Tham dự buổi lễ có ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao; bà Lê Thị Nga – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của xã hội cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các đối tác trong và ngoài nước.
Về phía Bộ Tư pháp có ông Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh cùng tập thể lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội qua các thời kỳ.
Đào tạo trên 100.000 lượt cán bộ pháp luật cho cả nước
Trong diễn văn khai mạc, TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội nêu rõ: Trường ĐH Luật Hà Nội tiền thân là trường Đại học pháp lý Hà Nội, được Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định thành lập ngày 10/11/1979. Từ cơ sở vật chất ban đầu nghèo nàn, lạc hậu, tập thể các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động của Nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng Trường ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu.
TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày diễn văn khai mạc |
Với cơ cấu tổ chức khiêm tốn ban đầu với 67 cán bộ biên chế, đến nay trường ĐH Luật Hà Nội đã có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh với tổng biên chế hơn 400 người, có 308 giảng viên, trong đó có 4 giáo sư, 38 phó giáo sư, 81 tiến sỹ luật, là cơ sở có nhiều giảng viên có trình độ tiến sỹ và học hàm nhất trong các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam.
Trong 40 năm hình thành và phát triển, trường ĐH Luật Hà Nội đã đào tạo trên 100.000 lượt cán bộ pháp luật cho cả nước. Các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo của trường hiện đang công tác và có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp của cả nước. Nhiều cựu học sinh, sinh viên của trường hiện đang giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong đó có gần 80 đại biểu Quốc hội khóa XIV nguyên là giảng viên, học viên, sinh viên của trường.
Tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trang trọng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Trường.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trang trọng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Trường |
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển mới, hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những biến chuyển ngày càng nhanh của các quan hệ xã hội, kinh tế, dân sự, nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là hết sức quan trọng, đòi hỏi đổi mới cách tiếp cận, tư duy pháp lý trong đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn trước mắt và tương lai.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đại học Luật Hà Nội. |
Điều này đòi hỏi Trường ĐH Luật Hà Nội đề cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị ĐH để đẩy nhanh tiến trình trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Đồng thời cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học pháp lý trong điều kiện mới theo tinh thần các Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Cần giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo và đột phá
Phó Thủ tướng yêu cầu Trường ĐH Luật Hà Nội cần xác định rõ chiến lược, vị trí, vai trò là cơ sở đào tạo, nghiên cứu cơ bản về pháp luật hàng đầu ở Việt Nam. Do vậy, Trường cần nỗ lực hơn nữa, xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể, giải pháp mạnh mẽ, sáng tạo và đột phá để có xếp hạng tương xứng với năng lực, tầm vóc ở trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý: “Vị thế của một trường ĐH không chỉ đo bằng quy mô số lượng, mà trước hết được đo bằng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học" |
Cùng với đó, Trường cần tiếp tục chú trọng ưu tiên, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Phó Thủ tướng lưu ý: “Vị thế của một trường ĐH không chỉ đo bằng quy mô số lượng, mà trước hết được đo bằng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình. Trường cần có biện pháp tăng cường kiểm soát toàn bộ quá trình đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu ra, đảm bảo mỗi sinh viên khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực mà xã hội đòi hỏi, đáp ứng được ngay các yêu cầu của công việc; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và không ngừng tìm tòi, phát triển tri thức bản thân, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn của công dân toàn cầu, làm việc được trong môi trường quốc tế”. Bên cạnh đó, Trường cần tiếp tục khẳng định và giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học pháp lý, hình thành trường phái nghiên cứu khoa học pháp lý với thế mạnh sẵn có.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Tư pháp, Trường ĐH Luật Hà Nội và các đại biểu tham dự buổi lễ. |
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần chuẩn bị cho việc tổng kết triển khai thực hiện Đề án tổng thể xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM thành các trường đào tạo trọng điểm cán bộ về pháp luật vào năm 2020. Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở 2 của trường ĐH Luật Hà Nội tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; tiếp tục nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất tại trụ sở và Phân hiệu của Trường để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đào tạo, nghiên cứu khoa học trong điều kiện mới.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục đại học sửa đổi, trong đó làm rõ việc phân cấp, quản lý các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường ĐH Luật Hà Nội nói riêng; vừa đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, vừa đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định phần thưởng cao quý là niềm động viên, khích lệ to lớn để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên của Trường ĐH Luật Hà Nội |
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định phần thưởng cao quý này là niềm động viên, khích lệ to lớn để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên của Trường ĐH Luật Hà Nội tiếp tục cố gắng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Bộ Tư pháp và Trường ĐH Luật Hà Nội xin tiếp thu đầy đủ và quán triệt sâu sắc các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình để từ đó tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và họp tác quốc tế của trường. Từ đó, tạo sức lan tỏa của trường trong đời sống pháp luật của đất nước nhằm xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội thực sự trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 11 tập thể và 29 cá nhân có thành tích đối với sự phát triển của Trường.