Con người, nhân cách và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được ghi tạc vào lòng dân. Sử sách có thể mai một, bia đá có thể mòn, nhưng lòng dân thì bất tử và không một ai có thể tùy tiện thay đổi.
>> Ước mong của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Người mã hoá bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hôm qua, tại căn nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, những người cộng sự, các nhà sử học, đã có buổi gặp mặt chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Nhân dịp này, Hội Sử học Việt Nam tặng gia đình Đại tướng cuốn sách về 59 vị tướng huyền thoại trong lịch sử 2.500 năm của thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có mặt trong cuốn sách này. Đất Việt ghi lại những suy nghĩ và tình cảm sâu sắc đối với Đại tướng của hai nhà sử học hàng đầu Việt Nam.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam: Binh nghiệp lẫy lừng, binh thư vô giá
Không chỉ tạo dựng uy tín to lớn trong quân ngũ, mà ngay cả đối với giới trí thức Việt Nam, Đại tướng cũng để lại trong con mắt nhà khoa học những tình cảm đặc biệt và đóng góp to lớn.
Về những đóng góp của tướng Giáp trong lĩnh vực sử học, cả thế giới đều nói ông đã đi vào lịch sử bằng tài năng nhân cách, thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn. Nhưng tôi muốn nói ở khía cạnh sử học, hiếm có vị tướng nào trên thế giới vừa có binh nghiệp lẫy lừng vừa soạn được những cuốn binh thư hiện đại, mang tính tổng kết về lý luận sâu sắc, quý giá.
Lịch sử quân sự Việt Nam chỉ có hai “pho binh thư", là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Con người, nhân cách và cống hiến của Đại tướng đã được ghi tạc vào lòng dân. Sử sách có thể mai một, bia đá có thể mòn, nhưng lòng dân thì bất tử không một ai có thể tùy tiện thay đổi. Sau ngày gác chuyện binh nghiệp, Đại tướng võ Nguyên Giáp vẫn dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp nghiên cứu và viết lịch sử. Những tập hồi ký của Đại tướng là những bộ sử kháng chiến trung thực, phong phú, sống động. Một số tác phẩm tổng kết chiến tranh của Đại tướng có giá trị như những bộ binh pháp hiện đại. Ngoài ra, Đại tướng còn nghiên cứu và công bố nhiều công trình, luận văn về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, về một số chiến công và sự kiện lịch sử tiêu biểu, về một số anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa, một số tướng lĩnh quân đội nhân dân hiện đại. Đại tướng vừa làm sử, vừa viết sử, một sự kết hợp hiếm có của tài năng quân sự với tài năng sử học.
Trong ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tới đây, tôi mong Đại tướng đủ sức khỏe để tham gia, bởi chính Đại tướng là người có công lao cực kỳ lớn trong bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, ở giai đoạn đầu tiên khó khăn nhất để giữ gìn di sản, từ đó mới có căn cứ lập hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản thế giới.
GS Phan Huy Lê tặng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tấm ảnh chụp bức tượng đồng mà Hội sử học VIệt Nam đúc tặng Đại tướng. Ảnh: Nguyên An |
Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam Dương Trung Quốc: Thử thách to lớn, vinh quang to lớn
Đại tướng tròn 100 tuổi, đó là cái tuổi theo quan niệm của cha ông chúng ta, chỉ có những con người sống có phúc đức mới đạt được. Thế hệ của những người như tướng Giáp là “Thế hệ vàng”. Đó là thế hệ đặc biệt, gánh vác những nhiệm vụ cực kỳ to lớn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chịu ảnh hưởng yếu tố thời đại, thu nhận nền quốc học cổ điển và văn minh phương tây, quan trọng hơn, thế hệ ấy đã tiếp thu tinh thần khao khát độc lập tự do của cả dân tộc dồn nén từ hàng ngàn năm nô lệ dưới thời phong kiến và thuộc địa của pháp nên tinh thần dân chủ dâng cao hơn cả.
Trước hết, với tư cách nhà giáo dạy sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần tinh thần lịch sử dân tộc để rồi sau này, khi trở thành nhà chính trị quân sự ông đã vận dụng tinh thần ấy linh hoạt vào cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đánh đổ thực dân đế quốc, công lao đầu tiên thuộc về sự lãnh đạo của Đảng, của toàn dân. Nhưng dẫu sao với tư cách vị Tổng tư lệnh quân đội, đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng to lớn. Ông và thế hệ của mình đã trải qua thử thách rất to lớn nên vinh quang của ông cũng vô cùng to lớn.
Đối với mỗi người dân Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong những biểu tượng gắn liền với công lao đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Năm Đại tướng tròn 85 tuổi, Viện Mác- Lê Nin có mừng thọ Đại tướng đôi câu đối: "Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” (Chiến công lưu truyền lịch sử dân tộc/ Nhân văn đức độ thấu tận lòng người). Đại tướng rất xứng đáng với 10 chữ vàng ấy.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Theo Báo Đất Việt