Trong thế giới tư pháp và cuộc sống, trên lý thuyết luôn vẫn tồn tại khả năng chính người chuyên nhân danh pháp luật phán xử kẻ khác cũng có lần bị phán xử trước toà. Trong thực tế, chuyện ấy vốn rất hiếm, lại càng hiếm đối với những thẩm phán danh tiếng lẫy lừng ở trong cũng như ngoài nước. Chính vì thế mà thế giới tư pháp hiện rất ồn ào và dư luận chung cũng ngỡ ngàng về việc thẩm phán Baltasar Garzon ở Tây Ban Nha bị hầu toà.
Thẩm phán Garzon. |
Ông Garzon là thẩm phán nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha và rất có uy danh trên thế giới. Suốt mấy chục năm qua, vị thẩm phán này rất năng nổ và kiên định thể hiện uy quyền của pháp luật trong những vụ việc phức tạp và nhạy cảm nhất cả về đối nội cũng như đối ngoại ở Tây Ban Nha như chống buôn bán ma tuý có tổ chức, truy sát tổ chức ly khai ETA.... và không thể không kể đến vụ việc ra lệnh bắt giữ nhà độc tài Chi-lê Augusto Pinochet.
Ông Garzon nổi tiếng và được nể vì bởi quyết tâm bảo vệ pháp luật bằng mọi giá và đề cao hiệu lực toàn cầu của tư pháp thành một nguyên tắc mới trong thế giới tư pháp. Nhờ thế mà đã có thời vị thẩm phán này được bàn luận đến như một ứng cử viên sáng giá cho Giải thưởng Nobel Hoà bình.
Nhưng lẽ thường ở đời là được khâm phục và ngưỡng mộ thì cũng không thể tránh khỏi bị ghen ghét và đố kỵ. Chính những đồng nghiệp của ông Garzon giờ đã đẩy ông Garzon ra toà. Lời cáo cuộc của họ là ông Garzon đã cố tình vận dụng sai luật. Ngôn từ họ sử dụng là bẻ cong luật pháp phục vụ cho ý đồ riêng của mình và làm hại người khác.
Năm 2010, ông Garzon đã bị bãi nhiệm. Vị thẩm phán này phải bỏ ra nước ngoài, làm cố vấn tư pháp cho Toà án hình sự quốc tế ở La Haay (Hà Lan). Trong tháng Giêng này, ông Garzon bị toà án ở Tây Ban Nha đưa ra xét xử về cùng tội danh trên trong 3 vụ việc liền.
Ở đây trước tiên có chuyện danh không cứu được phận và thậm chí còn làm hại phận. Ngoài ra, cũng có chuyện bị coi là phạm luật trong khi thực hiện bảo vệ pháp luật. Những biện pháp được ông Garzon sử dụng để bảo vệ pháp luật đến cùng và bằng mọi giá bị các đối thủ coi là cố tình vi phạm pháp luật. Lý do và động cơ chính trị của vụ việc không hẳn không có cho dù không ai nói ra. Một khi đồng nghiệp sát phạt nhau như thế chỉ vì cách hiểu và lý giải luật pháp khác nhau và xét xử thành bại khác nhau thì thế giới tư pháp chẳng khác chiến trường là bao.
Mạc Thầy