19 lời chứng của những ONS (Ouvrier non Specialise, thợ không nghề đặc biệt) là những nhân chứng cuối cùng trong số khoảng 27.000 người từ Đông Dương bị lùa đến nước Pháp từ tháng 10-1939 đến tháng 6-1940 để phục vụ cho guồng máy chiến tranh của thực dân Pháp trong Thế chiến thứ II. Họ là những “nông dân Việt Nam nghèo khổ” bị cưỡng bức bởi chính quyền tay sai lúc bấy giờ. Những người nông dân chưa hề biết đến thế giới kỹ nghệ lại bị đưa vào các nhà máy sản xuất thuốc súng. Rồi phát-xít Đức chiếm đóng nước Pháp, số ONS chết vì bệnh lao cao gấp 9 lần so với tỷ lệ dân Pháp tử vong trong cuộc chiến.
Trong những ngày đen tối của cuộc lưu đày khổ sai ấy, những nông dân đã “chia sẻ đời sống với đám công nhân Pháp”, gia nhập Công đoàn, tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp một cách tự nhiên như theo quy luật áp bức - đấu tranh. Nước Pháp được giải phóng, những ONS Việt Nam đã bầu ra một Tổng phái đoàn, đại diện cho 25.000 lính thợ, hoạt động như một cánh tay của Việt Minh ngay tại Pháp: đình công, kêu gọi bất phục tùng, tổ chức cuộc biểu tình lớn nhất vào năm 1948… Và nhiều người lao động Pháp đã dang tay che chở cho những người thợ khốn khổ này. Bộ Thuộc địa Pháp đã tống họ về Việt Nam. Một số bị bắt ngay khi về nước, bị bỏ tù và sau đó đã đi theo phong trào Việt Minh…
Tập sách có giá trị phản ánh rất cao, nhất là 41 tấm ảnh tư liệu và các bài viết miêu tả nhân thân cùng tâm trạng của những nạn nhân những năm tháng ấy đã giúp người đọc hình dung khá rõ một phần chân dung cuộc sống vào một thời kỳ đen tối của xã hội Việt Nam. Kể lại và những bài phỏng vấn miêu tả tâm trạng của những người nông dân khốn khổ: “Chúng tôi không hiểu tại sao phải ra đi… Chúng tôi không biết gì về chiến tranh…” (Lời của cụ Đỗ Vị, sinh năm 1918 tại làng Diên An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được ghi lại vào tháng 7-2006). “Khi chiến tranh chấm dứt, nước Pháp không cần đến chúng tôi nữa, họ tống khứ chúng tôi trở về quê cũ. Không công ăn việc làm, và tuổi tác đã không cho chúng tôi lập lại cuộc đời… Tôi tiếc những gì đã làm cho nước Pháp” - lời cụ Nguyễn Liên, sinh năm 1918 ở Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, được ghi vào tháng 7-2005.
Cuộc đời của những người lính thợ không chuyên ấy là một hành trình ít có trong lịch sử: nông dân - công nhân - rồi trở lại là nông dân. Và, đằng sau những số liệu, những hình ảnh, những lời nói…, hiện ra thân phận những con người bình thường, nhưng là một phần của lịch sử.
Tác giả Luguern Liêm Khê sinh tại Huế và sang Pháp cùng gia đình năm 1973. Từ năm 1991, bà là Giáo sư môn sử - địa tại trường trung học Gaillac (miền Nam nước Pháp), đang chuẩn bị luận án tiến sĩ. Tập sách ra đời “không có tham vọng nào khác hơn là nhường lời cho những người chưa khi nào được lên tiếng” để cho “người Việt biết được lịch sử những đồng bào của họ đã bị chế độ bảo hộ trưng dụng như thế nào”; và, “để cho lịch sử nước Pháp không quên những đau khổ và những bất công mà họ đã chịu đựng”. Thêm nữa, họ đã không nhận được khoản hưu bổng nào của Chính phủ Pháp.
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT