Tự phong “phi lợi nhuận” trong khi Bộ GD&ĐT chưa đồng ý
Trong công văn số 891/ĐHHS-HĐQT do ông Trần Văn Tạo, chủ tịch HĐQT gửi thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM cho rằng Trường ĐH Hoa Sen (ĐHHS) hoạt động theo “cơ chế phi lợi nhuận”. Việc này khiến các cổ đông không đồng ý và trên thực tế, trường này chưa được bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên môn nào công nhận trường là hoạt động phi lợi nhuận.
Trong đơn kêu cứu, hàng chục cổ đông cho rằng, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường đã giải thích sai về lịch sử hình thành trường, sai về các văn bản thành lập trường, sai về cách thức chia cổ tức trường từ khi thành lập, lợi dụng văn hóa tôn trọng đạo đức, tình nghĩa của dân tộc Việt Nam để đưa chiêu bài đạo đức và phi lợi nhuận để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận nhằm che dấu các sai phạm của mình.
Ngoài ra, bà Bùi Trân Phượng tìm mọi cách ép buộc cổ đông thoái vốn bằng chính cổ phần của mình để toàn quyền nắm quyền kiểm soát và điều hành ĐHHS như công văn số 891/ĐHHS-HĐQT gửi thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM. Hành động này vi phạm luật đầu tư và đi ngược lại chính sách xã hội hóa giáo dục mà nhà nước và chính phủ đang khuyến khích thực hiện.
Đặc biệt, hai năm gần đây, năm 2014 và 2015, mặc dù được cơ quan chủ quản nhắc nhở nhiều lần nhưng bà Bùi Trân Phượng vẫn ngang nhiên chưng các bảng hiệu “Không vì lợi nhuận” trên nhiều phương tiện truyền thông và hơn nữa, cố tình chiếm đoạt quyền định đoạt tài sản của cổ đông bằng việc ngang nhiên không tổ chức Đại hội cổ đông thường niên, tự ý chi tiêu tài chính, tự ý ấn định mức cổ tức, loại bỏ quyền hợp pháp của cổ đông đã được pháp luật thừa nhận trong suốt hai năm qua.
Ngày 1.10.2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 5032/BGDDT-TCCB khẳng định: (1) ĐHHS là ĐH tư thục; (2) Để chuyển sang ĐH tư thục không vì lợi nhuận, ĐHHS phải tiến hành thủ tục theo mục 4, chương II của điều lệ trường ĐH theo QĐ số 70/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 10.12.2014. Và mới đây, ngày 18.01.2016, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn 422/VPCP-KGVX trả lời về việc chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận đối với trường ĐHHS, công văn nêu rõ: (1) ĐHHS là trường đại học tư thục; (2) Trường ĐHHS muốn chuyển đổi sang trường ĐH tư thục không vì lợi nhuân phải tuân thủ theo quy trình, thủ tục quy định tại điều lệ trường đại học theo QĐ 70/2014/QD-TTg (tài liệu số 5). Điều này một lần nữa khẳng định ĐHHS đến nay không phải là Đại học tư thục không vì lợi nhuận như Ban lãnh đạo ĐHHS đã công khai lừa dối xã hội.
“Mặc dù đã có những công văn nhắc nhở của các cấp cao nhất khẳng định ĐHHS chưa là trường không vì lợi nhuận và yêu cầu ban lãnh đạo ĐHHS tuân thủ pháp luật, nhưng bà Bùi Trân Phượng vẫn một mực phủ nhận các chỉ đạo này và ngày càng ngoan cố hơn, bà cho in hàng loạt các ấn phẩm, tài liệu của trường với khẩu hiệu “không vì lợi nhuận”, kể cả việc ngang nhiên truyền thông “không vì lợi nhuận” cho phụ huynh, sinh viên và quan khách như trong các buổi gặp gỡ, lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp. Khi nhà nước đang đề cao tinh thần tôn trọng pháp luật và đang làm việc trong môi trường giáo dục mà hiệu trưởng ĐHHS, bà Bùi Trân Phượng lại ngang nhiên coi thường pháp luật đến như vậy”. Đại diện một cổ đông nhà trường bức xúc.
Hàng trăm nhân viên, giảng viên bị nghỉ việc vô tổ chức
Theo thống kê việc thay đổi nhân sự cho biết: Tỉ lệ nghỉ việc, thay đổi nhân sự ở cấp quản lý luôn ở mức rất cao và đáng báo động. Cụ thể, tổng số giảng viên, nhân viên nghỉ việc từ 2009 đến hết tháng 09/2014 là hơn 420 người trên tổng số nhân viên và giảng viên trung bình là 420 giảng viên, nhân viên.
Ngay sau khi các sai phạm bị phát hiện, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 40 quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, thuyên chuyển các nhân sự “trái ý” với hiệu trưởng, thể hiện sự tùy tiện trong việc thuyên chuyển, cách chức các bộ công nhân viên. Hơn nữa, nhiều quyết định trong số này vi phạm nghiêm trọng luật lao động. Hầu hết các nhân viên của ĐHHS tham dự ĐHĐCĐBT ngày 02/08/2014 đều đã bị Lãnh đạo đương nhiệm ĐHHS điều chuyển công tác sang vị trí khác hoặc gây sức ép nghỉ việc.
“Bên cạnh việc cách chức, ép nghỉ việc, rất nhiều GV, NV không được giao việc, giảm lương và đặc biệt là cố tình vi phạm luật lao động gây bất an, xáo trộn nội bộ. Rõ ràng, mục tiêu chính của sự thay đổi nhân sự bất thường này nhằm gây áp lực để tạo phe cánh ủng hộ cũng như che dấu các sai phạm của bà Bùi Trân Phượng nhằm kéo dài thời gian tại vị”. một cổ đông lên tiếng.
Theo kiến nghị của các cổ đông việc chuyển đổi mô hình hoạt động “không vì lợi nhuận” cần phải tuân thủ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Và để không ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, sinh viên cũng như giảng viên, các cổ đông đề nghị việc tranh chấp, mẫu thuẫn phải dựa trên cơ sở pháp luật để phán quyết.
Sai phạm trong chương trình đạo tạo
Theo Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr, ngày 30/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An (gọi tắt Công ty TNHH Vĩnh An) do Giám đốc Bùi Trân Phượng là người đại diện theo pháp luật, hàng loạt sai phạm đã được làm rõ.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản lý khách sạn - nhà hàng quốc tế giữa ĐHHS với Trường Kinh doanh quốc tế quản lý du lịch và khách sạn Vatel thuộc Vatel Development (Cộng hòa Pháp) do Công ty TNHH Vĩnh An thực hiện là vi phạm các quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện dự án Vatel, ngày 20/3/2012, bà Bùi Trân Phượng đã ký Giấy ủy quyền số 0103/2012 ủy quyền cho Công ty Vĩnh An được phép: (1) Được quyền ký kết hợp đồng giảng dạy với các giảng viên; (2) Được quyền ký kết hợp đồng thực tập cho sinh viên theo học chương trình Vatel Việt Nam; (3) Được quyền ký kết hợp đồng bảo hiểm tai nạn cho sinh viên theo học chương trình Vatel Việt Nam; (4) Được quyền xác nhận vào phần “Chữ ký của đơn vị được bảo hiểm” trong đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm tai nạn của sinh viên theo học chương trình Vatel Việt Nam.
Kết luận thanh tra số 03/KL-TTr chỉ rõ các sai phạm tại đây gồm việc thu chi học phí không rõ ràng, sai phạm về kế toán - tài chính, sai phạm về đội ngũ giảng dạy khi 36 giảng viên tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành chương trình này, có 7 giảng viên không có bằng thạc sĩ, 3 giảng viên người Việt Nam không có văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ tiếng Anh C1 khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương. Đặc biệt nghiêm trọng là có 1 giảng viên không có bằng cử nhân…
Với những sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã xử phạt hành chính 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH Vĩnh An, buộc công ty này phải dừng tất cả hoạt động giáo dục trong thời hạn 12 tháng. Không chỉ xử phạt Công ty TNHH Vĩnh An, thanh tra Bộ còn xử phạt hành chính đối với ĐHHS 15 triệu đồng. Thanh tra Bộ yêu cầu ĐHHS phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh An hoàn trả lại cho người học số tiền đã thu vượt quy định hơn 1,5 tỉ đồng.
Trong kết luận thanh tra cũng như các quyết định xử lý hành chính đã nêu rõ bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐHHS đồng thời là Giám đốc Công ty Vĩnh An phải chịu trách nhiệm trực tiếp liên quan đến những sai phạm này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này./.
Theo quyết định (bản án ngày 29/9/2015) về việc tranh chấp giữa công ty với các thành viên: Nguyên đơn là công ty cổ phần Iconnect và công ty cổ phần Co- Ordinate, bị đơn là Trường Đại học Hoa sen cho biết: Trường ĐHHS phải thanh toán số tiền tạm ứng cổ tức năm học 2013-2014 cho công ty Iconnect theo đúng cổ phần Iconnect đang sỡ hữu là 2.487.295 cổ phần ( tương đương 26,50% vốn điều lệ) với số tiền là 1.940.090.100 đồng và tiền lãi là 111.070.158 đồng. tổng cộng là 2.051.160.258 đồng.
ĐHHS phải thanh toán số tiền tạm ứng cổ tức năm học 2013-2014 còn thiếu cho Công ty cổ phần Co-Ordinate theo đúng cổ phần công ty đang sỡ hữu là 629.419 cổ phần ( tương đương 7,38% vốn điều lệ) với số tiền là 58.049.940 đồng và tiền lãi là 3.323.359 đồng. tổng cộng là 61.373.299 đồng.
Hai công ty công ty cổ phần Iconnect và công ty cổ phần Co- Ordinate được thành lập bằng việc góp vốn bằng cổ phần của cổ đông trường Đại học Hoa Sen. Do không được chia cổ tức nên hai công ty khởi kiện Đại học Hoa sen ra Tòa án ND TPHCM. Đầu tháng 4/2016 sẽ xử phúc thẩm