Dân cười, xã khóc ở làng tỉ phú sơ chế ốc bươu vàng

Hàng bao tải vỏ ốc vẫn bị đổ trộm ra đường làng
Hàng bao tải vỏ ốc vẫn bị đổ trộm ra đường làng
(PLO) - Vỏ ốc tràn ngập dọc vệ  đường, ven đê, khu nghĩa địa, trôi nổi xuống cả đồng ruộng, nằm ngổn ngang, bốc mùi tanh nồng. Ruồi nhặng bám bu. Đây là “tàn tích” của “trận chiến” bà con nơi này thu gom ốc bươu vàng bán cho thương lái. Đây cũng là cách dân làng “định vị thương hiệu” “có một không hai”: Làng ốc bươu vàng đất Bắc.
Sơ chế ốc bươu vàng thu tiền tỉ
Ốc bươu vàng từng là nỗi ám ảnh của nông dân trồng lúa, thế nhưng gần đây sinh vật ngoại lai này đã trở thành nguồn thu nhập “khủng” của người dân làng Cấn Thượng (xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội).
Chỉ tay vào đống vỏ ốc bên vệ đường, một người dân làng Cấn Thượng cho hay: “Đống vỏ này từ tháng trước. Đây còn là ít chứ khi vào vụ, vỏ ốc chất đống gấp mấy chục lần thế này”. 
Hiện cả làng đang nhàn rỗi vì thương lái hẹn sang tháng tiếp tục lấy hàng. Trong lúc chờ thương lái, người dân mang những chậu ốc bày ở hai bên đường đại lộ Thăng Long bán cho đỡ “nhớ nghề”.
Lâu nay, người dân Cấn Thượng sống chủ yếu bằng nghề nông, mỗi năm một, hai vụ lúa, thu nhập bấp bênh. Cho đến năm 2009, có lái buôn ở xa tới một gia đình trong làng đặt hàng thu mua ốc bươu vàng. Họ yêu cầu gia đình này sơ chế ốc. Họ chỉ lấy phần đầu ốc, ruột và vỏ bỏ đi. Mỗi kg ốc thành phẩm có giá tới 23 nghìn đồng. 
Khi ấy, ốc bươu vàng tràn lan ở khắp các ruộng mương, nhặt không xuể. Chỉ trong vòng một ngày, gia đình nọ đã đi bắt ốc, sơ chế được hàng tạ. Công việc này không đòi hỏi kỳ công, chỉ cần một cái bao tải, một cái rổ cộng với sự cần cù, chăm chỉ. 
Một ngày đi bắt ốc,  kiếm được hơn cả triệu đồng “tiền tươi”, bằng cấy cả sào lúa trong vòng mấy tháng. Mức thu nhập quá “khủng” so với việc làm ruộng khiến người làng sững sờ. 
Sau lần đó, “đơn đặt hàng” tới tấp đến với cả làng. Chẳng ai bảo ai, cứ tờ mờ sáng, dân làng kéo nhau đi  bắt ốc. Nghề nông được thay thế bằng việc bắt ốc và nhể ốc. Việc sơ chế khá đơn giản. Thương lái chỉ thu mua đầu ốc. Dân làng phải đun nước, luộc ốc, khêu ốc. Ốc thành phẩm được cho vào hộp xốp ướp đá. 5kg ốc tươi cho 1kg đầu ốc, giá thành phẩm 20.000- 30.000 đồng/kg.
Nhiều gia đình phối hợp nhịp nhàng. Bố mẹ đi bắt ốc, con ở nhà đun nước sẵn sàng đợi “hàng” về sơ chế. Trung bình mỗi gia đình kiếm được 500- 700 nghìn đồng/ngày. Kiếm tiền “ngon ăn”, nhà nhà bắt ốc, người người nhể ốc. Có ngày cao điểm, hàng nghìn người dân ùa nhau xuống ruộng.
Lợi nhuận cao khiến người dân chẳng cần quan tâm tới việc thương lái bán ốc đi đâu. Một số người cho rằng, ốc thành phẩm có thể được mang lên tiêu thụ tại các quán ăn ở thành phố lớn, nhất là trung tâm Hà Nội. Tại đây, họ sẽ biến ốc bươu vàng thành món bún ốc nhồi thơm ngon. 
Người dân sống nhờ ốc và phớt lờ tác hại môi trường
 Người dân sống nhờ ốc và phớt lờ tác hại môi trường
Giải thích cho nhận định này, một người dân cho biết: “Thương lái yêu cầu chúng tôi nhể ruột ốc bươu vàng ra, xẻ miệng lấy dạ dày vứt đi rồi thái đôi miệng con ốc. Khi đó, nếu ướp gia vị xào chín rồi cho vào bát bún, người ăn sẽ không thể nhận ra đó là ốc bươu vàng”. 
Có kẻ lại đoán, ốc bươu vàng sẽ “chu du” sang nước bạn, làm món “chả ốc” hay phục vụ các chiết xuất làm mỹ phẩm, trắng da. Tuy thế, những đồn đoán dù đúng hay sai, dân làng chả buồn quan tâm. Họ quan tâm mỗi việc, bán được bao nhiêu tấn ốc, thu về bao nhiêu tiền. 
"Dở khóc dở cười" vì vỏ ốc “quây” làng
Sau nhiều năm “khai thác”, ốc bươu ruộng làng dần cạn kiệt, dân Cấn Thượng lại hò nhau sang làng bên tìm mua ốc. Thậm chí, họ còn thu mua ốc bươu vàng từ một số tỉnh phía Bắc như: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương… 
Làng Cấn Thượng bỗng biến thành nơi thu mua, sơ chế ốc nổi tiếng khắp vùng. Từng bao tải ốc bươu vàng kìn kìn đổ về làng. Từng hộp xốp ốc thành phẩm hối hả chở đi. Mỗi ngày, hàng tấn ốc được thu gom thu về hàng trăm triệu đồng. Cứ thế, suốt 4 năm nay, dân Cấn Thượng “ăn ngủ” cùng ốc bươu vàng.
Ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch xã Cấn Hữu cho hay: Đúng là nằm mơ dân làng không bao giờ nghĩ rằng, vật ngoại lai phá hoại mùa màng, gây “thất kinh” cho nông dân lại mang đến cho họ tiền tỷ. Chỉ tính trung bình, thu nhập mỗi hộ gia đình gần 400 triệu/năm. 
4 năm ròng, mỗi hộ thu về bạc tỉ. Kinh tế phát triển trông thấy. Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố dần thay thế những ngôi nhà lụp xụp thuở nào. Có điều, nhà to bao nhiêu, môi trường xuống cấp bấy nhiêu.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành nỗi ám ảnh với chính quyền nơi đây. Những phần không sử dụng được của ốc bươu vàng như: vỏ ốc, nhân vàng bên trong lưỡi ốc, ruột ốc… bị người dân đổ tràn lan ven các con đường, trên kênh mương. Khách lạ tới thăm làng thường phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi thứ mùi kinh khủng ấy. 
Sau mỗi ngày chế biến ốc, vương vãi các “phụ phẩm” như nước luộc, vảy, ruột, phân ốc, làm đường đi nhầy nhụa, ruồi muỗi bay vo vo rất mất vệ sinh. Kênh rạch thoát nước đen đặc, bốc mùi tanh, tiềm ẩn dịch bệnh. Trời nắng, ruột ốc phân hủy nhanh, bốc mùi hôi thối. Trời mưa, vỏ ốc theo các kênh mương trôi xuống ruộng đồng.  
Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền xã “mất ăn, mất ngủ”, phải nhờ huyện “chi viện” xe rác chuyên đổ vỏ ốc mỗi ngày. “Xe 18 tấn, xúc mỗi ngày mà chẳng ăn thua. Cứ xúc xong, dân lại đổ tràn ra đường, ra ruộng”, ông Hùng bức xúc.
Dân cười, xã khóc
UBND xã Cấn Hữu đã tuyên truyền người dân đổ vỏ ốc đúng vào bãi rác quy định của thôn, xã để xe rác có thể dễ dàng chuyển đi. Thế nhưng, một số hộ gia đình thiếu ý thức vẫn cố tình đổ trộm vỏ ốc bừa bãi. Chính quyền cử lực lượng an ninh thôn kiểm tra, xử lý những gia đình đổ trộm. Nhưng bao năm, xã chưa xử phạt trường hợp nào. 
Giải thích điều đó, ông phó Chủ tịch xã cho biết, các gia đình thường “lựa” khi nửa đêm, chở bao tải ốc quăng ra vệ đường, ven ruộng. Lực lượng an ninh quá mỏng không thể bao quát hết. Cứ vậy, vỏ ốc “tấn công” xã suốt thời gian dài. Vì môi trường ô nhiễm, Cấn Hữu bị mất điểm thi đua.
Cũng theo ông Hùng, người dân mua bán ốc theo kiểu tự phát, không có giấy phép kinh doanh, xã chẳng được đồng thuế nào. Vậy mà hàng tháng, xã và huyện lại phải trích ngân sách đi dọn vỏ ốc. “Tiền mất, tật mang”, chính quyền xã loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này. 
Đầu tháng 11 vừa qua, xã đã ra thông báo nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển, phát tán ốc bươu vàng. Nếu tổ chức cá nhân nào cố tình vi phạm, UBND xã sẽ xử lý nghiêm. Vị đại diện chính quyền xã khẳng định sẽ “mạnh tay” xử phạt những ai vi phạm thông báo này.
Tuy thế, người dân vẫn tỏ ra phớt lờ. Bởi lẽ, lệnh này có kẽ hở. “Chúng tôi không nhân nuôi, vận chuyển, phát tán ốc bươu vàng mà chúng tôi chỉ vận chuyển thành phẩm ốc bươu vàng thôi. Chúng tôi có quyền sơ chế ốc bươu vàng”, một người dân ngoan cố vặn lại. 
“Có quyền sơ chế” có nghĩa, hàng núi vỏ ốc tiếp tục “quây” xã. Trong khi đợi bãi rác tập trung cách làng vài cây số được xây dựng, đợi ý thức người dân nâng lên, xã Cấn Hữu có lẽ sẽ vẫn phải đương đầu với nạn vỏ ốc ngập làng khi vụ thu mua ốc bươu vàng “bùng phát” trở lại thời gian tới.

Đọc thêm

Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng 1 lần

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
(PLVN) - Ngày 26/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định này thay thế Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Giá dầu thô thẳng đà tăng

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sáng (26/3), giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng. Hiện giá dầu Brent đã lên gần 87 USD/thùng còn dầu WTI lên trên 82 USD/thùng.

Bến Tre xử phạt 4 đơn vị kinh doanh xâm phạm quyền nhãn hiệu Ống nhựa Hoa Sen

Bến Tre xử phạt 4 đơn vị kinh doanh xâm phạm quyền nhãn hiệu Ống nhựa Hoa Sen

(PLVN) - Đó là thông tin được cung cấp tại Tọa đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa" diễn ra ngày 26/3 tại Bến Tre. Sự kiện do Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bến Tre đã tổ chức. Đồng thời tọa đàm cũng công bố kết quả điều tra về sản phẩm nhái thương hiệu Ống nhựa Hoa Sen trên thị trường.

Hải Dương sẽ kiến tạo mô hình công dân số trong ngày Chuyển đổi số tỉnh

Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương năm 2024 sẽ diễn ra nhiều sự kiện kiến tạo mô hình công dân số.
(PLVN) - Vào sáng ngày 26/3 tới đây, tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) sẽ diễn ra ngày Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương năm 2024 với nhiều sự kiện để kiến tạo mô hình công dân số như: ra mắt ứng dụng dành cho người dân Smart – Hải Dương, triển lãm, trưng bày các giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số…

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị nhiễm cadimi vượt mức cho phép

Ảnh minh họa
(PLVN) - Liên quan tới việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo không đảm bảo an toàn. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo để làm rõ nguyên nhân, sớm có phản hồi lại phía Trung Quốc, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Giá dầu thô thế giới tiếp tục suy yếu

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sáng nay, giá dầu thô thế giới tiếp tục suy yếu. Hiện giá dầu Brent về mức 85,78 USD/thùng, giảm 0,17 USD/thùng còn dầu WTI về mức 80,94 USD/thùng, giảm 0,13 USD/thùng.

“Bắt bệnh” thị trường vàng

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Giá vàng “nhảy múa” đã không còn là chuyện riêng của những người kinh doanh vàng và khách hàng có nhu cầu tích trữ, giữ tiền bằng vàng. Đáng nói, sự biến động của thị trường vàng thời gian qua không phải lần đầu.