Đến tháng 10/2017, nhiều cánh rừng tự nhiên nằm trên địa bàn các xã Cư Yang, Cư Ea Lang, Cư Bông, Cư Prông, Ea Ô và Ea Pal… do Cty Ea Kar quản lý, bảo vệ đã bị khai thác trắng lấy đất trồng hoa màu, làm nhà ở.
Giữa tháng 3/2018, tại tiểu khu 702 thuộc lâm phần quản lý của Cty Ea Kar, lực lượng chức năng xã Cư Bông phát hiện bắt giữ 11,7 m3 gỗ do “lâm tặc” khai thác trái phép cùng hai xe độ chế phá rừng. Đến ngày 13/4/2018, phát hiện 16m3 gỗ các loại bị khai thác trái phép, tập kết rải rác tại xã Cư Bông. Thế nhưng ngay trong đêm 13/4 đã có 7,975m3 gỗ tang vật nói trên “biến mất”.
Tiếp đến, ngày 22/8/2018, Công an huyện phát hiện rừng trồng của Cty Ea Kar bị khai thác trái phép, bắt giữ hai xe tải chở 52m3 gỗ keo rừng trồng. Công an xác định số gỗ được vận chuyển ra từ khu vực rừng phòng hộ Cty Ea Kar quản lý.
Sáng 8/4/2019, Công an tỉnh lại phát hiện một điểm khai thác rừng tự nhiên quy mô lớn tại xã Cư Bông do Cty Ea Kar quản lý. Liên quan đến vụ phá rừng này, ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, cho biết: “Chủ rừng phải chịu trách nhiệm…”.
Thế nhưng ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Cty Ea Kar cho rằng, để xảy ra tình trạng mất rừng trên địa bàn không phải do đơn vị buông lỏng quản lý, mà do nguồn nhân lực, vật lực thiếu thốn, cộng với cơ chế chính sách chưa phù hợp khiến việc quản lý bảo vệ rừng không đảm bảo.
Người đứng đầu và những tập thể, cá nhân để mất rừng chưa bị xử lý. Bên cạnh đó, nhiều vụ phá rừng của Cty Ea Kar đều có cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nhưng chưa thấy đối tượng nào bị xử lý hình sự. Có hay không việc bao che những sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, “bảo kê” cho ‘lâm tặc” phá rừng ở Ea Kar?