Thông tin 27 nước EU đều có người nhiễm Covid-19 khiến chúng ta cùng “choáng”. Số ca nhiễm ở Ý đã tăng vọt từ 7.375 ca lên 9.172 ca, 463 ca tử vong sau 1 đêm. Chuyện gì đã xảy ra với một cường quốc như Ý chỉ trong thời gian quá ngắn? Và có nhiều điều chúng ta nhận ra trong đại dịch...
Cơn ác mộng tập thể
Hà Nội sau 1 đêm mất ngủ thì sáng hôm sau phát hiện ra bệnh nhân số 17, dù có thể không giống như bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc, đã biến các siêu thị và ngân hàng thành cơn lốc xoáy. Khiến hàng triệu học sinh, sinh viên đang khấp khởi đi học trở lại đành tiếp tục ngồi nhà chơi game. giới showbiz thêm buồn bã vì ế show, ngành du lịch đang “tim đập, chân run” càng thêm muốn khóc. Tóm lại là khiến cả nước đảo điên…
Theo bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội) thì năm 2014 dịch sởi khiến 20.000 ca mắc, 115 trẻ tử vong, chủ yếu ở Hà Nội. Nhưng không tỉnh nào tuyên bố tình trạng dịch. Tất nhiên, cả nước vẫn đi học bình thường. Với thế hệ 8x thì sởi là chuyện vặt.
Năm 2009, dịch H1N1 với 10.000 ca mắc và 22 người tử vong. Cũng không tuyên bố tình trạng dịch khẩn cấp. Trẻ vẫn đi học bình thường. Hồi dịch Sars ở Việt Nam trước đó cũng kinh khủng, mà người dân không quan tâm. Mỗi thời kỳ một khác, nhận thức cũng thay đổi, nhưng thay đổi từ “điếc không sợ súng” sang “sợ phát khiếp”. Đó là một xã hội từ thiếu thông tin chuyển một sang thừa thông tin, nhưng chủ yếu là tin giả.
Hàng ngày, tin tức về dịch bệnh Covid-19 dường như đang lan nhanh hơn cháy rừng, những thông tin đáng sợ ấy đã kích hoạt bản năng sinh tồn, gây ra cơn ác mộng tập thể trong tất cả các cộng đồng.
Dịch bệnh đã diễn ra 2 tháng, Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới dài nhất với Trung Quốc, giao thương và hoạt động dân sự giữa 2 nước cũng ở tần suất rất cao, nhưng đến thời điểm trước ngày 6 tháng 3 vẫn chỉ vỏn vẹn có 16 ca dương tính đã điều trị khỏi; đó là thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch.
Nhưng khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc thì ai cũng hiểu cuộc chiến sẽ gian nan và kéo dài. Rồi đến Ý và Iran, Tây và Trung Á càng khó để kiểm soát, ngay cả Mỹ cũng đang chật vật đối đầu.
Coronavirus chủng mới rất đáng sợ, bởi nó mới xuất hiện, nên có nhiều điều chúng ta chưa biết về nó. Lo lắng, đó là phản ứng rất cần thiết, vì nó giúp chúng ta cảnh giác và thận trọng, có biện pháp đề phòng tích cực thay vì chủ quan và đối phó hời hợt. Nhưng khi sự lo lắng bị đẩy lên quá mức, nó không được kiểm soát bởi lí trí, trở thành thứ để hù dọa tinh thần thì đó là mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ với cá nhân, mà còn hết sức nguy hiểm cho cộng đồng.
Bác sỹ Phúc chia sẻ: Mỗi ngày trong bệnh viện, tôi phải tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân sốt virus các chủng loại, tất cả đểu rất dễ lây nhiễm, nhưng tôi hay các nhân viên y tế khác chưa ai sợ hãi hay bỏ cuộc vì điều này.
Ngay cả khi những dịch bệnh nguy hiểm có sức hủy diệt kinh khủng như SARS năm 2003, MERS-CoV 2015, hay Ebola với tỉ lệ tử vong đến 34%, thì cả ở Việt Nam cũng như khắp thế giới, tôi chưa thấy hiện tượng nhân viên y tế đào ngũ. Covid-19 cũng chưa có một y, bác sĩ nào bỏ trốn.
Ngược lại, họ vẫn siết chặt tay nhau, cùng tiến về tiền tuyến, quyết tâm giành chiến thắng, cho dù đã có nhiều người nằm xuống, nhưng chưa một ai vì sợ hãi mà lùi lại phía sau.
Công chúng lại không như vậy, họ đang bị nỗi sợ hãi đe dọa vượt ngoài tầm kiểm soát, nguy cơ bùng phát mạnh hơn cả dịch bệnh, có thể gây ra phản ứng nguy hiểm tương tự, khiến mọi người tìm cách lấy lại quyền kiểm soát. Một trong những cách kiểm soát đó là đổ xô đi mua tích trữ.
Tìm các cách phòng tránh dịch bệnh thái quá hay không. |
Tôi nhận thấy có 2 lí do để người dân đi mua hàng tích trữ. Một là, họ sợ dịch bệnh xảy ra, tôi gặp những người sợ đến nỗi không dám bước ra khỏi cửa đi đổ rác, mẹ con không dám đứng gần nhau quá 2m, vợ chồng phải mỗi người một buồng và cấm khẩu, vì thế họ phải mua tích trữ đồ để ăn và dùng dần.
Hai là, tâm lí sợ dịch bệnh khan hàng sẽ tăng giá, nên thà mua tích trữ trước với giá mới chỉ tăng 30-40%, còn hơn là sau này đắt gấp vài lần. Cả hai trường hợp này đều là hậu quả của nỗi sợ hãi làm cho lú lẫn.
Khi hoảng loạn, sợ hãi và nghi ngờ, họ sẽ mất đi lí trí để nhận biết sự thật, có thể làm những điều nguy hiểm, thậm chí là mê tín, hoang tưởng hoặc phán xét đạo đức. Người mắc bệnh không chỉ là nạn nhân của căn bệnh, mà còn trở thành nạn nhân của một cộng đồng sợ hãi, ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục, vẫn có thể bị xa lánh và phân biệt đối xử. Cộng đồng, thậm chí gia đình, có thể bị xé tan.
Mới gần đây, dịch Ebola xảy ra ở Cộng hòa Congo năm 2019, công chúng sợ hãi đến mức họ thực hiện 300 cuộc tấn công nhân viên y tế bằng vũ trang, hậu quả làm chết 6 y, bác sĩ và bị thương nặng 70 người.
Là người trực tiếp làm chuyên môn y tế đã trải nghiệm qua nhiều dịch bệnh, tôi tự tin để nói rằng, Việt Nam đang phòng chống SARS-CoV-2 rất hiệu quả, dịch Covid-19 sẽ không có cơ hội bùng phát ở Việt Nam, chỉ vài chục bệnh nhân mắc so với quốc gia 90 triệu dân, liệu có đáng để công chúng hoảng loạn mất niềm tin.
Và chiếc gương trong thần thoại
Đành rằng, bệnh nhân 17 đã dội gáo nước lạnh vào niềm tin của hàng triệu con người, miếng cơm, manh áo của biết bao nhiêu gia đình, sự sống còn của rất nhiều doanh nghiệp và trường học… Trong phút chốc vì sự gian dối của số 17 đã phải cắn răng để tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng trở lại từ đầu…
Tuy nhiên, mặt trái là ai nấy đều hoảng hốt cả lên, rồi kỳ thị lẫn nhau. Khoảng cách giữa cách li và sự kỳ thị đôi khi rất mong manh. Còn nhớ Sơn Lôi, Vĩnh Phúc bị phong tỏa, thi thoảng ở một số nơi người ta cứ nói, cảnh giác với người Vĩnh Phúc, nhỡ đi chúc Tết, ăn cỗ rồi ra Hà Nội làm ăn thì sao. Đến nỗi nhiều người Vĩnh Phúc bảo, đi đâu không dám khai là người Vĩnh Phúc vì sợ người ta sợ, không giao tiếp chứ đừng nói là làm ăn gì.
Và giờ, Hà Nội cũng bắt đầu một số khu, một số nhà bị cách li do em “N Cô vi” đưa “cô vít” về từ Ý, Pháp. Một số công ty, tập đoàn, bộ, ngành có những người tiếp xúc F1, F2, F3 bị cách li. Và vào thang máy, ai mà chẳng may ho một cái thì y như rằng, mọi ánh mắt lườm thân ái và quyết thắng đổ về... Một số em bé Hà Nội về quê, đã có nhiều người hỏi: “Về tị nạn tránh dịch à”?
Bởi thế, có khi người ta chưa kịp chết vì virus cúm thì đã chết vì sợ hãi, chen nhau bẹp ruột ở siêu thị hay bị phân biệt nguồn gốc nơi đến, chỉ vì một vài bệnh nhân trót dính Covid-19.
Cái sự hoảng hốt này cũng có lý do vì đời ai cũng chỉ một sinh mệnh. Đã bĩ cực thì không còn biết tin ai, không nhường ai, không giữ sĩ diện được nữa. Dân Âu Mỹ vốn thấu đáo là thế cũng đổ xô đi vét giấy vệ sinh. Người Nhật vốn nổi tiếng về sự điềm đạm, lịch sự, đùm bọc, không tranh giành, được cả thế giới kính nể trước bao thảm họa sóng thần, hạt nhân mà giờ cũng mất hết cả kiên nhẫn và lịch sự, cũng đánh mắng nhau vì mấy cái khẩu trang và cân thịt lợn như người Việt Nam cả thôi…
Hà Nội, trái tim của Tổ quốc. Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đói khổ là thế, bom rơi, lửa đạn là thế mà chúng ta đang để nỗi sợ hãi đẩy chúng ta phải giẫm đạp lên chính đồng bào của mình, tranh cướp với chính hàng xóm của mình từng cuộn giấy vệ sinh. Chúng ta lộ rõ vẻ độc ác khi lên tiếng rủa xả “bệnh nhân thứ 17”... Nhiều người share tin Times City bị phong toả bằng sự hả hê nhiều hơn là lo lắng.
Covid-19 làm cho chúng ta nhận ra bản chất của con người. Sự giàu có không mua được cho bạn ý thức. Quốc gia văn minh không sản sinh ra những con người hành xử văn minh. Sự trục lợi của những con người sẵn sàng xem thường mạng sống đồng loại. Covid-19 như “tấm gương chiếu yêu” làm lộ ra những phần xấu xa mà chúng ta cố gắng che đậy, tô vẽ trong bao nhiêu năm nay.
Tựa như câu chuyện “Chiếc hộp Pandora” trong thần thoại Hy Lạp. Đó là chiếc hộp của nàng Pandora, người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người. Pandora đã được Zeus dặn kĩ rằng không được mở chiếc hộp đó ra.
Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những gì trong chiếc hộp kì bí đó đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… Và chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút “hy vọng” mang tên Pandora cho loài người để có thể tiếp tục sống. Covid-19 có lẽ là một chiếc hộp Pandora mới nhất đối với thế giới loài người.
Điều đáng sợ nhất mà chiếc hộp Pandora này mở ra không phải là dịch bệnh. Và đáng lo ngại hơn nữa, điều mà Covid-19 đe dọa đến thế giới loài người chính là nỗi sợ hãi, hoang mang, bất nhẫn...
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, bệnh dịch đến rồi sẽ đi và trở thành kỷ niệm khi chúng ta sống sót và vượt qua. Vậy thì kỷ niệm mà chúng ta mong muốn khi vượt qua mùa dịch này sẽ là như thế nào? Chúng ta muốn nhớ việc đã cùng nhau can đảm đi qua nó, hay muốn nhớ rằng chúng ta đã sợ hãi đến mức đánh mất sự bao dung của mình?
Bệnh dịch đến rồi sẽ đi khi chúng ta tiếp tục cuộc sống của mình cùng với nhau. Khi tất cả những lo âu, sợ hãi, hoang mang đã lùi lại để trở thành quá khứ thì tôi tin rằng chúng ta sẽ ước rằng mình đã từng đi qua những ngày tháng đó bằng lòng can đảm và sự tử tế dành cho đồng loại của mình.
Chúng ta sẽ không muốn phải nhớ rằng mình đã vì sợ hãi mà đối xử tàn nhẫn với người khác. Vậy thì tại sao ngay từ lúc này, chúng ta không bắt đầu bao dung để tạo nên một kỷ niệm đẹp cho những ngày sau dịch? Và chúng ta đều có thể tự hào vì đã vượt qua mùa dịch bằng sự dũng cảm và bao dung…
Virus chỉ sợ khi chúng ta sống có trách nhiệm, có lòng trắc ẩn, yêu thương và độ lượng mà thôi…