Người mua sẽ được kèm theo rau cải, bún, nước chấm, bánh tráng. Tuy nhiên, các loại cá lóc này đa phần là cá nuôi nên chất lượng kém ngon, thịt bở, không ngọt. Đã vậy cá nướng bằng than đước nên không còn mùi thơm đồng quê.
Tại các điểm du lịch, đa phần thực khách chọn món cá lóc nướng trui nhưng phải đốt bằng rơm. Cá lóc ở đây thường là cá lóc đồng chánh gốc nên hương vị thơm ngon, bắt cá lóc bằng dụng cụ dân dã như nôm, lưới...
Sau đó, rửa sạch cá, xiên một cành tre tươi (để tre không bị cháy trong quá trình nướng) dọc theo thân cá rồi cắm ngược đầu cá xuống đất. Rơm được chất đống phủ lên mình cá, nhiều nhất là phần đầu cá, vì đây là phần rất khó chín. Nếu thiếu lửa thì cá sẽ bị sống, nếu dư lửa cá sẽ khô, mất nước, ăn không ngon.
Sau khi cá chín, bóc từng lớp vỏ cháy đen bên ngoài, lấy nội tạng cá ra dùng với các loại nước chấm (nước mắm, tương xay...); các loại rau cải tập tàng, cải xanh, xà lách, rau thơm, húng cây, diếp cá; bánh tráng thường là bánh tráng Tây Ninh có độ mỏng, dẻo, dai, trong để tăng phần hấp dẫn.
Món cá lóc nướng miền Tây đơn giản, thơm ngon, rẻ tiền, dễ làm, chỉ mất nhiều thời gian nướng. Trong tâm thức của người miền Tây, đã ăn cá lóc nướng đúng “bài” là phải nướng trui bằng rơm mới có được mùi thơm đặc trưng của cá.