Cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã minh chứng vai trò rất quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.
- Trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã có những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và hộ nghèo sinh sống ở vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Tài: Với mục tiêu từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho các hộ đồng bào, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc triển khai các nguồn vốn tín dụng chính sách đến 100% các xã vùng đồng bào DTTS&MN; cơ chế và chính sách cho vay, thủ tục, quy trình, hồ sơ đảm bảo cho các hộ được tiếp cận nhanh chóng vốn vay. Cùng với đó, với việc đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền cũng đã giúp cho người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương tín dụng chính sách, quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho các chương trình cho vay diễn ra thuận lợi.
Ông Trần Văn Tài – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình trao quà cứu trợ lũ lụt cho bà con đồng bào vùng khó khăn ở tỉnh này. |
Từ khi thành lập đến nay, Chi nhánh chúng tôi đã thực hiện cho vay đến vùng đồng bào DTTS&MN theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù như: Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2017 - 2020 và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.
Đặc biệt trong năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có chương trình cho vay về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ 2021 – 2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Để chính sách hỗ trợ đến với đúng đối tượng thụ hưởng, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã tham mưu UBND, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo các phòng giao dịch huyện phối hợp với Phòng Dân tộc, Văn phòng UBND các huyện tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai đến các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, xác định đối tượng trình UBND huyện phê duyệt.
Theo đó, 8/8 UBND huyện, thị xã, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan phối hợp với NHCSXH triển khai chủ trương tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Trong đó, có 5/8 đơn vị có xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN triển khai chương trình cho vay vùng DTTS&MN theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.
Đồng thời, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua mạng lưới hội tổ ở từng địa bàn các nội dung, chính sách ưu đãi sẽ được triển khai; cán bộ NHCSXH nơi cho vay đến từng hộ dân có trong danh sách đối tượng thụ hưởng để rà soát nhu cầu.
Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng nêu trên, các hộ DTTS nếu có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay tất cả các chương trình tín dụng đang triển khai tại NHCSXH.
Mô hình vay vốn NHCSXH để chăn nuôi bò tại xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. |
- Xin ông cho biết, những chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS và hộ nghèo sinh sống ở vùng miền núi đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và thoát nghèo ra sao?
Ông Trần Văn Tài: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% các thôn bản trong tỉnh và tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn vay không những giúp người DTTS làm quen với việc vay vốn sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức giúp bà con tự tin, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hoá, phát huy sự chủ động sáng tạo vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Cụ thể, doanh số cho vay đối với các chương trình tín dụng đồng bào DTTS&MN đạt gần 54 tỷ đồng với 7,9 ngàn lượt khách hàng được vay vốn. Đến nay, các chương trình chủ yếu hết giai đoạn thực hiện, NHCSXH đang theo dõi thu hồi nợ, dư nợ còn 24.631 triệu đồng với 941 khách hàng. Riêng chương trình cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP triển khai từ năm 2022 đang thực hiện có dư nợ đạt 10.630 triệu đồng với 200 khách hàng còn dư nợ.
Vậy những chính sách hỗ trợ tín dụng nói trên đã mang lại hiệu quả gì trong việc góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện khó khăn?
Ông Trần Văn Tài: Qua hơn 21 năm, hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Chương trình cho vay hộ nghèo giải ngân gần 3,3 ngàn tỷ đồng với hơn 235 ngàn lượt hộ được vay vốn, chương trình cho vay hộ cận nghèo giải ngân hơn 2,3 ngàn tỷ đồng với hơn 51,7 ngàn lượt hộ vay vốn.
Đời sống của bà con DTTS ở khu tái định cư bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Bình ngày càng được nâng cao nhờ chính sách chăm lo, hỗ trợ của chính quyền địa phương và nguồn vốn vay chính sách xã hội. |
Nguồn vốn đã góp phần giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo đặc biệt là đồng bào DTTS&MN có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Cũng từ đó, người dân được đảm bảo về cuộc sống, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các giai đoạn. Cụ thể: giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 25,17% xuống 7,23%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 14,42% xuống 3,24%; giai đoạn 2021 - 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 6,52% xuống 5,0% so với đầu giai đoạn.
Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp nông thôn khởi sắc, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, ổn định chính trị xã hội, đến cuối năm 2022, có 89/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Trong thời gian tới, để chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào DTTS và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hướng đến đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch và giải pháp ra sao?
Ông Trần Văn Tài: Để chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào DTTS hướng đến đúng đối tượng và hiệu quả, NHCSXH tỉnh Quảng Bình xác định sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW; Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2597/KH-UBND ngày 23/11/2021; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 185-CV/TU ngày 29/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi rộng rãi trong nhân dân nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng tập trung đông đồng bào DTTS để người dân biết, hiểu, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho họ.
Thăm và kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay NHCSXH để phát triển kinh tế tại vùng đồng bào DTTS&MN của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. |
Một giải pháp nữa cũng cần được lưu ý là việc phải tích cực phối hợp với cơ quan, ban ngành để triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!