FLC đã bước tới một tầm cao mới trong lĩnh vực bất động sản, với danh mục đầu tư đa dạng, không dừng ở những dự án tòa nhà văn phòng - chung cư, khu đô thị mà đang mở rộng ra các mảng bất động sản khác như nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khách sạn, khu công nghiệp.
Đẩy mạnh bất động sản đô thị
Một ấn tượng khá rõ ràng trong thông điệp của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết ngành bất động sản - tất nhiên là những doanh nghiệp có tiền - đầu năm 2014, tại các cuộc họp ĐHCĐ thường niên là: sẽ tích cực săn dự án bất động sản. Một động thái cho thấy, dường như, một chu kỳ mới của thị trường bất động sản, mà chính xác là bất động sản đô thị đang quay trở lại.
Thế nhưng, trong khi các DN tích cực tìm kiếm dự án để thu mua, thì FLC lại bước vào giai đoạn mới - triển khai các dự án đã mua trước đó. Chỉ một bước đi nhanh hơn, nhưng đủ để FLC tạo nên sự khác biệt, và tất nhiên, đi kèm với đó là tiềm năng hiệu quả về mặt tài chính cho các cổ đông, bởi thị trường đôi khi diễn biến nhanh hơn những gì được dự đoán.
Còn nhớ, năm 2013, giữa lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này kêu gào đòi nhận thêm sự hỗ trợ từ Bộ Xây dựng, hệ thống ngân hàng… thì FLC công bố mua lại CTCP Đầu tư địa ốc Alaska, đơn vị sở hữu dự án Alaska Garden City với mức giá gần 300 tỷ đồng. Thời điểm thương vụ được công bố là đầu tháng 8/2013, nhiều người còn cho rằng, đây là thông tin mang tính… xây dựng hình ảnh nhiều hơn, bởi bất động sản đang ế thừa quá nhiều.
Nhưng FLC suy nghĩ khác
Không giải thích, cũng chẳng nêu kỳ vọng nhiều về lợi nhuận, FLC chỉ tranh thủ truyền tải thông điệp rất đơn giản: chúng tôi đã và đang tích cực tìm kiếm dự án tốt, giá cả hợp lý để thu mua!
Sau gần 1 năm kể từ thời điểm công bố thương vụ được dư luận cho là mang nhiều yếu tố “làm truyền thông” trên, FLC đã cho thấy con mắt tinh đời của mình, khi dự án Alaska (nay đổi tên là FLC Garden City) chưa mở bán đã có nhiều NĐT đến xin được mua sản phẩm. Và, FLC còn có thêm FLC Complex 36 Phạm Hùng, dự án khiến dư luận “phát sốt” vì vị trí đẹp, được Tập đoàn công bố sở hữu và gấp rút triển khai vào đúng thời điểm những dự án chung cư lân cận đang trên đường trở lại thời kỳ đỉnh cao.
Tất nhiên, FLC Complex 36 Phạm Hùng sẽ không chỉ là dự án mang lại thành công cho FLC thông qua việc triển khai. Giống như một số thương vụ M&A khác, việc nhượng lại một phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Tòa nhà Ion Complex (đơn vị sở hữu dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng) dự kiến cũng sẽ mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho FLC.
Nếu để ý hơn về hoạt động của FLC trong vòng gần 2 năm qua, thì dường như số dự án trong lĩnh vực bất động sản khu đô thị, nhà ở của Tập đoàn có được thông qua M&A doanh nghiệp sẽ không dừng ở con số 2 (không tính dự án Nhà ở cho cán bộ - công nhân viên Bộ Tư pháp) như những gì FLC đang công bố triển khai.
Nhưng trước mắt, chỉ cần 2 dự án này, với quy mô đầu tư xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, FLC đã nghiễm nhiên ghi tên mình trong danh sách những ông lớn lĩnh vực bất động sản đô thị, bởi số đông DN bất động sản khác, hoặc vẫn đang trong giai đoạn đau đầu với bài toán hàng tồn kho và thanh khoản, hoặc… đang tìm mua dự án.
Nói về thành tựu đã đạt được của hơn 2 năm tích lũy dự án tốt, ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết: “FLC có 1 tôn chỉ duy nhất trong hoạt động là đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho cổ đông và tăng trưởng bền vững. Làm kinh doanh không thể chạy theo đám đông, và phải dám chấp nhận thử thách. Chúng tôi luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, và nỗ lực dự báo tương lai để tận dụng các cơ hội ấy”.
"Chúng tôi luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn và nỗ lực dự báo tương lai để tận dụng các cơ hội ấy" - ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn FLC |
Trong vòng gần 1 tháng kể từ giữa tháng 3/2014, FLC liên tiếp công bố thông tin được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu công nghiệp quy mô lớn là dự án Khu công nghiệp Tam Dương II, Vĩnh Phúc với diện tích gần 400 héc-ta, quy mô đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng và dự án Khu công nghiệp Hòn La II, Quảng Bình có diện tích hơn 177 héc-ta, quy mô đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Chỉ đến lúc này, công chúng đầu tư ngoài FLC mới có thể giải thích được lý do vì sao, ngay đầu năm 2014, trang tin điện tử của FLC tràn ngập thông tin làm việc của lãnh đạo Tập đoàn với Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, như: Công ty Prima Meat Packers - đơn vị có 80 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm của Nhật Bản; Tập đoàn Shinshu Ham - tập đoàn chế biến thực phẩm lớn thứ 6 của Nhật Bản; Tập đoàn Kokusai Keike - tập đoàn hàng đầu về thương mại và đầu tư nước ngoài của Nhật; Tập đoàn Hokota Juki; Tập đoàn Rokutesou Industry…
Những thông điệp công bố trước đó liên quan đến việc FLC hỗ trợ xây dựng nhà máy, hợp tác phát triển bất động sản, khu công nghiệp… với các đối tác nước ngoài không phải thông tin theo kiểu… cho vui, mà đó là những bước đi xa, sự chuẩn bị của FLC cho việc hợp tác, kêu gọi nhà đầu tư cho các khu công nghiệp mà FLC sẽ triển khai trong thời gian tới.
Vẫn còn những băn khoăn của giới quan sát về hiệu quả của việc đầu tư sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, khi chủ đầu tư không ít khu công nghiệp đang rơi vào tình trạng lao đao. Thế nhưng, giống như cách đã làm với mảng bất động sản nhà ở, khu đô thị, FLC vẫn lặng lẽ tìm kiếm dự án. Thông điệp duy nhất mà Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra cho các cổ đông là: mọi hành động đều dựa trên nguyên tắc lợi ích của cổ đông, sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Dư luận có hoài nghi gì chăng nữa, thì ít nhất đến thời điểm này, FLC đã có được 3 yếu tố để kỳ vọng vào sự thành công 2 dự án trên, là: dự án có quỹ đất sạch, vị trí thuận lợi, và có tập khách hàng tiềm năng lớn! Hai yếu tố quyết định thành công còn lại là cơ chế thu hút đầu tư của địa phương và vĩ mô, có lẽ, nên chờ đến khi các khu công nghiệp này được đưa vào hoạt động. Còn yếu tố công nhân chất lượng cao cho các dự án, cứ để Cao đẳng nghề FLC lo!
Sự khác biệt trong cách nhìn đã bước đầu hé mở tương lai thành công của các dự án bất động sản đô thị, và có thể, cũng là kết quả của đầu tư bất động sản khu công nghiệp tại FLC.
Và gây sốc với bất động sản nghỉ dưỡng
Không quá khó để giải thích nguyên nhân đầu tư khu nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí, sân golf ở Thanh Hóa, do tình trạng quá tải của địa phương này vào mùa cao điểm du lịch. Thế nhưng kế hoạch đầu tư tới hơn 20.000 tỷ đồng vào đây lại gây sốc cho nhiều người, bởi Thanh Hóa dù là địa phương hút khách du lịch biển số 1 toàn miền Bắc và bắc Trung Bộ, vẫn là tỉnh có du lịch theo mùa, do chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
Trên thực tế, tham vọng biến du lịch Thanh Hóa thành du lịch 4 mùa của FLC hoàn toàn có cơ sở, nếu Tập đoàn duy trì được chất lượng dịch vụ thực sự đẳng cấp như định vị ban đầu, bởi đến thời điểm này, toàn miền Bắc và cả bắc miền Trung vẫn chưa có dự án nào quy mô và hoàn chỉnh như thế.
Ngay sau FLC Samson Golf Links & Resort, trào lưu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của các NĐT trong nước và quốc tế tại khu vực phía Bắc cũng bắt đầu bùng nổ, với hàng loạt dự án như: dự án resort 5 sao của Vingroup hay dự án Khu du lịch sinh thái của Lucky Cement Group tại Quảng Ninh; dự án nghỉ dưỡng tại Sapa, Lào Cai, dự án nghỉ dưỡng tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc... Điều này cho thấy, FLC đã có tầm nhìn xa hơn trong xu thế đầu tư này.
Đi đầu và là số 1 là 2 yếu tố giúp thành công rất lớn trong kinh doanh. Vấn đề còn lại với FLC lúc này là giải quyết bài toán nguồn vốn.
Với quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại xấp xỉ 2.700 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 1.540 tỷ đồng, kế hoạch tăng vốn lên trên 4.550 tỷ đồng (thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu) nếu thành công, thì FLC có thể sẽ vẫn phải dựa nhiều vào nguồn vốn bên ngoài. Rất có thể, FLC sẽ tiếp tục cần cách nghĩ khác và làm khác, như doanh nghiệp này lựa chọn danh mục đầu tư, để vẽ trọn bức tranh ông lớn ngành bất động sản.