Đó là mục tiêu đề ra tại Đại hội lần thứ 4 Hội Cấp, thoát nước Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì, được tổ chức tại Hải Phòng do Công ty TNHH MTV cấp nước Hải Phòng đăng cai tổ chức.
Khu xử lý nước thô của Xí nghiệp cấp nước An Dương (Công ty TNHH MTV cấp nước Hải Phòng). Ảnh: Trường Giang |
Những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ, lĩnh vực cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường cũng phát triển. Đến nay, tổng công suất cấp nước đô thị đạt được 5,8 triệu m3/ngày, tăng 250% so với 10 năm trước. Các công ty cấp nước khai thác hơn 80% công suất, mỗi năm cung cấp hơn 1,3 tỷ m3 nước sạch cho các đô thị và khu công nghiệp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện…lĩnh vực cấp nước có bước phát triển quan trọng, chuyển mạnh sang phương thức sản xuất-cung ứng nước sạch mang tính công nghiệp. Hầu hết nhà máy nước đầu tư công nghệ hiện đại, với 80% số thiết bị điều khiển tự động, công nghệ thông tin được ứng dụng ở phần lớn khâu quản lý kinh tế-kỹ thuật, điều khiển, vận hành hệ thống. Nhiều nhà máy trở thành công viên công nghiệp. Từ khi thực hiện giá tiêu thụ nước sạch được tính đúng, tính đủ theo quy định của Chính phủ, hầu hết công ty cấp nước thu hồi được chi phí vận hành và một phần quan trọng đối với chi phí đầu tư, hoạt động cấp nước bắt đầu có lãi và có tích lũy để phát triển.
Đối với lĩnh vực thoát nước, 5 năm qua có bước phát triển đáng khích lệ, hầu hết các đô thị chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang đặt hàng hoặc đấu thầu thực hiện khối lượng sản phẩm dịch vụ công ích. Chính quyền đô thị ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước, môi trường đô thị kèm theo dự toán được lập cho cả năm hoặc nửa năm. Việc chuyển đổi cơ chế tạo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước, môi trường đô thị chủ động lập và thực hiện kế hoạch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp có điều kiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, chấm dứt tình trạng nợ lương kéo dài đối với người lao động vốn là loại hình lao động nặng nhọc, môi trường ô nhiễm. Từ đó, nhiều công ty thoát nước, vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả, với nhiều nghiên cứu, sáng kiến công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động.
Về tổ chức, trong 5 năm qua, tất cả công ty cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị lần lượt chuyển sang mô hình công ty TNHH MTV, chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, hoàn toàn xóa bỏ mô hình công ty công ích. Trong ngành có 18 công ty cấp nước, thoát nước tiến hành cổ phần hóa, những công ty sau cổ phần hóa đều làm ăn hiệu quả, mở ra thời kỳ mới, huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành nước. Các doanh nghiệp khối cung ứng vật tư, thiết bị chuyên ngành nước có nhiều sáng tạo trong việc cải tiến, áp dụng công nghệ mới, sản xuất nhiều thiết bị, vật tư kỹ thuật cung cấp cho các doanh nghiệp cấp nước, thoát nước như: ống gang cầu, ống sợi thủy tinh, ống nhựa chất lượng cao, van, vòi kim loại…, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Trong đó, riêng ống dẫn nước chất lượng cao thay thế khoảng 80% so với thời kỳ trước năm 2000 phải nhập khẩu. Khối các trường đào tạo hàng nghìn cán bộ, công nhân cho ngành. Hội cũng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng đào tạo tại chỗ 70 kỹ sư cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường cung cấp cho các tỉnh phía Nam đang thiếu kỹ sư chuyên ngành.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành cấp, thoát nước bộc lộ một số yếu kém. Đó là độ bao phủ dịch vụ cấp nước đô thị đến năm 2009 mới đạt 73%; tỷ lệ thất thoát còn cao (30%). Trong khi nếu thực hiện tốt chương trình chống thất thoát, mỗi năm giảm 1-1,5%, sẽ có thêm 260 triệu m3 nước và tăng thêm gần 1 triệu người được sử dụng nước sạch, cải thiện và nâng cao chất lượng sống. Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp mạng đường ống cấp nước chưa theo kịp với đầu tư nâng công suất nhà máy, nên mới khai thác 80% công suất thiết kế của các nhà máy nước, gây lãng phí nguồn vốn được Nhà nước đầu tư. Nước thải mới được xử lý khoảng 10%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nặng, trở thành nỗi bức xúc toàn xã hội.
Đánh giá đúng những thành quả đạt được, kiểm điểm những hạn chế, thiếu sót trong nhiệm kỳ qua, hội xác định nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Chính phủ đề ra trong định hướng phát triển cấp nước, thoát nước đến năm 2025, tầm nhìn 2050, bảo đảm phát triển bền vững. Đó là những nội dung chủ yếu được bàn thảo, quyết định tại Đại hội lần thứ 4.
Nguyễn Tôn
Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước
Việt Nam