Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài, TS. Trương Thế Côn, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ nhiệm đề tài cho biết, xu hướng của giáo dục trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập, mọi công dân đều có cơ hội được học tập và hướng tới học bất kỳ thứ gì, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Để đáp ứng những nhu cầu về giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển đa dạng và phong phú, cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục – đào tạo truyền thống, đào tạo trực tuyến (E-Learning) đã ra đời, hỗ trợ đắc lực trong học tập và giảng dạy.
Do đó, Đề án “Bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến” được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu tổng quát làm rõ những vấn đề lý luận về phương pháp bồi dưỡng trực tuyến, từ đó đề xuất hệ thống các giải pháp có tính khả thi để tổ chức hiệu quả việc bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến.
Cụ thể, Đề án đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, như làm rõ khái niệm, nội hàm khái niệm, bản chất, đặc điểm, ưu nhược điểm của bồi dưỡng trực tuyến; xác định đội ngũ cán bộ tư pháp địa phương và yêu cầu, nhu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ tư pháp địa phương; đánh giá tác động của phương pháp bồi dưỡng trực tuyến trong công tác bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương; xác định nội dung một số bài giảng bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến…
Đánh giá thực trạng cán bộ tư pháp địa phương, thực trạng hoạt động bồi dưỡng và nhu cầu bồi dưỡng của cán bộ tư pháp địa phương hiện nay; đánh giá thực trạng việc thực hiện, triển khai bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ tư pháp địa phương hiện nay, từ đó đánh giá tính hiệu quả, ưu việt và hạn chế của phương pháp bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ tư pháp địa phương. Đề xuất các giải pháp, điều kiện đảm bảo và lộ trình thực hiện bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến.
TS. Trương Thế Côn, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Chủ nhiệm đề án “Bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến”. |
Qua đó, Đề án có giá trị ứng dụng thực tiễn sâu sắc đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong việc đánh giá toàn diện thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp trong điều kiện cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. Từ đó, đề án sẽ đưa ra định hướng các giải pháp, xây dựng mô hình bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến trong kỷ nguyên 4.0 và 5.0. Ngoài ra, đề án sẽ là nguồn tư liệu có chất lượng trong việc tham khảo cho các chuyên gia pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định các chính sách đổi mới trong công tác giáo dục nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp nói riêng.
Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất những ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao tính cấp thiết và giá trị thực tiễn của Đề án. Trong đó, đảm bảo tính trung thực, có cơ sở khoa học, có nhiều đóng góp mới cho công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến; đề xuất được nhiều ý kiến để hoàn thiện pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, có thể áp dụng được trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận buổi nghiệm thu. |
Thứ trưởng nhấn mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp nói chung và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở đóng vai trò quan trọng, nhất là trong thời gian qua hoạt động này có nhiều khó khăn, vướng mắc và còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó cần xác định rõ hơn phạm vi nghiên cứu; giới hạn rõ phạm vi nội dung đào tạo, bồi dưỡng thuộc phạm vi trách nhiệm đào tạo quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, từ đó tập trung sâu vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật; phân biệt rõ hơn mục tiêu xây dựng đề án với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp bằng phương pháp trực tuyến để nhất quán mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu Nhóm nghiên cứu tập trung phân tích làm rõ: các đặc thù đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp ở cơ sở và yêu cầu đặt ra đối với công tác này; đánh giá mức độ phù hợp, tính khả thi về phương thức trực tuyến đối với cán bộ tư pháp ở địa phương; xác định lộ trình thực hiện các bước đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến để phân công trách nhiệm cụ thể đối với Bộ Tư pháp và địa phương trong việc đào tạo cán bộ tư pháp cơ sở. Xác định rõ hơn các giải pháp, nhất là hệ thống quản lý, công tác giảng dạy, học tập, đánh giá kết quả, khả năng tương tác giữa giảng viên và người học, giữa người học với nhau…