Báo cáo tình hình triển khai công tác tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết Bộ Tư pháp phải thực hiện 4 nhiệm vụ chính. Theo đó, tiến hành tổng kết và xây dựng Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW; giúp Ban cán sự đảng Chính phủ tổng hợp, xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW; giúp Ban Nội chính Trung ương xây dựng “Báo cáo kết quả nghiên cứu về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động và kinh nghiệm cải cách hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự, các chế định luật sư, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại, trợ giúp pháp lý của các nước, kiến nghị những vấn đề cần nghiên cứu, chọn lọc vào thực tiễn Việt Nam”; Báo cáo của Đảng ủy Bộ Tư pháp về tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW gửi Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Các nhiệm vụ nêu trên đang được Viện Khoa học pháp lý tích cực triển khai và đôn đốc các đơn vị nộp Báo cáo để hoàn thành đúng thời hạn. Trong quá trình triển khai, Viện nhận thấy một số khó khăn là thời gian tiến hành tổng kết ngắn trong khi phạm vi, nội dung tổng kết thuộc trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp rất nặng nề. Đặc biệt, nhiệm vụ giúp Ban Nội chính xây dựng báo cáo là nhiệm vụ có phạm vi rất rộng, chuyên sâu, phức tạp, thời gian ngắn. Ngoài ra, với khối lượng công việc nhiều, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, trong khi đó, Viện cũng như các đơn vị thuộc Bộ vẫn phải đồng thời thực hiện công tác chuyên môn và các hoạt động sơ kết, tổng kết khác cũng là một trong những khó khăn được Viện trưởng đề cập.
Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp nói chung và hệ thống THADS nói riêng, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi khẳng định sẽ phối hợp tích cực với Viện Khoa học pháp lý để hoàn thành báo cáo đúng thời hạn. Trong đó, tập trung xác định mục tiêu, xây dựng phương hướng, giải pháp trong lĩnh vực THADS trong bối cảnh tồn tại song song chế định Thừa phát lại. Ông Khôi cũng lưu ý, khi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cần nghiên cứu và chọc lọc kỹ càng những nội dung phù hợp với bối cảnh nước ta.
Còn Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Vũ Văn Đoàn cho biết, Cục đang tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định… để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đồng thời đề xuất phương hướng thực hiện trong giai đoạn 2021-2016 và đến năm 2030. Cùng với đó, Cục cũng tiến hành đánh giá kết quả chủ trương xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú, các báo cáo cần tập trung đưa ra các kiến nghị để giải quyết được bất cập trong các lĩnh vực Bộ, ngành Tư pháp quản lý đồng thời nêu lên bất cập liên quan đến ngành Tòa án để công tác cải cách tư pháp ngày càng đi vào thực chất.
Sau khi nghe các đơn vị trao đổi, góp ý, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu biểu dương sự tích cực, đổi mới của Viện Khoa học pháp lý trong công tác xây dựng Báo cáo Tổng kết Nghị quyết Nghị quyết số 49-NQ/TW. Trong đó đã cơ bản rà soát hết các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, đối với các nhiệm vụ chưa phù hợp với chức năng của Bộ, Thứ trưởng yêu cầu cần kịp thời báo cáo với Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW. Đối với 4 nhiệm vụ Bộ Tư pháp cần thực hiện, Thứ trưởng nhận định các báo cáo đã cơ bản đánh giá được tồn tại, vướng mắc trong 15 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW đồng thời cũng đã chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất được định hướng tiếp tục phát triển Nghị quyết này.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định việc xây dựng các báo cáo cơ bản đã đảm bảo đúng tiến độ. Đối với các báo cáo độc lập của các Bộ, ngành liên quan, Bộ trưởng yêu cầu Viện khoa học pháp lý cần đôn đốc để kịp thời xây dựng báo cáo chung. Nhấn mạnh tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Bộ trưởng lưu ý cần rà soát đầy đủ các văn bản liên quan, tích cực tham khảo kinh nghiệm cải cách tư pháp của các nước để rút ra bài học phù hợp với thực tiễn nước ta, các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động xây dựng báo cáo để Viện Khoa học pháp lý tổng hợp, xây dựng đề cương.