Đây là cơ hội để hội viên, những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật giao lưu, trao đổi về các vấn đề chuyên môn, đặc biệt là luật pháp quốc tế.
Với sự ủng hộ từ Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ cho phép thành lập theo Quyết định số 1616/QĐ-BNV ngày 20/6/2016. Trong bốn năm hoạt động đầu tiên, VSIL đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, với trọng tâm về công tác chuyên môn nghiên cứu luật pháp quốc tế, Hội đã Công bố ấn phẩm pháp lý đầu tiên của VSIL bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với tên gọi “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam năm 2019”.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tích cực phối hợp với Hội tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật quốc tế như Tọa đàm “Việt Nam 2016 - Năm Luật quốc tế”; Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư giữa các pháp nhân và cá nhân nước ngoài với Nhà nước Việt Nam” năm 2017; Tọa đàm về “Luật pháp quốc tế năm 2019”. Năm 2020, Hội thành lập Nhóm nghiên cứu về Luật Biển, xúc tiến thành lập Nhóm nghiên cứu về trọng tài và hòa giải trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế…
Đáng chú ý, Hội đã có Thư ngỏ gửi Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc nhằm phản đối hoạt động trái phép của Trung Quốc diễn ra trên biển Đông, đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây là những đóng góp gây tiếng vang cho Hội, giúp VSIL được biết đến nhiều hơn trong giới nghiên cứu, thực hành luật quốc tế trong và ngoài nước.
Về công tác thực hành luật quốc tế, một trong những hoạt động điểm nhấn của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua là đưa cuộc thi “Diễn án Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài” (FDI Moot) của quốc tế về Việt Nam và phối hợp với các trường Đại học tổ chức thành công cuộc thi FDI Moot liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020 với số lượng các đội thi liên tục tăng lên. Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia tổ chức các cuộc thi và cử các công chức làm Ban giám khảo. Đối với các đội thi đủ điều kiện, Hội đã tích cực hỗ trợ các đội tham gia cuộc thi vòng quốc tế và đạt được nhiều thành tích cao. Các cuộc thi do Hội khởi xướng đã khích lệ phong trào tìm hiểu về luật pháp quốc tế của sinh viên luật trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế của Hội như: thiết lập cơ chế hợp tác với các tổ chức trong nước như Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế (VBLC), các viện nghiên cứu, các trường đại học; các doanh nghiệp, trung tâm trọng tài, dự án nghiên cứu pháp luật; cử đại diện tham dự Diễn đàn pháp lý thế giới và Cuộc gặp gỡ giữa các Hội Luật quốc tế thế giới lần thứ hai tại Hà Lan vào năm 2019…
Không những thế, Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập cho Trung tâm Hoà giải thương mại quốc tế (VICMC) tại Hà Nội vào ngày 2012/2018; hiện Trung tâm đã có thêm chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Với sự đồng hành của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, Hội đã củng cố và phát triển mạng lưới hội viên trên phạm vi toàn quốc, ở cả ba khối là các cơ quan nhà nước; các trường đại học và cơ sở nghiên cứu; các hãng luật, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ khác, với số hội viên lên tới gần 500 người.
Sau một nhiệm kỳ hoạt động với nhiều kết quả tích cực, Đại hội Nhiệm kỳ II VSIL sẽ được tổ chức tại Hội trường Đại học Luật Hà Nội vào sáng ngày 28/11/2020 tại Hội trường Đại học Luật Hà Nội và được khai mạc vào lúc 7:30.
Đại hội dự kiến vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện Lãnh đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tới tham dự. Tại Đại hội lần này, dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi) và Phương hướng hoạt động Nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được thảo luận và thông qua; đồng thời Hội sẽ thực hiện việc bầu cử và ra mắt Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ II và thông qua Nghị quyết đại hội.