Dàn tên lửa 'cổ lỗ sĩ' lập kỷ lục hạ gục F-117 'tàng hình'

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-125, vũ khí đã bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình F-117 của Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-125, vũ khí đã bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình F-117 của Mỹ.
(PLVN) - Ngày 27/3/1999, F-117, máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới của Mỹ đã bị bắn hạ bởi loại tên lửa được cho là lạc hậu do Liên Xô chế tạo trong Chiến tranh Kosovo.

Chiến tích bất ngờ

Lockheed F-117 Nighthawk, niềm tự hào của Không quân Mỹ, là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới, một kỳ tích công nghệ của Mỹ những năm 1990. Tuy nhiên, trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Nam Tư cũ năm 1999, một chiếc F-117 đã bị bắn hạ vào ngày 27/3/1999, chỉ 3 ngày sau khi Mỹ và NATO tiến hành chiến dịch không kích Nam Tư.

Đây cũng là chiếc máy bay tàng hình duy nhất bị bắn hạ trong chiến đấu cho đến nay. Điều đáng nói là F-117 bị bắn hạ bởi loại tên lửa phòng không do Liên Xô cũ sản xuất vào những năm 1960.

Đại tá về hưu Zoltan Dani, khi đó là chỉ huy khẩu đội số 3, thuộc lữ đoàn tên lửa 250, lực lượng phòng không Nam Tư trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của NATO. Đại tá Dani giải thích với Sputnik, rằng vào năm 1999, khẩu đội tên lửa do ông chỉ huy đã sử dụng radar trinh sát tầm xa, tần số thấp, bước sóng dài để theo dõi và phát hiện mục tiêu trên không.

“Các radar trinh sát bước sóng dài có thể phát hiện máy bay tàng hình dễ dàng. Do đó, chúng tôi có thể phát hiện kịp thời và đưa mục tiêu vào tầm ngắm. Nhưng chỉ đến khi máy bay cách chúng tôi 15 km, tôi mới ra lệnh khóa mục tiêu và chỉ thị cho xạ thủ Senad Muminovich nhấn nút phóng tên lửa và mục tiêu đã bị hạ”, đại tá Dani nhớ lại.

Vị cựu chỉ huy nói với Sputnik rằng họ đã sử dụng tên lửa phòng không tầm trung S-125 Neva, NATO định danh là SA-3 do Liên Xô sản xuất vào đầu những năm 1960. Tên lửa này được chuyển giao cho Nam Tư vào đầu những năm 1980.

“Điều quan trọng là chúng tôi đã quản lý để đảm bảo rằng tất cả thiết bị hoạt động tốt và chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống hoạt động thành công trong điều kiện chiến đấu, đem lại thành quả đáng kinh ngạc với việc F-117 bị bắn rơi”, đại tá Dani nói.

Một số nguồn tin cho biết thêm lực lượng phòng không Nam Tư đã chặn tín hiệu liên lạc hầu như không mã hóa và biết được đường bay mà máy bay của NATO sẽ bay qua. Điều đó cho phép họ triển khai khẩu đội tên lửa dọc theo đường bay để đón lõng mục tiêu.

Mặt khác, NATO đã chủ quan vào sức mạnh tuyệt đối của họ và sử dụng đường bay cố định trong những ngày đầu để không kích Nam Tư. Nói cách khác, lực lượng phòng không Serbia đã biết nơi nào và khi nào máy bay ném bom NATO sẽ tới.

Rất ít người biết về điều này, nhưng các binh sĩ của khẩu đội tên lửa số 3 đã không nhận ra rằng họ may mắn thế nào trong đêm 27/3. Đại tá Dani nhớ lại, sau khi mục tiêu bị hạ, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc đó là tắt tất cả thiết bị để kẻ thù không phát hiện.

“Chúng tôi chúc mừng lẫn nhau và thế là xong, cảm giác rất sung sướng như thể chúng tôi đã ghi bàn trong một trận đấu quan trọng. Vào buổi sáng hôm sau, một sĩ quan từ bộ chỉ huy cấp cao đến chức mừng và hỏi chúng tôi có biết đã bắn rơi thứ gì không. Tôi trả lời là không có ý kiến gì, một mục tiêu nào đó. Sau đó vị sĩ quan nói với chúng tôi đó là một chiếc F-117”, đại tá Dani chia sẻ.

Đối với người Serb, chiến tích này mang đến một sự lạc quan và cho họ sức mạnh tinh thần để chống lại NATO. Ở khắp mọi nơi xuất hiện hình ảnh dân làng Budanovci nhảy múa trên cánh của chiếc máy bay bị bắn rơi, kèm theo khẩu hiệu “Xin lỗi, chúng tôi không biết nó vô hình”.

Đại tá Dani cho biết thêm thành công không dựa trên bất kỳ sự khích lệ vật chất nào. Đó là một thứ hoàn toàn khác biệt, điều mà ít người ở các nước NATO có thể hiểu được.

“Điều quan trọng nhất là trong một đội cần có mối quan hệ tốt dựa trên niềm tin giữa chỉ huy và người thực hiện nhiệm vụ. Tinh thần và động lực yêu nước phải rất cao. Người dân sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ chúng tôi bằng mọi cách có thể”, đại tá Dani nói.

78 ngày sau khi đợt không kích của NATO bắt đầu, không ai nghĩ đến việc sẽ đầu hàng. “Ban đầu họ nghĩ có thể giải quyết mọi thứ trong 7 ngày. Nhưng rồi sau 50 ngày, chiến dịch chống Nam Tư bắt đầu hết hơi và hạ nhiệt. Hóa ra mọi thứ không phải như họ tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng nếu cuộc chiến đó kéo dài, nó có thể là khởi đầu cho sự sụp đổ của NATO. Ai đó sẽ bắt đầu đặt câu hỏi, tại sao nó lại cần thiết nếu nó không phục vụ cho mục đích ban đầu của họ”, đại tá Dani nói.

Giải cứu phi công

Trung tá Darrell Patrick "Dale" Zelko, phi công điều khiển chiếc F-117 xấu số đã kịp nhảy dù ra ngoài trước khi máy bay lao xuống đất. Ông phát tín hiệu cấp cứu và ẩn nấp trong một mương nước ở phía nam thị trấn Ruma, cách khoảng 1,6 km từ vị trí máy bay rơi.

Lực lượng đặc nhiệm Không quân Mỹ đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm cứu nạn được cho là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Việt Nam nhằm giải cứu phi công Zelko. Khoảng 8 giờ sau khi bị bắn hạ, Zelko được lực lượng cứu hộ tìm thấy và đưa lên trực thăng đến căn cứ ở Italy trước khi trở về Mỹ.

Mảnh vỡ buồng lái chiếc F-117 tại hiện trường bị bắn rơi.
Mảnh vỡ buồng lái chiếc F-117 tại hiện trường bị bắn rơi.

Đại tá Dani cho biết thêm từ ngày 27/3-1/5, NATO liên tục khảo sát khu vực Tây Syrmia, nơi chiếc F-117 bị bắn rơi. Họ không biết thứ gì có thể bắn hạ một máy bay tinh vi như vậy ở thời điểm đó.

12 năm sau khi chiến tranh Kosovo kết thúc, đạo diễn Zeljko Mirkovic đã thực hiện 2 bộ phim tài liệu về Zoltan Dani và Dale Zelko với tiêu đề “Giây thứ 21” vào năm 2009 và “Cuộc gặp gỡ thứ 2” vào năm 2013. Trong đó, “Cuộc gặp gỡ thứ 2” được mô tả là bộ phim ấm lòng về tình bạn và sự hòa giải.

Bản thân Zoltan Dani nói rằng ông đồng ý gặp mặt cựu kẻ thù nhờ cuốn sách về sự tha thứ của Patriarch Pavle. “Zelko nói với tôi rằng 6 tháng trước khi vụ ném bom bắt đầu, họ đã tập trung tại căn cứ ở New Mexico. Ngoài việc huấn luyện chiến đấu, họ còn bị tẩy não về mặt tâm lý. Họ được xem những bộ phim về tình hình tồi tệ ở Nam Tư. Họ nghĩ rằng họ đã đến để mang lại cho chúng tôi sự tự do”, ông Dani nói.

Khi Zelko đến Serbia để hợp tác quay phim, ông nói: “Tôi nghĩ họ đã lừa dối chúng tôi”. Dani và Zelko đều không còn phục vụ trong quân đội. Dani có một tiệm bánh nhỏ ở Skorenovac, tỉnh Vojvodina, Serbia. Ông lưu giữ một phần chiếc F-117 bị bắn rơi. Nhiều người đã trả giá cao nhưng ông không bán. 

Phần lớn những gì còn lại của chiếc F-117 bị bắn rơi được trưng bày ở Bảo tàng Hàng không tại sân bay Nikola Tesla ở Belgrade, thủ đô của Serbia.

Các chuyên gia không sử dụng thuật ngữ "vô hình" trong việc ứng dụng công nghệ tàng hình. Không thể sử dụng các phương tiện hiện đại để biến máy bay hay tên lửa thành vô hình. Chỉ có thể giảm khả năng phát hiện các phương tiện này trên màn hình radar. Đây là gót chân Asin đầu tiên của máy bay tàng hình: chúng vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ người sử dụng các hệ thống phòng không vác vai (MANPAD) tầm ngắn.

Và tên lửa của hệ thống này, trang bị đầu dẫn đường bằng sóng vô tuyến, vẫn có thể "thấy" máy bay. MANPAD hiện đại sử dụng kết hợp cả công nghệ quang học, hồng ngoại, laser và ở đây công nghệ tàng hình bị vô hiệu hóa. Một yếu tố khác là mong muốn bắn hạ máy bay địch khi nó đang bay tới, chứ không phải khi nó đã bay trên đầu.

Dành cho mục đích này có các radar cảnh báo sớm. Nếu không tính tới hệ thống phòng thủ tên lửa, radar tầm trung của Mỹ có thể phát hiện máy bay ở khoảng cách 300 km. Công nghệ tàng hình có thể giảm bớt khoảng cách phát hiện này song với cái giá như thế nào? 

Để phát tán sóng radar, các góc cạnh trên máy bay được uốn phẳng. Thiết kế này gọi là facet. Tại đây, người ta thay kim loại bằng vật liệu cácbon và sử dụng vật liệu có thể hấp thụ sóng radio. Để giấu các máy nén của động cơ - một trong những chi tiết kim loại dễ phát hiện nhất trên máy bay - trước các máy nén này, người ta đặt các thiết bị khuếch tán đặc biệt để loại bỏ tín hiệu radar.

Các mũi phẳng tạo ra dải lửa dài để giảm khả năng nhận biết trong dải hồng ngoại. Để tàng hình tốt hơn cho dòng khí động học, người ta bổ sung thêm các ống hút khí làm mát. Đuôi máy bay thông thường được thay thế bằng đuôi "bướm" hình chữ V để radar khó phát hiện. Ngay cả tựa ghế ngồi phi công cũng được gấp nếp để tản sóng radar. 

Vì thế, máy bay tàng hình với các tính năng chiến đấu không cao. Nó không thể mang nhiều vũ khí vì mọi vũ khí phải được giấu trong thân. Tốc độ và tầm hoạt động của máy bay bị hạn chế. Phải rất thận trọng khi sử dụng radar trên máy bay vì đây là nguồn phát sóng dễ bị phát hiện.

F-117, vì khả năng tàng hình, đã hy sinh nhiều thứ. Được chế tạo theo mô hình "cánh bay", máy bay này không linh hoạt và không đạt tốc độ siêu âm. Night Hawk không có radar và các hệ thống chiến tranh điện tử. Vì vậy nó dễ bị tấn công từ trên không và dưới mặt đất. Dù sử dụng hệ thống tự động và điều khiển bằng những phi công kinh nghiệm nhất, 6/64 chiếc F-117 được chế tạo đã rơi khi bay huấn luyện.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.