Chuyện phát hiện những bất thường trên phôi bằng tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT có thể sẽ là cơ hội để mọi người thảo luận, góp ý về một mẫu bằng đúng nghĩa.[links()]
Bộ GD-ĐT đưa ra lý do dịch nội dung trên phôi bằng ra tiếng Anh là để hội nhập, “tiến tới chuẩn mực chung của thế giới”. Tuy nhiên việc này hoàn toàn không cần thiết.
Làm theo thói quen Theo tôi, tuyệt đại số sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc trong các cơ quan, đơn vị VN. Còn khi cần bằng ngoại ngữ thì cứ để sinh viên mang đi dịch và thuyết phục người tuyển dụng qua phỏng vấn, hơn nữa đâu chỉ có dịch tiếng Anh mà còn tiếng khác nữa. Đây không hẳn là vấn đề “tự ái quốc gia” mà cũng không phải là một biểu hiện của hội nhập thế giới. Đây chỉ là một cách làm theo thói quen là sử dụng tiếng Anh ở mọi tình huống. Ở cấp bộ, vấn đề dịch có cần đặt ra không? |
Mong ước chuẩn mực chung!
Trước hết, “tiến tới chuẩn mực chung của thế giới”, mong ước này không bao giờ đạt tới trong sự “hỗn mang” của tên bằng cấp. Ngay trong hệ thống bằng cấp của một nước, tôi thấy các bằng cũng rất khác nhau. Không theo chuẩn mực là thuộc tính tự do học thuật. Ở Úc, bằng master có thể cấp phát sau một năm, một năm rưỡi hay hai năm học tùy ngành. Ngay tên bằng bachelor of arts (viết tắt BA) có thể cấp phát cho người học ngành toán, chứ không phải luôn luôn là bachelor of science. Giá trị nội tại của bằng cấp nằm ở trường cấp phát và truyền thống.
Khi chúng ta dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, người sống trong nền văn hóa nào sẽ hiểu tên văn bằng theo văn hóa đó. Chẳng hạn, khi dịch bằng tốt nghiệp CĐ ra associate degree, vô hình trung chúng ta đã đánh giá thấp bằng CĐ của VN. Bởi vì trong hệ thống associate degree sinh viên chỉ cần học hai năm toàn thời gian, trong khi bậc CĐ ở VN phải học ba năm.
Có lẽ điều bộ cần chuẩn hóa là hiện nay nhiều trường ghi trong các quảng cáo “bằng tốt nghiệp cao đẳng” là “bằng cử nhân cao đẳng” (gần gũi với associate degree hơn), trong khi Bộ GD-ĐT không cho dùng cách này.
Nhưng cách viết “bằng tốt nghiệp cao đẳng” lại không ổn vì đây không phải tên bằng như cử nhân, tiến sĩ. Điều này làm chúng ta nhớ lại một thời gian rất dài bộ chỉ cho dùng “bằng tốt nghiệp đại học” thay cho bằng cử nhân. Sau này bằng thạc sĩ để dịch master, cũng là một cách dùng mạnh dạn, vì lúc trước thạc sĩ ở VN để dịch bằng agrégé của Pháp.
Tạo sự mặc cảm không cần thiết
Hình thức (trước đây gọi “hệ”) đào tạo gồm có chính quy và không chính quy. Cách phân biệt này không nên có vì trong nguyên tắc giáo dục nếu chương trình học như nhau hay gần như nhau chỉ nên cấp một loại bằng dù hình thức đào tạo có khác nhau.
Có hai lý do chính là việc phân biệt hình thức đào tạo. Thứ nhất, tạo sự mặc cảm không cần thiết cho người học nếu nhận được bằng phi chính quy và điều này gắn với họ trong bằng cấp suốt đời. Thứ hai, nó sẽ gây thắc mắc không cần thiết cho người sử dụng nếu phải đọc những thuật ngữ tiếng Anh xa lạ được dịch “ngược” từ tiếng Việt. Vô hình trung chúng ta gây thiệt thòi cho chính sinh viên hệ không chính quy.
Điều quan trọng là nên làm cho các hình thức đào tạo của ta gộp lại làm một. Hà cớ gì phải đưa thêm vào một yếu tố gây nhiễu và vi phạm đúng điều bộ mong muốn là “tiến tới chuẩn mực chung của thế giới” vì thế giới hay ít nhất nơi tôi biết nhiều nhất là Mỹ và Úc không có ghi hình thức đào tạo. Đến học một năm, một năm rưỡi hay hai năm cũng đều được cấp master cơ mà. Giá trị bằng cấp nằm ở đâu đó chứ không ở hình thức đào tạo.
Bằng quốc gia
Khái niệm bằng quốc gia rất quen thuộc ở VN nhất là trước năm 1975. Khi đó chúng ta theo hệ thống bằng của Pháp với những tên như doctorat d’etat, doctorat d’university. Tuy vậy vẫn có sự phân biệt bằng “quốc gia” và “không quốc gia”. Hệ thống này đã bỏ. Thế mà chúng ta hình như lại dùng một định nghĩa bất thành văn là bằng của bộ cấp là bằng quốc gia (có dấu quốc huy), trong khi hiện nay chẳng có bằng nào “phi quốc gia” cả.
Chúng ta nói nhiều đến việc tăng quyền tự chủ cho các trường thì việc đầu tiên là nên để các trường tự cấp bằng của mình. Trước hết đứng về mặt hình thức, phôi bằng của riêng trường chắc chắn sẽ đẹp hơn vì trường tự lo thiết kế bằng của mình, có thể đưa biểu tượng của trường, không phải có những hàng thừa điền nội dung... Nhưng điều quan trọng là để trường tự chịu trách nhiệm về việc cấp bằng.
Chúng ta có thật sự cần bản dịch tiếng Anh không? Chúng ta có cần thiết phải cấp bằng cho các hình thức đào tạo khác nhau không? Quan trọng hơn, khi nào bộ có thể bỏ bao cấp về việc cấp phôi bằng cho cả nước trong khi chúng ta luôn nói đến tăng quyền tự chủ?
Cần hay không cần? Về vấn đề cần hay không cần dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nếu nói không cần phải có “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” (đúng ra phải thêm gạch dưới thì mới hợp chuẩn) thì theo tôi cần viết khác như thế này ở góc trái: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Cách viết này nói lên “cấu trúc tổ chức” trên dưới và xuất xứ từ nước cấp bằng. Còn nếu dùng cách viết như trên phôi bằng thì ý nghĩa này không thể hiện đúng. Cả nước đã quá quen với ba hàng: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM vậy có cần thiết phải đổi để gây tranh cãi? Nếu cần đổi để chỉ có một hàng, tôi nghĩ cần có nhưng quyết định ở cấp cao và thông báo rộng rãi cho công chúng biết là từ nay có hai cách viết tên nước. Ngoài ra, tôi có cơ hội xem hàng trăm bằng Mỹ nhưng chưa thấy có bằng nào ghi “United States of America”. |
PGS Lưu Tiến Hiệp, PhD (UNSW)
Theo