Nổi tiếng vì… ung thư
Thôn Mỵ Thanh nằm cách trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình) chưa đầy 1km, được dân trong vùng gọi là “làng ung thư”. Theo lời một cán bộ trên địa bàn, mầm mống bệnh tật ở Mỵ Thanh đã âm ỉ nhen nhóm hàng chục năm trước, đến năm 2013 mới bộc phát mạnh.
Về lịch sử, đời sống cư dân vùng này mới được định hình từ khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước. Trước đó, Mỵ Thanh nằm hoàn toàn trên vùng đất thuộc đội sản xuất số 5, Nông trường Thanh Hà cũ. Sau khi nông trường giải thể, hàng chục hécta đất nông trường được chia lô bán lại cho công nhân. Bởi thế, dân ở Mỵ Thanh đều thuộc “ngạch” di cư hoặc công nhân nông trường.
Nhiều người ví von chua chát rằng, nếu Nông trường Thanh Hà trước đây nổi tiếng với việc chuyên canh cây cam bao nhiêu thì giờ đây người dân sống trên đất ấy cũng “có tiếng” vì ung thư bấy nhiêu. Bằng chứng là chỉ trong khoảng thời gian hơn một năm, hàng chục con người ở Mỵ Thanh bỗng dưng… quỵ rạp, sống lay lắt trong bệnh tật. Nghiêm trọng hơn nữa là nhiều trường hợp đã tử vong do ung thư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ thôn nhẩm đếm: “Cách đây ít năm, bà Nguyễn Thị Lái (49 tuổi) chết vì ung thư vòm họng. Riêng năm ngoái, có hai người nối nhau chết cũng vì ung thư, bà Võ Thị Hạnh bị ung thư gan, bà Nguyễn Thị Hà bị ung thư cổ tử cung, đều mới hơn 40 tuổi. Hiện tại còn nhiều trường hợp người dân mắc các bệnh về da, máu, nội tạng”.
Bệnh tật đeo đẳng khiến cuộc sống của người dân vùng này càng trở nên khốn khó. Hơn 320 nhân khẩu trong vùng phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, thu nhập bình quân chưa được 14 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 10%. Dân nghèo không có tiền đi viện khám chữa, vì thế khi phát hiện bệnh, họ gần như bất lực… chịu chết.
Nước giếng bốc mùi thuốc sâu
Trước tình trạng hàng chục người gần như cùng lúc phát bệnh, người dân hoảng hốt đoán nguyên nhân “ám” họ chính là từ kho thuốc trừ sâu cũ của Nông trường Thanh Hà.
Theo tìm hiểu, kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật này được xây dựng vào khoảng năm 1965. Thời điểm đó, diện tích khu vực kho được mở rộng tới gần 3000m2. Đến nay kho thuốc thu hẹp chỉ rộng khoảng 300m2 và hoàn toàn không còn công năng sử dụng. Vén lớp cỏ che phủ kho thuốc, anh Phạm Thế Hiển (44 tuổi) cho biết: Nơi đây chứa nhiều loại hóa chất độc hại bảng A như vofatoc, DT 666 dạng bột, dạng sữa, B 58… Trước đây khi chưa dọn dẹp thì số thuốc tồn lưu trên được xếp la liệt trong các bao tải. Thời gian lưu trữ kéo dài, khâu bảo quản kém nên khi dân trong vùng dọn dẹp nhà kho để trưng dụng làm nơi chứa xe tang thì số thuốc độc cũng kịp theo mưa nắng ngấm sâu xuống lòng đất.
Anh Hiển than thở: “Tôi chắc chắn các loại thuốc sâu ấy đã ngấm vào mạch nước ngầm. Từ khi vợ tôi phải đi mổ ung thư cổ tử cung thì cả nhà không dám sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt nữa, hàng ngày phải đi vào doanh trại bộ đội cách xa cả cây số để xin nước ăn. Nước bị ô nhiễm đã đành, không khí quanh kho thuốc mỗi khi trời chuyển nồm nắng là mùi thuốc sâu tỏa ra vô cùng khó chịu”.
Bà Hồ Thị Ngạn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mỵ Thanh cho biết, phần lớn chị em phụ nữ sống quanh kho thuốc đều nhiễm các bệnh phụ khoa, nhiều trường hợp đã phát bệnh ung thư cổ tử cung.
Giếng nước của hộ anh Nguyễn Văn Khải tỏa mùi thuốc sâu nồng nặc phải bịt kín. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm: Khoảng đầu năm 2013, một đoàn cán bộ đã lấy mẫu nước giếng khoan trên địa bàn để phân tích mức độ ảnh hưởng. Kết quả có tới 99% giếng trong vùng không đạt tiêu chuẩn, trong đó 25 hộ dân quanh kho thuốc chịu ảnh hưởng nặng nhất. Không ít trường hợp như gia đình ông Phạm Hồng Phát múc nước từ giếng lên mà mùi thuốc trừ sâu vẫn nồng nặc.
Hoang mang “dịch tử thần”
Ở Mỵ Thanh có không ít gia đình 2, 3 thế hệ mắc ung thư, điển hình là trường hợp gia đình bà Hoàng Thị Non (74 tuổi). Bà Non có người con gái là Nguyễn Thị Hà bị ung thư cổ tử cung, qua đời năm 2013 khi mới qua ngưỡng tuổi 40.
Con gái mất chưa lâu, bản thân bà Non cũng bộc phát liên tiếp nhiều chứng bệnh như dạ dày, cao huyết áp… da sạm đen, tóc rụng từng mảng, bác sỹ nói bà mắc bệnh ung thư máu, thời gian sống chỉ được thêm vài ba năm. Không khí gia đình bà Non càng u ám hơn khi đứa cháu trai Nguyễn Quang Huy (SN 2006) cũng phát bệnh giống bà, tóc tai bỗng dưng rụng từng mảng lớn, da tím tái, thâm xám.
Ung thư phát triển nhanh ở Mỵ Thanh đến mức người dân gọi là “dịch”. “Nếu Nhà nước tổ chức một cuộc khám sức khỏe tổng thể toàn dân Mỵ Thanh thì tôi chắc chắn con số người dân bị ung thư còn cao hơn”- bà Hồ Thị Ngạn khẳng định.
Người dân Mỵ Thanh đều không dám sử dụng các giếng nước để phục vụ sinh hoạt vì sợ thuốc trừ sâu đã ngấm vào mạch nước. Gần như nhà nào cũng tự xây một bể chứa để hứng nước mưa. Bà Võ Thị Mai (56 tuổi) cho biết: “Sau khi phát hiện tôi bị ung thư vú, gia đình đã dừng ngay việc dùng nước giếng để ăn uống. Để đảm bảo sức khỏe, nhà tôi phải đi vay ngân hàng hơn 30 triệu đồng xây bể chứa nước mưa. Nước giếng giờ chỉ còn dùng để tưới vườn”.
Những giếng nước ngầm không còn được sử dụng bị đóng kín. |
Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng Trạm Y tế xã Mỵ Hòa khẳng định, trường hợp người dân mắc ung thư ở Mỵ Thanh đang có chiều hướng tăng đột biến. Trung bình lượt khám tại Trạm Y tế 6 tháng đầu năm là 1.737 người, trong số đó chủ yếu là phụ nữ đến khám và điều trị các bệnh phụ khoa. Riêng ở Mỵ Thanh, số lượt người mắc ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Độ tuổi mắc là từ 45 đến 70.
Lần giở cuốn sổ thống kê lượt người bệnh và tử vong của trạm, cán bộ y tế Phạm Thị Thủy cho biết: “Phú Mỵ và Mỵ Thanh nằm giáp ranh, địa bàn này có số lượng người chết vì ung thư tăng cao nhất toàn xã. Riêng từ tháng 6/2013 có 5 người qua đời vì ung thư, đến tháng 3/2014 cũng có 5 trường hợp”.
Xác thực vấn đề này, ông Hà Công Tiến - Phó Chủ tịch xã Mỵ Hòa thừa nhận: “Trên địa bàn Mỵ Thanh gần đây xuất hiện nhiều bệnh lạ không rõ nguyên nhân, người dân phải đi xin nước sinh hoạt, không dùng nước giếng khoan. Hiện cơ quan chức năng các cấp đang nỗ lực cùng địa phương triển khai xây dựng hệ thống nước sạch cứu nguy cho nhân dân Mỵ Thanh”.