Dân đói khổ, vua vẫn “chơi trội” sắm cho mỗi bà vợ 1 xe BMW thể thao

Vua Mswati III.
Vua Mswati III.
(PLO) - Giữa thế giới hiện đại nhưng ở đất nước eSwatini (tên cũ là Swaziland), nhà vua vẫn có quyền tiêu xài hoang phí, chọn vợ tùy thích.

18 tuổi đã lên ngôi

Vua Mswati III sinh năm 1968, có tên khai sinh là Makhosetive, là con của Vua Sobhuza II và Hoàng hậu Ntombi Tfwala. Khi còn nhỏ, nhà vua tương lai học ở các cơ sở giáo dục tốt nhất trong nước trước khi tới Anh du học ở bậc trung học. 

Tháng 8/1982, Nhà Vua Sobhuza II qua đời. Hội đồng nhà nước eSwatini sau đó đã chọn Makhosetive trở thành người kế vị. Ông chính thức lên ngôi vào năm 1986, lấy hiệu là Vua Mswati III. Tròn 18 tuổi, Makhosetive trở thành nhà vua trẻ nhất trên thế giới lúc bấy giờ, cũng là người đứng đầu nhà nước ít tuổi nhất. 

Là vị vua chuyên chế tuyệt đối cuối cùng của thế giới, Vua Mswati III có quyền giải tán các đảng và phủ quyết bất cứ đạo luật nào đã được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, ông cũng có quyền chọn thủ tướng, các vị trí cấp cao nhất trong chính phủ cũng như hoàng gia. Trên lý thuyết, eSwatini có thủ tướng nhưng nhà vua vẫn có quyền điều hành tối cao. 

Sau khi lên nắm quyền, dù còn trẻ nhưng Vua Mswati III đã nhanh chóng có những động thái nhằm củng cố quyền lực. Trong vòng 1 tháng kể từ khi lên ngôi, ông đã giải tán Hội đồng tư vấn cho nhà vua Liqoqo – cơ quan có quyền lực mạnh mẽ nhất ở eSwatini. Vị vua trẻ cũng chỉ định thủ tướng mới và cải tổ nội các, bổ nhiệm 2 anh trai được ông ta tin cậy vào những vị trí quan trọng trong chính phủ. 

Dưới thời Mswati, eSwatini đã có một số thay đổi trong chính phủ và hệ thống chính trị nhưng người ta cho rằng tất cả những thay đổi đó đều chỉ nhằm mục đích củng cố và duy trì trật tự truyền thống. 

eSwatini trong nhiều năm liền được mô tả là chìm trong sự vô kỷ luật, tham nhũng tràn lan trong chính phủ trong khi hoàng tộc duy trì cuộc sống xa hoa quá mức, đẩy đất nước tới tình trạng bên bờ vực thảm họa kinh tế. 

Ngoài ra, đế chế của Vua Mswati III cũng bị chỉ trích vi phạm nhân quyền, phân biệt đối xử còn hệ thống tòa án trở nên tê liệt trước những vi phạm của nhà vua hay các quan chức trong chính phủ và hoàng tộc. 

Duy trì chế độ đa thê ở eSwatini, Vua Mswati III có quyền lấy nhiều vợ. Đến nay, ông đang có tổng cộng 15 bà vợ và 23 con dù vẫn ít hơn vua cha có đến 125 vợ và hơn 300 người con. 2 người vợ đầu của Vua Mswati III do Hội đồng tư vấn quốc gia tuyển chọn theo các quy tắc nghiêm ngặt còn những người vợ sau được nhà vua chọn theo sở thích. 

Mswati III bị cáo buộc đã biến lễ hội truyền thống Umhlanga thành những cuộc tuyển chọn vợ. Tại lễ hội được tổ chức vào tháng 8 hoặc tháng 9 hàng năm và kéo dài trong 8 ngày này, những cô gái còn trinh tiết trên khắp eSwatini sẽ đổ về thủ đô để biểu diễn điệu nhảy sậy truyền thống với hy vọng có thể lọt vào mắt xanh của nhà vua. 

Theo truyền thống, những cô gái được vua lựa chọn sẽ trở thành hôn thê của vua. Tuy nhiên, họ chỉ có thể được tổ chức hôn lễ chính thức sau khi đã có bầu, chứng tỏ họ có thể sinh con cho hoàng tộc. Chính vì vậy Vua Mswati III đã liên tục vướng vào những cáo buộc bắt cóc phụ nữ nhưng tòa án của eSwatini chưa từng đưa vụ việc nào ra xem xét. 

Năm 2001, khi đại dịch HIV/AIDS lan tràn ở eSwatini, nhà vua đã sử dụng quyền lực của mình để khôi phục một nghi thức về trinh tiết, theo đó cấm những thiếu nữ eSwatini dưới 18 tuổi quan hệ tình dục trong 5 năm, từ ngày 9/9/2001 tới ngày 19/8/2005. 

Ấy thế nhưng, chỉ 2 tháng sau khi lệnh cấm được ban ra, chính nhà vua lại đã vi phạm sắc lệnh này khi làm người vợ thứ 13 của mình có bầu. Theo đúng quy định truyền thống, nhà vua khi đó đã phải chấp nhận nộp phạt một con bò. 

Dân đói rách, vua vẫn sống xa xỉ

Vua Mswati III thường xuyên bị chỉ trích vì lối sống xa hoa của mình trong khi người dân của ông ta thì sống trong cảnh nghèo đói. Trong tổng ngân sách quốc gia của năm 2014, Quốc hội eSwatini đã phân bổ đến 61 triệu USD cho việc chi tiêu cả năm của gia đình nhà vua. Điều đáng nói ở đây là vào thời điểm này có đến 63% người eSwatini sống với mức chi tiêu dưới 1,25 USD mỗi ngày.

Năm 2002, Vua Mswati III gây sóng gió khắp eSwatini khi yêu cầu Quốc hội chi đến 50 triệu USD để mua một chiếc máy bay phục vụ cho việc đi lại của Hoàng gia. 

Tuy nhiên, sau làn sóng biểu tình quy mô lớn trên khắp cả nước, Quốc hội eSwatini đã không thông qua kế hoạch mua sắm này. Đây cũng là lần hiếm hoi Mswati III nhượng bộ trước Quốc hội. Đến năm 2004, Vua Mswati III lại yêu cầu Quốc hội duyệt khoản chi 15 triệu USD để trang trí lại các tòa nhà chính trong cung điện và xây thêm 11 điện khác cho 11 bà vợ của ông ta.

3 trong số các bà vợ của Vua Mswati III
 3 trong số các bà vợ của Vua Mswati III

Năm 2005, Vua Mswati III trở thành tâm điểm của dư luận khi bỏ ra đến 820.000 USD mua 10 chiếc xe hơi BMW thể thao serie 5 cho 10 bà vợ chính thức mà ông ta có lúc bấy giờ. Việc mua sắm này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi bản thân ông đã sắm cho mình một chiếc Maybach 62 được trang bị tivi, đầu DVD, hệ thống âm thanh vòm, máy lạnh và điện thoại không dây trị giá lên tới 500.000 USD. 

Năm 2008, hàng nghìn người dân eSwatini đã biểu tình khắp thủ đô sau khi biết được số tiền khổng lồ mà 9 bà vợ của nhà vua đã ngốn của ngân sách trong một chuyến mua sắm ở nước ngoài. 

Mặc dù vậy, đến tháng 4/2012, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 44, Vua Mswati III vẫn sở hữu một chiếc máy bay 2 động cơ DC-9 như mong muốn. Người phát ngôn Chính phủ eSwatini lúc bấy giờ xác nhận chiếc máy bay để phục vụ cho việc đi lại của nhà vua và các bà vợ của ông. Các yêu cầu công khai tên của những người tặng quà và giá trị của chiếc máy bay đều đã bị Hoàng gia eSwatini bỏ qua. 

Thời điểm Vua Mswati III có máy bay mới để sử dụng là lúc eSwatini đang trải qua khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Người đứng đầu nước này đã không thèm đếm xỉa đến những lập luận cho rằng trong bối cảnh như vậy lẽ ra ông ta nên từ chối chiếc máy bay để đổi lấy các khoản viện trợ hỗ trợ sự phát triển của đất nước.

Năm 2009, Vua Mswati III được tạp chí Forbes bình chọn là người giàu thứ 15 trong số các thành viên hoàng tộc trên thế giới. Theo thống kê, tài sản của Vua Mswati III khi đó ước đạt 200 triệu USD. 

Đổi tên nước mừng sinh nhật

Trong tuần qua, Vua Mswati III lại được nhắc đến nhiều trên thế giới khi quyết định đổi tên nước từ Swaziland thành eSwatini – một từ bản địa có nghĩa là vùng đất của người Swazi. 

Theo lý giải của Vua Mswati III, việc đổi tên là do ông đã phát chán với việc nhiều người nhầm lẫn Swaziland thành Switzerland (Thụy Sỹ). 

“Khi đi ra nước ngoài, người ta hay nhầm đất nước của chúng ta là Thụy Sỹ. Các nước châu Phi sau khi giành độc lập đã quay trở lại với tên cũ. Vì vậy, từ nay, đất nước này sẽ có tên chính thức là Vương quốc eSwatini”, Vua Mswati III phát biểu lễ kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của eSwatini tại thành phố Manzini.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý do còn nguyên nhân thực sự đằng sau việc đổi tên là do nhà vua muốn làm điều đặc biệt để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của ông ta (ngày 19/4/2018). 

Với quyết định đổi tên của Vua Mswati III, bản đồ thế giới sẽ phải sửa đổi lại. Hãng hàng không quốc gia Swaziland Airlink tới đây có thể sẽ đổi tên. Điều tương tự cũng đặt ra đối với đồng tiền có in tên Ngân hàng Trung ương Swaziland, cũng như tên miền internet quốc gia của nước này.

Còn điều duy nhất không thay đổi có lẽ là việc người dân vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó còn nhà vua của họ cùng những người thân tín tiếp tục sống xa hoa, bất chấp dư luận.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.