Lập nghiệp dưới chân núi Tam Đảo, ông Viên Văn Ngọc (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang sở hữu hơn 5.000 cây sưa đỏ lớn, nhỏ giá trị hàng tỷ đồng. Kinh tế trang trại còn giúp ông trở thành tỷ phú lập nghiệp, tấm gương điển hình cho người dân vùng bán sơn địa.
Tỷ phú… cây sưa
Giữa vườn cây xanh mướt rộng 2 ha chạy dọc dài lên chân dãy núi Tam Đảo, ông Viên Văn Ngọc giới thiệu với chúng tôi những gốc cây sưa đang độ 2,3 năm tuổi. Ươm giống từ hạt, ông Ngọc đã nắm được nhiều bí quyết để trồng thứ cây đang được coi là hàng "hot" hiện nay.
"Tôi phải về Hà Nội và xin Ban quản lý các công viên, vườn cây để giúp quét lá và nhặt hạt cây sưa rụng. Khi nguồn giống ổn định, tôi triển khai ươm bán cây giống", ông Ngọc cho biết thêm.
Ngoài hơn 5.000 cây gỗ sưa đang trưởng thành, gia đình ông có những cây sưa đường kính 20 cm giá trị hàng trăm triệu đồng.
Ông Viên Văn Ngọc và những cây sưa giống.
"Người nông dân muốn làm giàu từ kinh tế nông trại cần dựa trên sự cần cù chịu khó và kiên nhẫn làm vốn. Có như vậy mới cái giàu mới bên vững, lòng mới than thảnh", ông Ngọc chia sẻ. Nổi tiếng là mát tay, vườn nhà còn là nơi ông trồng hàng trăm gốc hoa hải đường, cây lộc vừng, đa, si, đề và giáng hương. Dịp Tết âm lịch tới đây, dự kiến mỗi cây hoa hải đường cao hơn 1m trổ hoa bán được 200 ngàn đồng/cây. Những cây thế và cảnh giá vô cùng, có khi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Doanh thu từ cây sưa đã giúp ông Ngọc thu hàng tỷ đồng/năm. "Mát tay" với vật nuôi
Ông Ngọc còn nhân giống cây sưa bán cho các Cty nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành. Mới đây, ông xuất 10.000 cây sưa non cho một DN tại Hà Nội với giá 15.000 - 25.000 đồng/cây.
Không chỉ là tỉ phú trồng cây sưa, ông Ngọc còn xây dựng trang trại nuôi dế, dũi đẻ và tắc kè. Cơ duyên gắn với con dế thật tình cờ. "Năm 2007, tôi nghe bạn giới thiệu nên thử mua 500 con dế từ Thái Bình. Kết quả đạt tốt, tôi triển khai mở rộng việc ấp và nuôi dế thịt cũng như con giống dế. Nhiều hộ gia đình biết tiếng đến tham quan và đăng ký mua đều được hỗ trợ kỹ thuật và chăm sóc con giống" - ông Ngọc kể.
Đầu năm 2010, Hội nuôi dế Vĩnh Phúc do ông Ngọc là chủ tịch được thành lập. Hội là cơ sở để ông cùng gần 100 hội viên chia sẻ kinh nghiệm nuôi, kinh doanh dế. Theo ông Ngọc, đầu tư chuồng trại, thức ăn cho dế không tốn kém.
Chỉ sau 2 tháng, người nuôi có thể bán dế thành phẩm với giá từ 200-500 ngàn đồng/kg. Nguồn hàng hiện không đủ cung cấp cho các nhà hàng. Mỗi tháng xuất khoảng 50-100 triệu đồng tiền hàng, ông Ngọc còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi dế nhằm cung cấp sản phẩm tới các nhà hàng tại Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Khởi nghiệp từ tay trắng
Sinh năm 1960 trong gia đình dân tộc Sán Dìu nghèo tại vùng bán sơn địa của tỉnh Vĩnh Phúc, Viên Văn Ngọc chỉ học hết lớp 6 rồi đi làm thuê. Khi có vợ và mấy mặt con, ông Ngọc vẫn lăn lộn với nhiều nghề bốc vác, chặt cây tại Hải phòng, Thanh Hóa...mà cảnh nghèo vẫn đeo đẳng.
Đầu năm 2000, trong những lần đi chặt gỗ thuê ông biết được cây gỗ sưa có giá cao. Người tìm cây to thì nhiều nhưng người chịu khó trồng cây bé để thu hoạch thì ít.
Ông Ngọc tìm được cây non đem về trồng thử thấy phát triển tốt. "Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện", tích cóp những đồng nhỏ, vợ chồng ông dồn sức ươm cây sưa non. Chỉ sau vài năm, thu nhập từ cây sưa non đã biến Viên Văn Ngọc từ người làm thuê thành ông chủ.
Thành công nhanh nhưng cũng có khi gặp thất bại. Năm 2007, trận mưa kéo dài ở Tam Đảo làm chết gần 30.000 cây giống của gia đình ông, trị giá hơn 600 triệu đồng. Vốn liếng gần cạn kiệt nhưng rồi với quyết tâm làm giàu chân chính, ông Ngọc đã tìm tra lối thoát nghèo không chỉ bằng cây sưa mà còn nhờ con dế, dũi và tắc kè...
Đức Trường - Sao Khuê