Tham dự Hội thảo, về phía Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường; PSG.TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế; PGS.TS Nguyễn Thị Nga – Trưởng Bộ môn Luật đất đai, Khoa Pháp luật kinh tế… Về phía khách mời có đại diện của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, đại diện một số các cơ sở đào tạo Luật tại Hà Nội và trong cả nước; đại diện của của một số doanh nghiệp, nhà khoa học, luật sư, nghiên cứu sinh…
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho biết ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2021 chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Trên tinh thần Nghị quyết trên, một số bộ, ngành đã và đang triển khai các chương trình rà soát tổng kết thi hành pháp luật nhằm nhận diện bất cập, vướng mắc để đề xuất chương trình sửa đổi, bổ sung.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh |
“Một trong những Luật đang nhận được sự quan tâm, chú trọng đặc biệt, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới là Luật kinh doanh BĐS năm 2014”, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nói và cho biết Trường Đại học Luật Hà Nội luôn dành sự quan tâm tới nghiên cứu chính sách pháp luật nhằm có những đóng góp, ý kiến kịp thời cho việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật. Và Hội thảo Cơ sở của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh BĐS năm 2014 là một trong những hoạt động nhằm hướng tới mục đích nêu trên.
Hội thảo hướng tới các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn trao đổi nhiều góc nhìn khác nhau về các quy định pháp luật kinh doanh BĐS hiện hành nhằm nhận diện những hạn chế, bất cập, vướng mắc của Luật kinh doanh BĐS hiện hành và các luật khác có liên quan. Thứ hai, nhận diện được những điểm nghẽn, những khoảng trống của pháp luật đã và đang trở thành rào cản của hoạt động kinh doanh bất động sản trên thực tế, làm giảm hiệu quả của quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS. Thứ ba, đưa ra những kiến nghị khoa học góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng và hoàn thiện Luật kinh doanh BĐS nói riêng trong thời gian tới.
“Chúng tôi hi vọng đây thực sự là diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn đóng góp ý kiến quý báu, trọng tâm và chất lượng tạo cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh BĐS trong thời gian tới”, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh kỳ vọng.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho rằng việc sửa đổi Luật kinh doanh BĐS 2014 nhằm hiện thực hóa kịp thời những chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường BĐS ở Việt Nam; tạo ra một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các luật khác có liên quan và sửa Luật kinh doanh BĐS để thích ứng với hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga. |
Và theo bà Nga, cần nghiêm túc áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách phát triển thị trường đất đai, trong đó phân định rành mạch khu vực công và khu vực tư. “Nhà nước là chủ thể xây dựng khung khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch, tránh đặc quyền, đặc lợi trong nền kinh tế với môi trường kinh doanh tự do, công bằng, an toàn về quyền tài sản, nhất là đất đai”, bà Nga nói và cho rằng từ vai trò đặc biệt quan trọng của ngành BĐS, cần xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nhanh và bền vững ngành BĐS.
Còn PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng qua gần 7 năm thi hành Luật kinh doanh BĐS năm 2014 cho thấy một số nội dung quy định về quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường BĐS ở nước ta.
Theo ông Tuyến, cần bổ sung quy định bắt buộc người môi giới BĐS phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề cũng như quy định bổ sung cập nhật kiến thức hàng năm để hành nghề môi giới BĐS; Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các qui định có liên quan của Luật đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2015 và Luật kinh doanh BĐS năm 2014 để quản lý có hiệu quả, chặt chẽ các hoạt động kinh doanh BĐS du lịch.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đất đai năm 2013 về nhóm đất phi nông nghiệp, theo đó xác định rõ đất xây dựng các BĐS du lịch gồm Condotel, Officetel, Shophouse, Homestay… là một loại đất phi nông nghiệp; Luật Nhà ở năm 2015 bổ sung quy định về quản lý nhà nước đối với loại hình Shophouse, Condotel, Homestay trong các dự án nhà ở thương mại cao cấp; quy định về giao dịch nhà ở Shophouse, Condotel, Homestay; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở Shophouse; quy định về đầu tư xây dựng nhà ở Shophouse, Condotel, Homestay.../.