Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Theo đó, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan quyết tâm thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính. Trong đó, cơ quan hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm; bảo đảm yêu cầu, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí của người dân và DN trong việc tuân thủ thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.
Cơ quan hải quan đồng thời lên kế hoạch tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước để phù hợp với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Với Kế hoạch này, Tổng cục Hải quan sẽ chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính đôn đốc, điều phối các bộ, ngành để tiếp tục cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếp tục nâng thứ bậc xếp hạng
Một trong các mục tiêu cụ thể được xác định là kết thúc năm 2021, cơ quan hải quan hoàn thành mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đảm bảo năm 2021, hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 10 - 15 bậc so với năm 2019. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo kế hoạch của Bộ Tài chính.
Đồng thời tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân, DN. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử và xây dựng, triển khai Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định... Hoàn thành tiến độ, đảm bảo chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan đã được cụ thể tại các chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hoá XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 và các thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Đồng thời, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành mở rộng số lượng thủ tục hành chính được kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia; nâng cao hiệu quả trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá XNK với các nước ASEAN.
Nhiệm vụ nữa là tiếp tục đôn đốc, điều phối các bộ, ngành thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách về quản lý, KTCN, gồm: Áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của DN và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng KTCN với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về XNK tương ứng và chi phí mà DN phải trả; hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Song song với đó, ngành Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất, hiệu quả tối thiếu 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng KTCN, thực hiện công bố công khai, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, KTCN trước và sau khi cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ. Chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp cải cách về quản lý, KTCN; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với DN XNK, thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Mặt khác, ngành Hải quan sẽ rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan; chủ động kết nối với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo lập kênh thông tin để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin cần thiết về kết quả cải cách lĩnh vực hải quan để bảo đảm đánh giá, xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới khách quan, chính xác.