Nguyễn Thị Mỹ H., một nhân viên ngân hàng sinh sống tại TP HCM mới đây đã lên mạng hỏi ý kiến về việc có nên tổ chức đám cưới trong mùa dịch. H. đã chuẩn bị cuối năm 2019 cho đám cưới sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn ra đã khiến mọi thứ thay đổi. Hoãn cưới không phải dễ, vì còn liên quan đến nhiều khâu, nhưng đám cưới diễn ra sẽ gây không ít nguy cơ. Và lời khuyên mà H. nhận được từ đông đảo bạn bè, trong đó có cả một bác sĩ, là nên cố gắng hoãn đám cưới lại, vì sự an toàn của chính mình và của cả cộng đồng.
Tổ chức đám cưới là một nhu cầu thiết yếu của các đôi lứa. Nhưng ở thời điểm này, nhu cầu ấy có lẽ nên tạm ngưng, hoặc thu nhỏ quy mô, để phòng ngừa những nguy cơ không nên có. Chẳng ai biết, chủ nhà hay trong số khách khứa dự đám cưới, có ai mang mầm bệnh.
Một trường hợp cụ thể, như bệnh nhân 34, việc chồng bà này, thời điểm đã lây nhiễm virus từ vợ nhưng không biết, đến tặng quà, tiếp xúc với cô dâu, chú rể khiến cả tỉnh Bình Thuận phải "sốt vó", vì nếu cô dâu, chú rể nhiễm bệnh, nghĩa là nguy cơ lây lan cho khách dự đám cưới là không ít.
Hay như bệnh nhân 61 ở Ninh Thuận, sau khi đi Malaysia về đã đến làm chủ hôn 2 đám cưới. Thông tin này khiến cho cơ quan chức năng Ninh Thuận phải tất bật khoanh vùng để xem xét cách ly những người tiếp xúc với ông này tại đám cưới.
Mới đây, tại Bình Dương đã diễn ra đám cưới cô dâu Việt và chú rể người TP Daegu, Hàn Quốc. Đám cưới dự kiến gần 400 khách ban đầu, nhưng ảnh hưởng dịch nên đã giảm xuống một nửa. Tuy nhiên, với sự hiện diện của đông người, cùng không ít khách người Trung Quốc, Hàn Quốc, đám cưới này đã làm dấy lên mối lo lắng về nguy cơ lây lan Covid-19.
Cơ quan chức năng huyện Bàu Bàng, Bình Dương đã cử nhân viên y tế đến túc trực ngay tại đám cưới để đo thân nhiệt và giám sát danh sách khách mời như gia đình đã đăng ký với cơ quan chức năng. Dù cuối cùng chưa có bất thường gì diễn ra, nhưng không thể phủ nhận rằng đám cưới đã gây nên một lượng công việc không nhỏ cho công tác phòng chống dịch địa phương.
Trong mùa dịch, có không ít đám cưới như thế diễn ra, với vài trăm khách mời là người thân, họ hàng đến từ nhiều miền đất nước. Để rồi, sau đó có không ít gia đình trở về địa phương khiến cả thôn, cả khu bị cách ly vì có người nghi nhiễm trong đám cưới.
Cũng có những người khác, lựa chọn hoãn đám cưới, thu nhỏ quy mô. Một số bạn trẻ đã chia sẻ trải nghiệm bản thân về việc đăng kí kết hôn rồi “về chung một nhà” với một mâm tiệc nhỏ ấm cúng chỉ có người nhà với nhau, hoặc âm thầm xây tổ ấm, đám cưới trong mơ xin hẹn lần sau.
Mùa dịch, mọi thứ vốn dĩ đã chẳng còn như bình thường. Có những thói quen, những phong tục cũng đành tạm gác. Để khi mọi thứ bình yên trở lại, ngày rộng tháng dài, đám cưới lớn, đẹp thế nào cũng có thể thực hiện được.