Tham dự Hội thảo ngoài các thầy, cô trong Trường còn có đại biểu đến từ VKSND, một số Văn phòng luật sư, Học viện Ngoại giao, Đại học Bách khoa…
Phát biểu khai mạc, ông Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết từ đầu năm 2020 Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức việc thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa, đánh giá các chương trình đào tạo để xem những gì còn khiếm khuyết, tồn tại để bổ sung, hoàn thiện.
Đại học Luật Hà Nội có 7 chương trình đào tạo trình độ đại học: Chương trình đào tạo ngành Luật, đào tạo ngành Luật chất lượng cao, ngành Luật thương mại quốc tế… “Làm chương trình đào tạo không đơn giản nhưng Trường luôn cố gắng để có chương trình đào tạo đạt chuẩn, phù hợp với chuẩn đầu ra, đáp ứng được yêu cầu xã hội”, ông Trần Quang Huy nói.
Đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện Chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngành Luật, PGS.TS Đoàn Thị Tố Uyên đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Theo TS Uyên, cần nhất quán những nguyên tắc sau khi rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo: Bám sát chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, thái độ và vị trí việc làm) làm cơ sở lựa chọn điều chỉnh Chương trình đào tạo. Bên cạnh đó cần điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo với việc chuyển một số học phần tự chọn thành bắt buộc…
Bởi theo bà Uyên, xây dựng chương trình đào tạo thực sự khoa học, đạt tiêu chuẩn chất lượng là yêu cầu quan trọng đối với tất cả các cơ sở đào tạo đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, với định hướng nghiên cứu, với sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước, cung cấp các sản phần khoa học và dịch vụ pháp lý cho nhà nước, xã hội, người dân… thì đòi hỏi này càng trở lên cấp thiết.
Bà Uyên hi vọng với những ý kiến của mình, đây sẽ là một kênh thông tin để giúp Lãnh đạo trường cân nhắc, xem xét điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện Chương trình đào tạo ngành luật, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, các nhà tuyển dụng, từ đó khẳng định vị thế của Trường đại học Luật Hà Nội trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Th.S Nguyễn Thị Thìn – Học viện Ngoại giao cũng nêu một số đóng góp về việc đổi mới Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Luật Hà Nội. Theo bà Thìn, Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh đã bám sát các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng chương trình, đáp ứng tốt yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng; Chuẩn đầu ra phù hợp với ngành được đào tạo, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động… Tuy nhiên, vẫn cần cải tiến để làm sao cho phù hợp giữa chương trình đào tạo với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu mà Trường đã xác định…