Theo đánh giá của các chuyên gia về dân số, hơn 50 năm qua, nhờ thực hiện thành công cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở nước ta đã gặt hái được những thành quả rất to lớn.
Nếu số con trung bình của một phụ nữ có chồng ở giai đoạn 1969 - 1974 là 6,1 con thì nay Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế 2,1 con, giúp tăng bình quân GDP, xóa đói giảm nghèo, cải thiện giáo dục, y tế góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa Việt Nam gia nhập nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình…
Cái khó của “bài toán mẹ”
Bàn về vấn đề quan trọng này, TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là một tổng kết hoàn toàn đúng đắn, khách quan. Theo nhận xét của TS. Bùi Ngọc Thanh, chỉ nói riêng về kinh tế - xã hội thì dân số là bài toán tổng thể - “bài toán mẹ” của tất cả các bài toán chi tiết.
Dân số là bài toán của cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá giao thông; an ninh lương thực, thực phẩm; giáo dục, đào tạo; y tế, khám, chữa bệnh; lao động, việc làm; môi trường, nước sạch nông thôn, miền núi. Không chỉ có vậy, dân số còn là bài toán của xóa đói giảm nghèo; an sinh xã hội, cứu trợ xã hội. Chính vì vậy, ông Thanh khẳng định, dân số quá đông sẽ gây áp lực rất lớn đến hạ tầng cơ sở và an sinh xã hội.
Thực tế, theo tính toán của các chuyên gia và quản lý về DS – KHHGĐ, khi thế giới có 3 tỷ người thì Việt Nam mới có hơn 30 triệu người. Nay thế giới có hơn 7 tỷ người thì Việt Nam đã có hơn 90 triệu người.
Nghĩa là trong vòng 50 năm qua, dân số thế giới tăng gấp 2,33 lần, còn dân số Việt Nam tăng gấp 2,91 lần. Hiện tại, quy mô dân số của Việt Nam vẫn đang đứng thứ 13 trong các nước trên thế giới, với mật độ dân số là 273 người/km2 - đứng thứ 3 trong khu vực và đứng thứ 16/51 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á.
Để đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội như hiện tại, nếu tốc độ phát triển dân số là 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đương phải đạt 4%. Ai cũng biết, quyền sinh đẻ là của mỗi người, nhưng chúng ta cũng phải hiểu mức sinh quá cao và quá thấp đều dẫn đến hệ quả không thể lường trước.
Và chúng ta không thể không lo ngại trước bức tranh dân số đang có những diễn biến khó lường như hiện tại (mức sinh ở nhiều nơi vẫn còn khá cao, nhưng có những tỉnh, thành mức sinh lại có xu hướng hạ xuống quá thấp; các khu vực có mức sinh cao tập trung ở vùng khó khăn, vùng sâu, xa, miền núi, kém phát triển, những đối tượng “ngại” sinh thì lại co cụm tại các tỉnh, thành phát triển…).
Điều cơ quan chức năng lo ngại không kém đó là thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng có xu hướng gia tăng; nhiều nơi mức sinh vẫn còn quá cao, các chương trình can thiệp chưa mấy hiệu quả nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này lại bị tụt giảm một cách nghiêm trọng…
Mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới ở Hà Nội |
Theo đại diện Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết, từ trước đến nay công tác DS-KHHGĐ là một cuộc vận động xã hội rộng lớn để cho các cặp vợ chồng quyết định số lượng con, khoảng cách và thời điểm sinh con phù hợp với chính sách DS-KHHGĐ. Đảng và Nhà nước từ trước đến nay rất quan tâm đến cuộc vận động này.
Chúng ta đã giữ được mức sinh thay thế trong suốt 10 năm qua. Đây là một thắng lợi rất lớn của công tác dân số. Ở nhiều nước trên thế giới, việc thực hiện chính sách dân số không phải là điều dễ dàng. Nhiều nước đã buộc phải dùng biện pháp hà khắc để hạn chế mức sinh, nhiều nước khác lại thất bại trong việc khuyến sinh…
Chính vì vậy, trước một bài toán dân số tổng thể, phức tạp vô cùng khó giải như hiện nay, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế thời điểm này là: “Dù đã đạt mức sinh thay thế nhưng công tác DS-KHHGĐ luôn linh hoạt đối với từng vùng, miền”.
Từ quan điểm khá rõ ràng và nhất quán đó, các nhà quản lý đưa ra phương án: với các tỉnh có mức sinh cao, chưa đạt mức sinh thay thế vẫn cần hạ mức sinh và phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Những nơi mức sinh xuống thấp như TP.HCM, miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long thì lại áp dụng giải pháp duy trì mức sinh không giảm nữa, rồi từng bước nâng dần lên… Phù hợp với các giải pháp trên, mỗi vùng, khu vực sẽ đưa ra các khẩu hiệu phù hợp: “Chỉ nên có 1 đến 2 con”; “Nên dừng ở 2 con để nuôi dạy cho tốt!” hoặc “Nên sinh đủ 2 con”…
Liên quan đến vấn đề quy định số con, có nên nới lỏng mức sinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ Nguyễn Văn Tân cho biết, vấn đề quyết định số con, KHHGĐ là dựa trên sự tự nguyện của các cặp vợ chồng, không thể áp đặt hay bắt buộc. Đó cũng là quyền sinh sản của mỗi người, pháp luật không quy định.
Chính vì pháp luật không quy định nên việc đưa ra các chế tài xử phạt là không thể. Việc chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đưa ra các giải pháp để hạn chế mức sinh (kỷ luật Đảng, phạt hành chính; thực hiện các biện pháp KHHGĐ…) chỉ là các giải pháp hành chính.
Việc đưa ra các khẩu hiệu cũng chỉ là để vận động, khuyến khích người dân hiểu và thực hiện đúng. Tuy nhiên, ông Tân cho rằng người dân cũng không nên hiểu “vợ chồng có quyền quy định thời gian, số con…” để sinh con một cách “vô tội vạ” dẫn đến những hệ lụy không thể lường hết được.