Thêm môn ngoại ngữ trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Trung tâm Khảo thí cần giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2023 đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ thông tin cho kỳ thi này, bảo đảm an toàn, đồng bộ về dữ liệu và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký và tham dự kỳ thi.
Thời gian tới, Trung tâm cần có giải pháp phân luồng khu vực hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi để đảm bảo không có thí sinh không đăng ký được hoặc mất quá nhiều thời gian để đăng ký.
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2045, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo cấu trúc bài thi áp dụng từ năm 2025 để duy trì ổn định lâu dài. Xây dựng bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào khối ngành khoa học sức khỏe và kiểm tra chứng chỉ nghề nghiệp đội ngũ cán bộ bác sỹ y khoa; Xây dựng ngân hàng câu hỏi và phối hợp tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành và các cơ quan nhà nước... Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức liên kết đào tạo với các tổ chức khảo thí thế giới SAT, ACT, IELTS, TOEFT, TOEIC…
Nhấn mạnh thêm về công tác khảo thí, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị, trong năm 2025, sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển. Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.
Hơn 65.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM
Thống kê đến ngày 28/2, Trung Tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - Đại học Quốc gia TP HCM ghi nhận có hơn 65.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo kế hoạch, Cổng đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM sẽ mở hết ngày 4/3. Đợt 1 kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 7/4, tại 24 tỉnh, thành phố. Đợt 2 dự kiến vào ngày 2/6.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đã lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; và Giải quyết vấn đề, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Bài thi chú trọng đánh giá năng lực suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Việc tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.
Để phục vụ xét tuyển đầu vào năm 2024, hiện có 7 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.