họ đến gần hơn với “tử thần” đang chực chờ.

Bình Định khai mạc Lễ hội du lịch hè năm 2025

Bình Định khai mạc Lễ hội du lịch hè năm 2025
(PLVN) - Tối 13/6, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), UBND tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch hè năm 2025 với chủ đề: “Quy Nhơn- Thiên đường biển- Khát vọng vươn xa”.

Để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch tàu biển

Du thuyền AIDA đưa khách du lịch cập bến cảng ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Nguồn: Đức Đỗ)
(PLVN) - Du lịch Việt Nam vốn có lợi thế về đường biển dài, dòng biển ấm, với khung cảnh thiên nhiên trong vắt như ngọc. Vì vậy, Việt Nam rất phù hợp để phát triển du lịch tàu biển hạng sang. Hiện nay, loại hình du lịch này đang là một hướng phát triển của nhiều tỉnh, địa phương.

Sắp khai trương Chợ đêm ẩm thực – giải trí Sonasea tại Vân Đồn

Chợ đêm ẩm thực – giải trí Sonasea tại Vân Đồn.
(PLVN) - Sau thành công của Chợ đêm Sonasea Phú Quốc, Tập đoàn CEO tiếp tục mang mô hình Chợ đêm ẩm thực kết hợp giải trí đến với Vân Đồn (Quảng Ninh), hứa hẹn tạo thêm điểm nhấn sôi động cho du lịch địa phương. Chợ đêm Sonasea Vân Đồn dự kiến chính thức khai trương vào ngày 14/6/2025, mở ra không gian mua sắm, thưởng thức ẩm thực và giải trí độc đáo cho người dân và du khách.

Hà Nội thu hút du lịch qua trải nghiệm tour đêm

 Tour đêm “Tiếng chuông Trấn Vũ” vừa ra mắt công chúng. (Ảnh: Ngọc Bích)
(PLVN) - Ngành du lịch Hà Nội đang nắm bắt cơ hội đưa trải nghiệm tour đêm, nghe các di sản “kể chuyện” nghìn năm thành điểm nhấn trong du lịch, tạo sự lôi cuốn đặc biệt với du khách trong nước và quốc tế.

Quảng Ninh đẩy mạnh du lịch tàu biển, đón gần 50.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm

Quảng Ninh đón gần 50.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm.
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã đón 35 chuyến tàu biển quốc tế, đưa gần 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch địa phương, đặc biệt trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch tàu biển thông thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.